Tổng CTCP Sông Hồng (mã: SHG) vừa công bố BCTC hợp nhất giữa niên độ đã soát xét cho kỳ kế toán kết thúc ngà 30/6/2024.
Trong 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp chỉ ghi nhận 3,4 tỷ đồng doanh thu thuần và 3,6 tỷ doanh thu nhờ lãi tiền gửi, bán các khoản đầu tư. Chi phí bán hàng dù không phát sinh, song chi phí tài chính lại lên đến 72 tỷ đồng do chi phí lãi vay và lỗ do thanh lý các khoản đầu tư tài chính.
Đáng chú ý, SHG ghi nhận 96 tỷ đồng lợi nhuận khác, nhờ được xóa khoản công nợ phải trả cho Công ty TNHH MTV Triều Châu. Kết quả, doanh nghiệp lãi sau thuế gần 28 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 27 tỷ đồng. Theo thống kê của người viết, đây là lần đầu tiên SHG có lãi sau 9 năm (kể từ năm 2015).
Theo đơn vị kiểm toán là CPA Việt Nam, lũy kế đến ngày 30/6/2024, SHG lỗ lũy kế hợp nhất hơn 1.308 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu là 1.003 tỷ đồng. Báo cáo tài chính cho thấy khả năng hoạt động của SHG phụ thuộc vào việc thu hồi các khoản công nợ, nâng cao hiệu quả kinh doanh cho thuê mặt bằng và sự hỗ trợ nguồn vốn từ các cổ đông.
Từ những sở nói trên, đơn vị kiểm toán cho rằng có yếu tố không chắc chắn dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Tổng công ty.
Tổng tài sản của SHG tại ngày 30/6 là 899 tỷ đồng, giảm 19% so với đầu năm, chủ yếu do gần như không còn tiền gửi ngân hàng (đầu năm là 139 tỷ). Phải thu ngắn hạn chiếm 367 tỷ đồng. Nợ xấu ghi nhận 399 tỷ đồng, tuy nhiên giá trị có thể thu hồi chỉ khoảng 120 tỷ đồng.
Hàng tồn kho chiếm 412 tỷ đồng, phần lớn là chi phí dở dang tại công trình Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng I, một lô biệt thự ở Tây Hồ và một số công trình khác.
Bất động sản đầu tư của SHG hiện có diện tích kinh doanh tầng 1, tầng M, diện tích văn phòng, tầng hầm tại dự án nhà ở cao tầng I1, I2, I3 và văn phòng cho thuê Thành Công 2 (tổng hơn 55 tỷ). Các công trình này được SHG cho thuê, đã hết thời hạn sử dụng đất và đã ghi nhận doanh thu, giá vốn.
Chi phí dở dang ghi nhận khoảng 38 tỷ đồng, hầu hết nằm tại Khách sạn Royal Sông Hồng.
Nợ phải trả tính đến 30/6 là 1.902 tỷ đồng, giảm 11% so với đầu năm. Trong đó, doanh nghiệp không còn khoản phải trả tại Công ty Triều Châu (đầu năm nợ 119 tỷ đồng).
Nói thêm về khoản nợ này, trước đây SHG có khoản nợ hơn 95 tỷ đồng phải trả cho Công ty TNHH MTV Quản lý Tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) theo bản án phúc thẩm của TAND TP Hà Nội.
Ngày 31/12/2021, một phần nợ gốc đã được chuyển sang cho Công ty Triều Châu với giá trị là 90 tỷ đồng. Trong biên bản làm việc về việc thi hành án với Triều Châu hồi tháng 2/2024, Công ty Triều Châu đã đồng ý xóa khoản nợ gốc hơn 94 tỷ đồng và lãi chậm trả nợ gốc kể từ ngày 1/7/2023.
Bên cạnh đó, dự án khách sạn Royal Sông Hồng của SHG cũng được dùng để trả nợ, thông qua việc bàn giao/nhượng lại cho đơn vị mà Công ty Triều Châu chỉ định, từ đó giá trị giảm trừ nghĩa vụ là 10 tỷ đồng.
Đối với khoản nợ 200 tỷ còn lại, theo thông báo hồi tháng 4/2024, Triều Châu chuyển quyền đòi nợ sang cho chủ nợ mới là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Inox Tsinghan Việt Nam.
SHG tiền thân là Công ty Kiến trúc Việt Trì, doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ Xây dựng, thành lập từ năm 1958, trụ sở hiện đặt tại quận Tây Hồ, Hà Nội.
Doanh nghiệp hoạt động trong 4 mảng chính, bao gồm: Xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp; Đầu tư và kinh doanh bất động sản; Sản xuất công nghiệp và vật liệu xây dựng; Tư vấn xây dựng và đào tạo, xuất nhập khẩu lao động và thương mại.
