Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (7-13/11): Ninh Thuận dự kiến thành lập khu kinh tế 43.900 ha

Ninh Thuận dự kiến thành lập khu kinh tế ven biển 43.900 ha; dự chi 382.000 tỷ đồng vào 5 cảng biển đến 2030; thu hồi trên 79 ha cho dự án vành đai 4 - Vùng Thủ đô...  là những thông tin quy hoạch, hạ tầng giao thông nổi bật trong tuần.

13Ninh Thuận dự kiến thành lập khu kinh tế ven biển 43.900 ha

UBND tỉnh Ninh Thuận vừa qua đã ban hành văn bản về việc triển khai thành lập Khu kinh tế ven biển phía nam tỉnh

Theo đó, ranh giới dự kiến thành lập Khu kinh tế với tổng diện tích là 439 km2 (43.900 ha) bao gồm 9 xã, trong đó có 7 xã thuộc huyện Thuận Nam (xã Nhị Hà, Phước Minh, Phước Ninh, Cà Ná, Phước Nam, Phước Dinh, Phước Diêm) và hai xã thuộc huyện Ninh Phước (An Hải, Phước Hải). 

Vùng ven biển tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: Tạp chí Nông thôn Việt). 

Về tiến độ, thời gian hoàn thành xây dựng phương án phát triển Khu kinh tế ven biển phía Nam tỉnh và tích hợp vào quy hoạch theo tiến độ Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Dự chi 382.000 tỷ đồng vào 5 cảng biển đến 2030

Mới đây, Cục Hàng hải Việt Nam trình Bộ GTVT thẩm định Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cụ thể, trong việc đầu tư các bến cảng biển, đến năm 2025, tập trung đầu tư các bến 3, 4, 5, 6 tại khu bến Lạch Huyện; bến khởi động tại khu bến Liên Chiểu và các bến cảng chính thuộc cảng biển loại l.

Việc đầu tư các bến cảng biển hầu hết sử dụng nguồn vốn của doanh nghiệp. Dự kiến, tổng mức đầu tư của các bến cảng biển thuộc 5 nhóm cảng biển (không bao gồm các cầu cảng chuyên dùng) đến năm 2030 khoảng 381.991 tỷ đồng.

Cảng Nam Vân Phong hiện nay. (Ảnh: Khải An) 

Đối với kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng hầu hết là những dự án sử dụng vốn đầu tư công với tổng mức đầu tư nhu cầu dự kiến đến năm 2030 khoảng 16.715 tỷ đồng.

Theo đó, đến năm 2025 sẽ ưu tiên đầu tư nâng cấp tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải phục vụ tàu đến 200.000 tấn giảm tải, với nhu cầu vốn cho dự án này đến năm 2025 khoảng 1.400 tỷ đồng.

Thu hồi trên 79 ha đất tại huyện Thanh Oai cho đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô

Ngày 7/11, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chủ trì cuộc làm việc với lãnh đạo huyện Thanh Oai. Một trong những nội dung trọng tâm của buổi làm việc là nhiệm vụ triển khai dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn huyện này.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô, đoạn qua huyện Thanh Oai dài khoảng 7,9 km, đi qua địa bàn 6 xã: Bích Hòa 2,1 km; Cự Khê 2 km; Bình Minh 0,28 km; Tam Hưng 0,98 km; Mỹ Hưng 1,44 km và Thanh Thủy 1,1 km.

Theo Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng, tổng diện tích đất thu hồi để thực hiện dự án là 79,36 ha, thuộc quyền sử dụng của 1.501 hộ gia đình, cá nhân, tổ chức. Trong đó, nhu cầu tái định cư khoảng 40 hộ, cần di chuyển khoảng 1.145 ngôi mộ nổi thuộc 4 nghĩa trang. Tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư ước tính khoảng 1.050 tỷ đồng.

Xem xét 4 phương án làm tuyến kết nối cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu 

Ngày 7/11, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chủ trì cuộc họp Thường trực UBND tỉnh nghe báo cáo phương án đầu tư tuyến kết nối cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu  từ Quốc lộ 56 đến đường ven biển (ĐT.994) TP Vũng Tàu.

Tại buổi làm việc, đơn vị tư vấn đề xuất 4 phương án xây dựng tuyến đường kết nối này. Cụ thể, phương án 1 là cao tốc 6 làn xe đi cao toàn tuyến, không kết hợp đường song hành đi thấp, vốn đầu tư 14.000 tỷ đồng.

