Tiến độ dự án Xuân La của Incomex vẫn bỏ ngỏ

Dự án Chợ Xuân La tại Tây Hồ (Hà Nội) do Incomex làm chủ đầu tư đến nay đã chậm tiến độ 14 năm, do chưa xác định nghĩa vụ tài chính nên chưa thể chốt ngày triển khai.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 vừa qua, cổ đông của CTCP Xây dựng Sông Hồng (Incomex, mã chứng khoán: ICG) đã thông qua kế hoạch sản xuất, kinh doanh và phương án đầu tư các dự án trong năm 2022.

Theo kế hoạch, năm nay Incomex sẽ tiếp tục triển khai các dự án gồm cải tạo chung cư 135 Nguyễn Văn Cừ, dự án Sao Mai, Xuân La, Thung Lũng Thanh Xuân, dự án Vĩnh Tuy giai đoạn 2 và cải tạo khu B Kim Liên giai đoạn 2.

Nằm trong danh mục triển khai nói trên, đáng chú ý có dự án Chợ Xuân La tại quận Tây Hồ (Hà Nội).

Dự án chậm tiến độ 14 năm

 Mặt tiền dự án trên đường Xuân La hiện nay. (Ảnh: Hoàng Huy).

Ngày 4/7/2008, dự án Trung tâm thương mại, chợ, siêu thị, văn phòng cho thuê Xuân La (Chợ Xuân La) được UBND quận Tây Hồ phê duyệt kết quả đấu thầu đối với Incomex.

Dự án nằm tại phường Xuân La, quận Tây Hồ, phía đông tiếp giáp ngõ 28 Xuân La, phía Tây Nam giáp mặt đường Xuân La. Thông tin từ chủ đầu tư, dự án Chợ Xuân La có diện tích hơn 0,2 ha, tổng mức đầu tư dự kiến 380 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn là khu đất trống với hàng rào vây quanh. Do chậm tiến độ, UBND quận Tây Hồ đã phải bố trí cho các hộ kinh doanh họp chợ tạm tại ngõ 28 Xuân La.

Việc dự án bị chậm tiến độ hơn chục năm đã ảnh hưởng đến đời sống của người dân phường Xuân La và đã được cử tri quận Tây Hồ phản ánh trong các kỳ họp HĐND.

Năm 2013, Incomex từng có ý định xin giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất và đề nghị UBND TP Hà Nội cho chuyển đổi dự án Chợ Xuân La sang nhà ở xã hội. Vào ngày 20/5/2013, UBND quận Tây Hồ đã đề nghị UBND TP Hà Nội xem xét hủy kết quả đấu thầu thực hiện dự án Chợ Xuân La do Incomex chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính.

Trước tình hình này, vào năm 2014, công ty đã đề nghị thành phố cho phép chuyển đổi dự án sang mô hình chợ dân sinh (không xây dựng trung tâm thương mại, văn phòng, siêu thị), đồng thời xin quỹ đất đối ứng để bù đắp chi phí đầu tư ban đầu.

Từ năm 2014 đến 2016, Incomex có ý định tái cơ cấu, chuyển nhượng dự án. Đến năm 2017, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận đề nghị của Incomex, phê duyệt điều chỉnh quy mô của dự án Chợ Xuân La thành mô hình chợ dân sinh.

Riêng với dự án Xuân La, Incomex cho biết đang liên hệ với UBND TP Hà Nội và các sở ngành để xác định các khoản nghĩa vụ tài chính cho dự án.

Vào năm 2020, Sở Tài nguyên Môi trường TP Hà Nội từng lý giải nguyên nhân dự án chưa thể triển khai. Cụ thể, Incomex chưa nộp nghĩa vụ tài chính khi trúng đấu giá là hơn 33 tỷ đồng và nghĩa vụ tài chính bổ sung là 20,6 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, một số dự án trên địa bàn TP Hà Nội có mô hình tương tự dự án Chợ Xuân La như Chợ Hàng Da, Chợ Cửa Nam... đã không còn phù hợp.

Chưa xác định được nghĩa vụ tài chính

 Khu đất dự án Xuân La nhìn từ trên cao. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).

Nhìn vào báo cáo thường niên những năm gần đây của Incomex, dự án Xuân La đều nằm trong kế hoạch triển khai hàng nằm, song tiến độ thực tế không có nhiều chuyển biến.

Tại báo cáo thường niên năm 2020, Incomex cho biết công ty đang liên hệ với UBND thành phố và các sở ngành để xác định các khoản nghĩa vụ tài chính cho dự án, thực hiện các công tác chuẩn bị đầu tư tiếp theo để tiến hành khởi công xây dựng.

Cũng trong năm 2020, doanh nghiệp đã có quyết định kêu gọi hợp tác đầu tư vào dự án Xuân La.

Trong báo cáo thường niên 2021, dự án Xuân La vẫn chưa thể xác định các khoản nghĩa vụ tài chính. Việc hoàn thành thủ tục pháp lý, triển khai dự án tiếp tục được dời sang năm 2022. 

Trở lại với ĐHĐCĐ thường niên 2022 vừa qua, cổ đông Incomex đã thông qua phương án ủy quyền cho HĐQT quyết định việc tiếp tục triển khai đầu tư hoặc chuyển nhượng dự án.

Tính đến 31/3/2022, chi phí dở dang dài hạn của Incomex tại dự án Xuân La ghi nhận hơn 19,5 tỷ đồng. Con số này được giữ nguyên từ năm 2011 đến nay.

Tại kỳ họp thứ 2 HĐND thành phố khóa XVI, UBND TP Hà Nội cho biết, hiện nhà đầu tư đang triển khai thực hiện các thủ tục để điều chỉnh mục tiêu, quy mô đầu tư dự án Xuân La thành chợ dân sinh hạng 2, đồng thời đề xuất hai phương án.

Với phương án 1, Incomex đề xuất dừng thực hiện mô hình chợ dân sinh kết hợp trung tâm thương mại văn phòng, thu hồi các dự án và tổ chức đấu thầu lại các dự án chợ theo mô hình chợ dân sinh truyền thống.

Đối với phương án 2, Incomex đề xuất xóa bỏ toàn bộ nghĩa vụ tài chính dự án với quy mô 20 tầng theo các quyết định được phê duyệt; thực hiện xây dựng dự án với quy mô 4 tầng của dự án theo thông báo của UBND thành phố.

Đồng thời, cho phép công ty điều chỉnh hình thức sử dụng đất nộp tiền một lần sang nộp tiền sử dụng đất hàng năm theo quy mô; được khấu trừ số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước (13 tỷ đồng) cho các khoản nghĩa vụ tài chính phải nộp của dự án và không bị phạt chậm nộp nghĩa vụ tài chính với nhà nước.

chọn
BĐS Hồ Gươm đang tiến vào khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 sau thương vụ 45 tỷ đồng
Sau khi cổ phần hóa, Viwaseen cùng đối tác DAF đã nhượng lại quyền phát triển khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 Hà Nội cho Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hồ Gươm với khoản tiền 45 tỷ đồng.