Thị trường bất động sản, trái phiếu khó khăn làm giảm khả năng cung ứng vốn của nền kinh tế

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp cần nguồn vốn dài hạn để vượt qua khó khăn. Do đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần được cải cách đổi mới, không nên quá thắt chặt, cũng không nên quá nới lỏng để hỗ trợ nguồn lực cho doanh nghiệp.

Phát biểu tại “Diễn đàn doanh nghiệp 2024: Khơi thông động lực tăng trưởng mới” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 12/4, ông Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương nhận định, nền kinh tế Việt Nam trong quý I ghi nhận sự tăng trưởng tích cực so với những năm gần đây nhờ xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ, giải ngân vốn đầu tư FDI và đầu tư công có xu hướng tăng.

Đặc biệt, dù chỉ số PMI có giảm nhẹ 49,9 điểm vào tháng 3 sau khi vượt ngưỡng 50 trong tháng 1 và tháng 2, song số lượng đơn đặt hàng giảm, mức giảm của sản lượng là nhỏ, và chỉ giới hạn trong các công ty sản xuất hàng hóa trung gian, trong khi các công ty sản xuất hàng hóa tiêu dùng và hàng hóa đầu tư cơ bản vẫn ghi nhận tăng trưởng.

Trong thời gian tới, ông Tú Anh cho rằng những yếu tố thuận lợi để có thể tiếp tục duy trì đà tăng trưởng của quý I như lãi suất điều hành của các Ngân hàng Trung ương (NHTW) sẽ không tăng và có nhiều khả năng giảm trong năm 2024.

“Hiện nay NHTW Thụy Sĩ đã giảm 0,25 điểm % lãi suất điều hành. Các NHTW khác như Ngân hàng NHTW châu Âu (ECB), Cục dự trữ Liên bang (Fed), NHTW Nhật Bản (BOJ), NHTW Trung Quốc (PBoC), NHTW Anh (BOE) vẫn giữ nguyên lãi suất nhưng phát tín hiệu sẽ giảm lãi suất. Áp lực dòng vốn và lãi suất trong nước giảm hơn”, ông Tú Anh nêu rõ.

Ông Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương. (Nguồn: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp).

Đề cập đến vấn đề về vốn, ông Tú Anh cho rằng, nền kinh tế còn nhiều vấn đề tồn tại như như thị trường bất động sản vẫn chưa có sự khởi sắc, thị trường trái phiếu.

Các yếu tố này sẽ tác động đến khả năng cung ứng vốn của nền kinh tế. Vì vậy để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế và các doanh nghiệp cần tập trung để khơi thông các kênh dẫn vốn trong thời gian tới.

“Nếu các yếu tố thuận lợi được tận dụng tối đa, hạn chế khó khăn và các rủi ro được nhận kiểm soát chặt chẽ, cùng với quyết tâm mạnh mẽ từ Chính phủ, dự kiến mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6 - 6,5% có thể đạt được”, ông Tú Anh dự báo.

Đồng quan điểm, ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cho rằng doanh nghiệp không nên quá trông chờ vào nguồn vốn tín dụng với lãi suất thấp, mà cần tiếp cận vốn thông qua thị trường trái phiếu.

"Tuy vậy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần được cải cách đổi mới, không nên quá thắt chặt, cũng không nên quá nới lỏng để hỗ trợ nguồn lực cho doanh nghiệp".

Ông cũng nêu một thực trạng đáng tiếc đối với nguồn vốn FDI là Việt Nam đã tiếp nhận vốn FDI nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn song đến nay, vẫn chưa có những doanh nghiệp nội địa đủ năng lực để bắt tay với doanh nghiệp FDI lớn, tạo sự lan tỏa.

Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội kỳ vọng trong thời gian tới, thông qua sự hỗ trợ từ chính sách của cơ quan quản lý góp phần nâng cao năng lực, để các doanh nghiệp trong nước trở thành những doanh nghiệp lớn có khả năng song hành với nhà đầu tư nước ngoài.

"Khi đó chúng ta mới có thể tiếp cận công nghệ cũng như biến những lợi thế của đầu tư nước ngoài thành lợi thế của mình. Đây là việc cần thiết để tạo ra một nền kinh tế độc lập tự chủ", ông Cường nhìn nhận.

Khó khăn với doanh nghiệp vừa và nhỏ

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội. (Nguồn: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp).

Ngoài khó khăn về vốn, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội cũng chỉ ra 4 khó khăn khác mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đối mặt bao gồm thiếu đơn hàng; thủ tục hành chính còn rườm rà; lo ngại hình sự hóa trong hoạt động kinh tế, và thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học công nghệ.

Do đó, ông Mạc Quốc Anh cho rằng, cần tập trung tháo gỡ những khó khăn đã được nhìn nhận. Cụ thể, đẩy mạnh mở rộng thị trường xuất khẩu để khơi thông các đơn hàng, khơi thông các nguồn vốn bằng cách giải quyết các vấn đề về trái phiếu, vốn ngân hàng, các nguồn vốn từ các quỹ còn chưa hiệu quả.

Đồng thời, rà soát, tháo gỡ các thủ tục hành chính còn rườm rà, có các biện pháp củng cố hơn nữa niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và giới đầu tư tư nhân; Khơi thông nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bên cạnh đó, ông Quốc Anh đề xuất, Chính phủ cần xây dựng đội ngũ doanh nghiệp lớn, các “sếu đầu đàn” hùng mạnh để có thể tăng cường sức cạnh tranh trên sân chơi toàn cầu, từ đó tạo bệ đỡ hỗ trợ, dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước tham gia mạnh mẽ hơn vào cuộc chơi toàn cầu.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.