Thường Tín, Thanh Oai, Phúc Thọ thay đổi mạnh hạ tầng giao thông nhờ nông thôn mới

Trong tháng 3 năm 2021, Hà Nội đã phê duyệt 3 huyện gồm Thường Tín, Thanh Oai, Phúc Thọ đạt chuẩn nông thôn mới.

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, ngày 31/3, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký các quyết định công nhận huyện Thanh Oai và huyện Phúc Thọ đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.

Sau 10 năm thực hiện nông thôn mới ở huyện Thanh Oai, đến nay, hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi tại đây đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng được yêu cầu phát triển. 

Toàn bộ các tuyến đường của huyện đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 100% hệ thống trục xã, liên xã, đường trục thôn, liên thôn, xóm đã được xây dựng xong; các tuyến ngõ, đường xóm không lầy lội vào mùa mưa; các tuyến đường trục chính nội đồng đã được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện vận chuyển hàng hóa, nông sản.

Trong năm 2021, huyện Thanh Oai có kế hoạch thu hồi đất để thực hiện một số dự án giao thông, cải thiện giao thương như: Cải tạo đường tỉnh lộ 427, đoạn từ QL21B - đường trục phía Nam - Quốc lộ 1A; nâng cấp và mở rộng Quốc lộ 21B đoạn từ đầu đường tỉnh lộ 427 - thị trấn Kim Bài - nút giao ngã tư Vác; dự án đường trục phát triển kinh tế huyện...

Cùng với huyện Thanh Oai, sau hơn 10 năm thực hiện, huyện Phúc Thọ đã đạt 9/9 tiêu chí. Về hạ tầng giao thông, huyện Phúc Thọ đã làm mới, cải tạo nâng cấp 369 km đường giao thông, 168 km kênh mương; hệ thống trường học, trạm y tế, điện, nhà văn hóa thôn được quan tâm xây mới và chỉnh trang. 

Thời gian tới, huyện Phúc Thọ cũng có kế hoạch triển khai dự án đường nối từ quốc lộ 32 với quốc lộ 21A thuộc địa bàn huyện Phúc Thọ và thị xã Sơn Tây, tỉnh lộ 416; cải tạo nâng cấp tỉnh lộ 417 từ Km8+100 đến Km16+600...

Trước đó vào ngày 24/3, huyện Thường Tín Hà Nội đã được chứng nhận là địa phương đạt chuẩn nông thôn mới với 2.820 m2 đất thổ cư, 44.039 m2 đất nông nghiệp được người dân hiến cho chính quyền để mở rộng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng. 

Theo định hướng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới sau năm 2020 (giai đoạn 2021 - 2025), cả nước phấn đấu có ít nhất 15 tỉnh và 40% huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 80% số thôn, bản, ấp thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. 

chọn
Toàn cảnh vị trí dự kiến xây cầu vượt sông Luộc nối Hải Dương - Thái Bình
Một cầu vượt sông Luộc dự kiến được xây dựng kết nối huyện Thanh Miện, Hải Dương và huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình.