Thị trường smartphone bão hòa: Apple, Samsung dần mất thị phần vào các hãng đến từ Trung Quốc

Mặc cho những sáng tạo của các hãng smartphone ngày một lớn, thị trường smartphone trong quí I/2019 vẫn chứng kiến sự sụt giảm đáng thất vọng. Câu hỏi đặt ra là các ông lớn làng di động đang ở đâu để cứu vãn tình hình?

Thị trường smartphone bão hòa

Thị trường smartphone bão hòa: Apple, Samsung dần mất thị phần vào các hãng đến từ Trung Quốc - Ảnh 1.

Thị trường smartphone bão hòa.

Quí i/2019 là một quí kinh doanh đáng thất vọng của các nhà sản xuất smartphone trên toàn cầu. Lượng điện thoại bán ra giảm hơn 16 triệu chiếc, tức giảm 5% so với cùng kì năm ngoái.

Mặc dù có rất nhiều sản phẩm mới, cao cấp được các hãng tung ra thị trường từ bộ tứ Galaxy S của Samsung đến dòng flagship Find X của Oppo, hay P30 của Huawei,…thì bức tranh tổng thể số lượng điện thoại bán ra vẫn chỉ toàn là màu xám.

Có những điểm sáng le lói, đem lại kết quả tăng trưởng khả quan như Huawei tăng 50%, Oppo tăng 10% và Vivo gần 30%. Tuy nhiên, điểm sáng này không thể làm lu mờ đi một thực tế rằng: Thị trường smartphone thế giới đã chạm ngưỡng bão hòa.

Trong quí I/2018, Apple đã bán ra được hơn 50 triệu chiếc iPhone các loại, thì sang đến quí I năm nay, con số này chỉ dừng lại ở mức 40 triệu chiếc, mặc cho những cố gắng của Apple trên toàn cầu như giảm giá bán, thay cũ đổi mới,…

Ông trùm làng sản xuất smartphone của thế giới là Samsung cũng rơi vào cảnh ngộ tương tự. Mặc cho bộ tứ Glaxy S10 gây được tiếng vang lớn trên toàn cầu, đem lại thị phần tăng trưởng cao cho Samsung tại Trung Quốc nhưng doanh số bán ra của Samsung vẫn giảm 8%.

Với đà sụt giảm này của Samsung cùng mức tăng trưởng ấn tượng 50% của Huawei, nhiều người nhận định, vị trí số I trên bảng xếp hạng của hãng sản xuất đến từ Hàn Quốc sớm muộn cũng sẽ bị thay thế nếu hãng này không có những hành động cần thiết và kịp thời.

Không chỉ giảm về doanh số, thị phần của các hãng smartphone trong quí vừa qua cũng giảm đáng kể như Apple thị phần tụt xuống 12% trong khi Samsung chỉ còn 21% và LG thì chỉ còn thoi thóp 2%.

Tổng số điện thoại thông minh bán ra trên toàn thế giới đã giảm từ 361 triệu chiếc xuống 345 triệu chiếc trong quí I năm nay. Các chuyên gia phân tích cho rằng, dường như thị trường smartphone đã đạt đỉnh và đang bắt đầu đi xuống.

Vậy các ông lớn trong làng di động đang ở đâu và đã làm gì để cứu vãn tình hình trên? Chắc chắn họ sẽ không ngồi yên.

Các ông lớn đang làm gì?

Trong lịch sử phát triển của smartphone, chưa bao giờ người ta thấy các hãng sản xuất nắm giữ trong tay nhiều công nghệ đến thế, nhưng cũng chưa bao giờ người ta thấy các mẫu điện thoại nhàm chán đến vậy.

Thị trường smartphone bão hòa: Apple, Samsung dần mất thị phần vào các hãng đến từ Trung Quốc - Ảnh 2.

Các hãng smartphone đang đi vào lối mòn.

Từ "tai thỏ", "giọt nước", "tai trâu" đến "đục lỗ",camera thò thụt… các công nghệ tối ưu màn hình liên tiếp ra đời thế nhưng vẫn chưa có một công nghệ nào tới tầm chín muồi để giải quyết vấn đề một cách triệt để.

Màn hình gập vẫn là một thiết bị đến từ tương lai theo đúng nghĩa đen của nó. Tưởng như sẽ thổi một làn gió mới vào thị trường vốn đang ảm đạm và đi vào lối mòn, chiếc smartphone màn hình gập đầu tiên do Samsung phát triển đã gặp những sự cố trầm trọng ngay trong những ngày đầu tiên ra mắt.

Nếu như công nghệ màn hình gập trở nên phổ biến thì những thiết bị này cũng khá đắt đỏ với người dùng phổ thông trong thời gian đầu. Theo các nhà sản xuất như Samsung, Huawei, hay Xiaomi…các thiết bị này sẽ có giá xấp xỉ 2.000 đôla, quá tầm với của nhiều người.

