Tiến độ triển khai đường Vành đai 3 và 4 vẫn chậm

Dù đã được quy hoạch thực hiện từ lâu, nhưng đến nay hai tuyến đường Vành đai 3 và 4 vẫn chưa được triển khai đầu tư xây dựng hoàn thiện.
Tiến độ triển khai đầu tư đường Vành đai 3 và 4 vẫn còn chậm - Ảnh 1.

Một đoạn đường Vành đai 3 được tỉnh Bình Dương đầu tư xây dựng hoàn thành. (Ảnh: Tấn Lợi).

Theo tin từ Báo Đồng Nai, công tác triển khai các bước chuẩn bị đầu tư đối với hai tuyến đường Vành đai 3 và 4 hiện vẫn còn rất chậm, chưa đạt được sự thống nhất giữa Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và các địa phương có các tuyến đường đi qua làm cơ sở để trình cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý.

Ngày 11/7 vừa qua, Bộ GTVT đã có cuộc họp với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, TP HCM và Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận về dự án đường Vành đai 3.

Tại cuộc họp, Bộ GTVT đã giao Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận chủ trì, khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi toàn tuyến đường Vành đai 3 để trình tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. 

"Công tác chuẩn bị đầu tư dự án Đường Vành đai 3 sẽ do Bộ GTVT thực hiện. Sau khi báo cáo nghiên cứu tiền khả thi được phê duyệt, Bộ GTVT sẽ xem xét bàn giao các dự án thành phần cho UBND các địa phương có dự án đi qua để triển khai các bước tiếp theo của dự án", Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai Nguyễn Bôn cho biết.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình về triển khai các dự án thành phần trên tuyến Vành đai 3 và Vành đai 4.

Cụ thể, Phó thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố có các tuyến đường đi qua chịu trách nhiệm chủ động kêu gọi, huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng dự án thành phần, trong đó ưu tiên khai thác quỹ đất để tạo vốn.

Đồng thời, Bộ GTVT và các địa phương khẩn trương thống nhất phương án triển khai các dự án thành phần, theo hướng triển khai tối đa theo phương thức PPP (lưu ý nghiên cứu phương án thu phí tổng hợp trên toàn tuyến và phân bổ đến từng dự án thành phần theo quy định của pháp luật).

Trong quá trình triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, Bộ GTVT và các địa phương cũng phải lưu ý rà soát điều chỉnh quy hoạch, tích hợp quy hoạch, hướng tuyến phù hợp, tránh đi qua các khu rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, khu di tích lịch sử, đường hiện hữu, khu đô thị để giảm chi phí giải phóng mặt bằng. 

Bên cạnh đó, Bộ GTVT và các địa phương cần đầu tư hệ thống đường song hành, đường gom để khai thác giá trị đất đai, phát triển khu đô thị, cơ sở hạ tầng, du lịch, dịch vụ; thực hiện đấu giá quỹ đất để tạo vốn đầu tư hạ tầng giao thông.

Hai tuyến đường Vành đai 3 và 4 là những trục giao thông quan trọng đóng vai trò liên kết vùng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Dù đã được quy hoạch thực hiện từ lâu, nhưng đến nay hai tuyến đường này vẫn chưa được triển khai đầu tư xây dựng hoàn thiện. 

Do đó, Chính phủ đã đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành đầu tư xây dựng hai tuyến đường này trong giai đoạn 2021 - 2025, trong đó đường Vành đai 3 được xác định là dự án cấp bách và bắt buộc phải hoàn thành xây dựng trong 4 năm tới.

chọn
Hình ảnh đường kết nối Hà Nội - Bắc Giang qua cầu Xuân Cẩm vừa thông xe
Tuyến đường kết nối từ nút giao Bắc Phú, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đến cầu Xuân Cẩm ở Sóc Sơn, Hà Nội dài 4,2 km vừa thông xe kỹ thuật.