Thủ tướng chỉ đạo thu hồi các hợp đồng đất quốc phòng sai phạm, không hiệu quả

Tại buổi làm việc với Bộ Quốc phòng sáng 8/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ này thu hồi các hợp đồng đất quốc phòng hết thời hạn, sai phạm, không hiệu quả.

Sáng 8/8, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với Bộ Quốc phòng về công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng trong hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế gắn với thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.

photo-1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với Bộ Quốc phòng. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu).

Theo thông tin từ Chính phủ, sau khi lắng nghe các ý kiến, phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương sự nỗ lực, quyết tâm của Bộ Quốc phòng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng vào mục đích sản xuất, xây dựng kinh tế gắn với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và những kết quả đạt được của cán bộ, chiến sĩ toàn quân trong thực hiện chức năng của đội quân lao động, sản xuất thời gian qua. 

Thủ tướng đánh giá đó là sự nỗ lực, thành quả rất lớn, có ý nghĩa sâu sắc cả về chính trị, kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh rất đáng trân trọng. 

Thủ tướng cũng yêu cầu trong thời gian tới, Bộ Quốc phòng cần tiếp thu các ý kiến tham gia, hoàn chỉnh các văn bản để trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định, nhất là các nội dung cụ thể.

Đó là cho phép các doanh nghiệp trực tiếp làm nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, các đơn vị, các đoàn kinh tế quốc phòng được sử dụng đất quốc phòng vào nhiệm vụ lao động sản xuất, xây dựng kinh tế. 

Kiên quyết thanh lý, thu hồi các hợp đồng hết thời hạn, sai phạm, không hiệu quả; các hợp đồng có hiệu quả, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng yêu cầu quốc phòng cho thực hiện đến hết thời hạn...

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Quốc phòng phải làm mẫu mực về cổ phần hóa, thoái vốn, bàn giao đất của các doanh nghiệp thuần túy về xây dựng, thương mại, dịch vụ và các doanh nghiệp ít liên quan đến nhiệm vụ quân sự, quốc phòng cho địa phương để phát triển kinh tế - xã hội và quản lý theo luật định. 

ĐBộ Quốc phòng cũng được yêu cầu đề xuất chủ trương, giải pháp cơ bản, lâu dài để quản lý chặt chẽ, phát huy cao nhất hiệu quả sử dụng đất quốc phòng vào cả nhiệm vụ quốc phòng và nhiệm vụ xây dựng, phát triến đất nước, phù hợp với thực tiễn và chức năng nhiệm vụ của quân đội, không để lãng phí nguồn lực.

Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng, những năm gần đây, Bộ đã tích cực chỉ đạo cơ cấu, sắp xếp lại doanh nghiệp quân đội với mục tiêu, cơ cấu lại nhằm giảm mạnh số lượng doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, tập trung vào những ngành, lĩnh vực trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; bảo đảm yêu cầu phát triển công nghiệp quốc phòng của đất nước. Đẩy mạnh thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuần túy, thương mại, xây dựng, dịch vụ...

Nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng có hiệu quả khoa học công nghệ 4.0, như Tập đoàn Công nghiệp -viễn thông Quân đội, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, Tổng công ty Trực thăng Việt Nam... Khối doanh nghiệp quân đội hàng năm thu nộp khoảng 41.000 tỉ đồng cho ngân sách Nhà nước (chiếm xấp xỉ 16% tổng số ngân sách do các doanh nghiệp Nhà nước thu nộp), tạo ra doanh thu đạt khoảng 5% GDP của đất nước.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.