Thị trường smartphone bão hòa: Apple, Samsung dần mất thị phần vào các hãng đến từ Trung Quốc - Ảnh 3.

Những sáng tạo vội vã.

Các cải tiến trong làng công nghệ thời gian qua cũng xoay quanh các vấn đề "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" như cải tiến camera, cải tiến thiết kế hay tăng sức mạnh xử lí con chíp.

Nếu nhìn vào mặt này, tưởng như công nghệ smartphone vẫn ngày một phát triển. Thế nhưng, dễ dàng nhận thấy những chiếc di động ngày một na ná giống nhau, từ thiết kế đến cấu hình.

Người dùng khát khao những sáng tạo như những ngày đầu tiên của HTC, Blackbery hay Nokia và đặc biệt là từ Apple, hãng điện thoại sáng tạo nhất thế giới.

Thế nhưng, Apple dường như cũng đã đánh mất sự sáng tạo của mình từ khi "thay chỗ đổi chủ" và dần trở nên nhàm chán. Thiết kế của những chiếc iPhone liên tục lặp đi lặp lại năm này qua năm khác.

Thế vậy nhưng, Apple đang ngày càng lún sâu vào vũng lầy mang tên giảm thị phần. Chỉ chưa đầy hơn một năm, hãng này đã bị giảm 2% thị phần trên toàn cầu.

Loay hoay với bài toán phát triển, Apple không còn coi iPhone là tương lai nữa mà chuyển qua trọng tâm là kinh doanh dịch vụ. Tháng 3/2019 vừa qua, người hâm mộ chứng kiến một Táo khuyết hoàn toàn khác khi ra mắt một loạt những dịch vụ từ truyền hình đến trò chơi, thẻ ngân hàng.

Tuy nhiên, hai tháng đã trôi qua và tình hình kinh doanh mảng dịch vụ này của ông lớn Apple vẫn đang nằm trong vòng bí mật.

Trong khi đó, Huawei vẫn đang chìm trong những cuộc khủng hoảng truyền thông về nghi ngờ gián điệp tại một số nước. Các thiết bị 5G thì quá vội vàng vào lúc này và chưa đem đến một tương lai chắc chắn.

Xiaomi thì loay hoay với bài toán giá rẻ, cấu hình cao và định vị lại thương hiệu khi cho ra 3-4 thương hiệu con, nhưng không một thương hiệu nào mang lại doanh thu như kì vọng đặt ra.

Có vẻ như thế giới smartphone đang chờ đón một "Apple thứ hai", một hãng sản xuất đem theo những làn gió mới cho thị trường di động vốn đã quá già nua và chậm chạm.

Các hãng smartphone Trung Quốc: Câu trả lời cho bài toán phát triển ?

Trong quí kinh doanh vừa qua, khi tất cả các hãng smartphone khác đều lao dốc, thì 3/10 hãng điện thoại đến từ Trung Quốc đã tăng trưởng, thậm chí tăng trưởng mạnh như Huawei lên tới 50%, Vivo 30% và Oppo 10%.

Thậm chí, người ta còn nhận thấy rõ hơn sức mạnh đến từ các nhà sản xuất Trung Quốc khi trong top 10 hãng lớn nhất thế giới, chỉ có một đến từ Mỹ, hai đến từ Hàn Quốc và 7 hãng còn lại đến từ Trung Quốc.

Các hãng điện thoại Trung Quốc đang chễm trệ chiếm 44% thị phần smartphone toàn cầu. Thời gian, người ta cũng chứng kiến tốc độ thay đổi chóng mặt của các hãng này.

Từ việc luôn đi copy của các hãng khác, các hãng Trung Quốc đã thực sự tạo ra các trào lưu cho điện thoại gần đây từ công nghệ màn hình giọt nước, camera thò thụt lẫn cảm biến vân tay trong màn hình.

Chúng ta đã thấy sau nhiều năm bị chỉ trích, Oppo đã tạo ra chiếc Find X khiến cả thế giới phải trầm trồ, Huawei không chỉ đơn giản là sản xuất điện thoại, hãng này còn tự sản xuất chip, moderm 5G hay hệ điều hành của riêng mình.

Có lẽ chăng, tương lai của thế giới smartphone sẽ nằm trong tay các hãng điện thoại đến từ Trung Quốc? Câu hỏi này có lẽ sẽ để ngỏ cho các nhà sản xuất, và đặc biệt là cho người dùng, người quyết định số phận của thị trường này.

chọn
'Đất huyện ven trúng đấu giá gấp nhiều lần khởi điểm là đúng thực tế'
Thứ trưởng Tài nguyên & Môi trường cho rằng các địa phương đã kiểm soát chặt công tác đấu giá nhưng thời điểm giao thoa giữa luật cũ và mới phần nào khiến giá trúng tăng cao.