Phương án 2 là cao tốc 4 làn xe đi cao toàn tuyến, không kết hợp đường song hành đi thấp, vốn đầu tư hơn 11.600 tỷ đồng. Phương án 3 là cao tốc 4 làn xe đi cao đoạn QL.56 - Vũng Vằn và đi thấp đoạn Vũng Vằn - Vũng Tàu, không kết hợp đường song hành đi thấp, vốn đầu tư dự kiến hơn 7.700 tỷ đồng.

Một góc TP Vũng Tàu hiện nay. (Ảnh: Tổng cục Du lịch) 

Phương án 4 là cao tốc 4 làn xe đi cao đoạn QL.56-Vũng Vằn và đi thấp đoạn Vũng Vằn - Vũng Tàu, kết hợp đường song hành đi thấp trên toàn tuyến, vốn đầu tư hơn 9.400 tỷ đồng.

Các đại biểu đã phân tích cụ thể ưu và khuyết điểm của các phương án. Trong đó, phương án 4 là có tính khả thi cao. Phương án này cần chia thành 2 dự án, giải phóng mặt bằng và xây dựng đường song hành theo hình thức công. 

Tây Ninh sắp hoàn thành hai tuyến đường gần 1.800 tỷ đồng

Vừa qua, lãnh đạo tỉnh Tây Ninh đã đến kiểm tra tiến độ thi công các dự án trọng điểm trên địa bàn huyện Dương Minh Châu .

Đại diện Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng ngành Giao thông tỉnh cho biết, dự án nâng cấp, mở rộng ĐT.782 - ĐT.784 (đoạn từ tuyến tránh QL.22 đến ngã tư Tân Bình), thời gian thực hiện từ năm 2018 - 2022. Tổng mức đầu tư dự án là hơn 1.270 tỷ đồng, theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.

Thi công tuyến đường Đất Sét - Bến Củi. (Ảnh: Báo Tây Ninh) 

Với đường Đất Sét - Bến Củi, dự án được thực hiện từ năm 2018 - 2022. Tổng mức đầu tư khoảng 518 tỷ đồng. Công trình có tổng chiều dài gần 17 km, đã thi công hoàn thành theo thiết kế được hơn 10,5 km, còn hơn 6,5 km chưa thi công hoàn chỉnh. Trong đó, có hai đoạn dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.

Tiến độ tuyến đường nghìn tỷ tại TP Thái Bình

Vừa qua, lãnh đạo tỉnh đã kiểm tra tiến độ thực hiện tuyến đường vành đai phía nam TP Thái Bình, đoạn từ cầu ngang S1 đến đường Chu Văn An; đường 454 (đường 223) đoạn từ đường Trần Thái Tông đến nút giao Quốc lộ 10 tại khu công nghiệp TBS Sông Trà.

Một góc TP Thái Bình. (Ảnh: Báo Đầu Tư) 

Đối với TP Thái Bình có chiều dài tuyến hơn 2,2 km, diện tích phải GPMB là trên 12 ha, ảnh hưởng đến gần 300 hộ dân. Thành phố hiện đang hoàn thiện phương án bồi thường GPMB đối với đất lúa sau khi đã công khai. Xác minh nguồn gốc, kiểm đếm tài sản đối với các loại đất còn lại.

Việt Nam dự kiến có 1.000 - 1.200 đô thị đến 2030

Ngày 11/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký Nghị quyết số 148 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

Chương trình đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hoá toàn quốc đạt trên 50%. Tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1,9 - 2,3%. Số lượng đô thị toàn quốc đến năm 2030 khoảng 1.000 - 1.200 đô thị.

Đến năm 2025, 100% các đô thị hiện có và đô thị mới có quy hoạch tổng thể, quy hoạch phân khu, chương trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị; bảo đảm tối thiểu 100% đô thị loại III trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng về y tế, giáo dục, đào tạo và công trình văn hoá cấp đô thị.

chọn
Chuyên gia: Vàng tăng mạnh nhưng cũng không là gì so với đà tăng của giá bất động sản
TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết từ năm 1990 đến nay, giá vàng tại Việt Nam tăng khoảng 30 lần nhưng giá bất động sản đã tăng khoảng 100 – 400 lần.