Tiêu tiền không rõ nguồn gốc do chồng đưa, vợ có thể phạm tội Rửa tiền

Mới đây, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết 03/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 324 của Bộ luật Hình sự về tội rửa tiền.

Theo Tòa án nhân dân Tối cao, thực tiễn thực thi Điều 324 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung) cho thấy, vẫn còn một số quy định chưa thực sự rõ ràng, cụ thể, đặc biệt là liên quan đến việc xét xử các vụ án tham nhũng, nên cần phải có hướng dẫn để bảo đảm việc áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.

Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐTP gồm 6 điều, có hiệu lực từ ngày 7/7, quy định chi tiết về phạm vi điều chỉnh, một số thuật ngữ, tội phạm nguồn, tình tiết định tội, tình tiết định khung hình phạt được áp dụng trong Điều 324 Bộ luật Hình sự về tội rửa tiền.

Tiêu tiền không rõ nguồn gốc do chồng đưa, vợ có thể phạm tội Rửa tiền  - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Thế nào là hành vi 'biết tiền do người khác phạm tội mà có'?

Theo đó, khái niệm "tiền, tài sản do phạm tội mà có" trong quy định về tội rửa tiền được hiểu như sau:

"Tiền" bao gồm Việt Nam đồng, ngoại tệ, có thể là tiền mặt hoặc tiền trong tài khoản.

"Tài sản" bao gồm vật, giấy tờ có giá, các quyền tài sản theo quy định của BLDS, có thể tồn tại dưới dạng vật chất hoặc phi vật chất; động sản hoặc bất động sản; hữu hình hoặc vô hình; các chứng từ hoặc công cụ pháp lý chứng minh quyền sở hữu hoặc lợi ích đối với tài sản đó.

Tiền, tài sản do phạm tội mà có là tiền, tài sản có được từ hành vi phạm tội dựa vào các căn cứ: bản án quyết định của Tòa, chứng cứ tài liệu do cơ quan tố tụng cung cấp, chứng cứ tài liệu của Interpol, FATF…

Tại khoản 4 Điều 2 quy đinh, để biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có là một trong các trường hợp sau đây:

Người phạm tội trực tiếp biết được tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có. Ví dụ: người phạm tội được người thực hiện hành vi phạm tội nguồn cho biết là tiền, tài sản do họ phạm tội mà có.

Qua các phương tiện thông tin đại chúng, người phạm tội có thể biết được người khác thực hiện hành vi phạm tội nguồn. Ví dụ: hành vi phạm tội của người thực hiện tội phạm nguồn đã được báo, đài phát thanh, truyền hình đưa tin.

Bằng nhận thức thông thường, người phạm tội có thể biết được tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có. Ví dụ: biết chồng là nhân viên của cơ quan nhà nước có mức lương là 8 triệu đồng/tháng và không có nguồn thu nhập khác nhưng A vẫn nhận của chồng số tiền 10 tỉ đồng để góp vốn vào doanh nghiệp mà không hỏi rõ về nguồn tiền.

Theo quy định của pháp luật, người phạm tội buộc phải biết nguồn gốc tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có. Ví dụ: A mua xe ô tô của B không có giấy tờ với giá bằng một phần mười trị giá của chiếc xe đó.

Tội phạm nguồn của Tội rửa tiền

Nghị quyết hướng dẫn chi tiết tội phạm nguồn của Tội rửa tiền cụ thể như sau: Tội phạm nguồn là tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự và tài sản có được từ từ tội đó trở thành đối tượng của tội rửa tiền (ví dụ: Tội giết người; Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác;...).

Hành vi tội phạm nguồn có thể do công dân, pháp nhân thương mại Việt Nam, người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam thực hiện trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam;

Hành vi phạm tội thực hiện ngoài lãnh thổ nước Việt Nam, do công dân nước ngoài, pháp nhân thương mại nước ngoài thực hiện mà Bộ luật Hình sự Việt Nam, pháp luật quốc gia, vùng lãnh thổ sở tại quy định là tội phạm cũng được xem là tội phạm nguồn.

Tình tiết định tội đối với tội phạm rửa tiền

Đáng lưu ý, Điều 4 của Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐTP đã quy định rõ về 5 tình tiết định tội liên quan đến tội phạm rửa tiền.

Hành vi tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào các giao dịch tài chính, ngân hàng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 324 của Bộ luật Hình sự là thực hiện, hỗ trợ thực hiện hoặc thông qua người khác để thực hiện, hỗ trợ thực hiện một trong các hành vi sau đây nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có:

Mở tài khoản và gửi tiền, rút tiền tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Góp vốn, huy động vốn vào doanh nghiệp bằng tiền, tài sản dưới mọi hình thức; Rút tiền với bất kỳ hình thức nào và bằng các công cụ khác nhau như: Séc, hối phiếu, các phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Cầm cố, thế chấp tài sản; Cho vay, cho thuê tài chính; Chuyển tiền hoặc chuyển giá trị; Giao dịch cổ phiếu, trái phiếu, giấy tờ có giá khác; Tham gia phát hành chứng khoán; Bảo lãnh và cam kết về tài chính, kinh doanh ngoại tệ, công cụ thị trường tiền tệ và chứng khoán có thể chuyển nhượng; Quản lý danh mục đầu tư cá nhân và tập thể; Quản lý tiền mặt hoặc chứng khoán cho tổ chức, cá nhân khác; Quản lý hoặc cung cấp bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm liên quan đến đầu tư khác; Các hành vi khác trong giao dịch tài chính, ngân hàng theo quy định của pháp luật.

Hành vi tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào các giao dịch khác quy định tại điểm a khoản 1 Điều 324 của Bộ luật Hình sự là thực hiện, hỗ trợ thực hiện hoặc thông qua người khác để thực hiện, hỗ trợ thực hiện một trong các hành vi sau đây nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có:

Hoạt động (chơi, kinh doanh) casino; Tham gia (chơi, kinh doanh) trò chơi có thưởng; Mua bán cổ vật; Các hành vi khác không liên quan đến tài chính, ngân hàng.

Hành vi sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh quy định tại điểm b khoản 1 Điều 324 của Bộ luật Hình sự là hành vi dùng tiền, tài sản thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi.

Hành vi sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động khác quy định tại điểm b khoản 1 Điều 324 của Bộ luật Hình sự là hành vi dùng tiền, tài sản để làm dịch vụ, xây dựng trường học, bệnh viện hoặc sử dụng dưới danh nghĩa tài trợ, từ thiện, viện trợ nhân đạo hoặc các hoạt động khác.

Hành vi cản trở việc xác minh thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết do người khác phạm tội mà có quy định tại điểm c khoản 1 Điều 324 của Bộ luật Hình sự là hành vi cố ý gây khó khăn, trở ngại cho việc làm rõ nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản (ví dụ: Cung cấp tài liệu, thông tin giả; không cung cấp, cung cấp không đầy đủ; hủy bỏ, tiêu hủy, sửa chữa, tẩy xóa tài liệu, chứng cứ…).

Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng quy định về một số tình tiết định khung hình phạt của tội Rửa tiền.

Điều 324 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về tội rửa tiền như sau:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có;

b) Sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác;

c) Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó;

d) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này đối với tiền, tài sản biết là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Có tính chất chuyên nghiệp;

đ) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

e) Tiền, tài sản phạm tội trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

g) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

h) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Tiền, tài sản phạm tội trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia.

4. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, c, d, đ, e, g và h khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 10.000.000.000 đồng đến 20.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Xem đầy đủ hướng dẫn tại Nghị quyết 03/2019/NQ-HĐTP:



chọn
5 điểm nổi bật trong quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030
Thừa Thiên Huế là một trong những tỉnh được quy hoạch lên thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025. Cùng điểm qua những điểm nổi bật về quy hoạch tỉnh này thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.