Riêng mảng bất động sản, SHG từng tham gia vào hàng loạt dự án ở Hà Nội như: Khu đô thị Bắc Cổ Nhuế - Chèm (Bắc Từ Liêm); Dự án Xây dựng nhà ở cao tầng I1, I2, I3 và văn phòng cho thuê Thành Công 2 (Đống Đa); Tổ hợp công trình đa chức năng Sông Hồng Tower - Tây Hồ Tây (Bắc Từ Liêm); Tổ hợp nhà ở tái định cư và chung cư Sông Hồng (Hoàng Mai).
Ở các địa phương khác, SHG có đầu tư Khu dân cư Bắc Vĩnh Hải (TP Nha Trang); Khu đô thị Sông Hồng Nhơn Trạch (Đồng Nai); Khu nhà ở chung cư cao cấp và trung tâm thương mại 165/5 Nguyễn Văn Luông (TP HCM); Khu du lịch Sông Hồng - Cam Ranh Resort (Khánh Hòa); Khách sạn Royal Sông Hồng (Lào Cai).
Năm 2010, SHG hoàn thành cổ phần hóa và trúng thầu nhiều công trình lớn, như nhà thi đấu thể thao Đà Nẵng; nhà máy nhiệt điện Vũng Áng I; Nhà thi đấu thể thao Nam Định...
Tuy nhiên, suốt nhiều năm sau đó, doanh nghiệp lại rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ và đối diện với nguy cơ phá sản.
Cụ thể, từ năm 2011, SHG đã bảo lãnh cho công ty con là CTCP thép Sông Hồng vay vốn tại Ngân hàng SHB. Vụ việc này sau đó vướng kiện tụng, TAND TP Hà Nội đã tuyên buộc SHG phải trả SHB số tiền 239 tỷ đồng và khoản lãi tiếp theo cho đến khi trả xong nợ gốc. Công ty Triều Châu là đơn vị đã mua khoản nợ nà từ SHB.
Tính đến cuối 2023, Chi cục Thi hành án dân sự quận Tây Hồ đã thu hồi của SHG gần 21 tỷ đồng và đang phong tỏa toàn bộ các tài khoản tại Ngân hàng, cưỡng chế thu hồi tiền từ các chủ đầu tư và kê biên các tài sản trên đất tại trụ sở Tổng công ty để đấu giá thi hành án.
Ngoài ra, SHG còn khoản nợ vay Ngân hàng OceanBank để thi công công trình Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng I giai đoạn 2009 - 2014. Khoản nợ này đã mất hoàn toàn khả năng thanh toán gốc và lãi. Lũy kế đến 30/6/2023, SHG phải trả Ngân hàng Oceanbank số tiền 689 tỷ đồng.
Từ năm 2017, Oceanbank đã khởi kiện SHG tại TAND quận Tây Hồ, khiến SHG bị phân loại nợ xấu nhóm 5 nên không thể vay vốn, bảo lãnh ngân hàng.
Về phía công ty mẹ đã lỗ lũy kế khoảng 1.335 tỷ đồng, do phần lớn các đơn vị thành viên thua lỗ, mất khả năng thanh toán, dừng hoạt động nhiều năm.
Thượng tầng của SHG cũng có sự biến động khi cuối tháng 12/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành bắt ông Lã Tuấn Hưng, Tổng Giám đốc SHG do vi phạm quy định về đấu thầu liên quan đến Công ty AIC và Ban Quản lý dự án Công trình xây dựng Y tế thuộc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh.
Nói về kế hoạch 1 - 2 năm tới, tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, ban lãnh đạo SHG cho biết, doanh nghiệp sẽ thương thảo với các ngân hàng để giải chấp máy móc thiết bị đang cầm cố về cho thuê, đồng thời khai thác hiệu quả mặt bằng tại khu đất 70 An Dương để lấy nguồn thu duy trì hoạt động.
Phương án tái cấu trúc, thoái vốn sẽ bắt buộc phải thực hiện để xóa bỏ nợ xấu. Việc thu tiền sau khi thoái vốn khỏi các công ty con/công ty liên kết là rất khó, nên mục đích Tổng công ty thoái vốn chỉ nhằm xóa nợ trên báo cáo tài chính.
Giai đoạn 2024 - 2025, SHG dự kiến tăng vốn điều lệ từ 270 tỷ lên thành 770 - 820 tỷ đồng, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn chủ sở hữu (hiện đang âm) để thực hiện dự án Tổ hợp Đa chức năng Sông Hồng Tower, đồng thời bố trí 300 - 350 tỷ đồng để trả nợ.
Chủ đầu tư 10:18 | 25/12/2024
Chủ đầu tư 18:58 | 17/12/2024
Chủ đầu tư 10:23 | 14/11/2024
Chủ đầu tư 07:01 | 12/11/2024
Dự án 11:54 | 11/11/2024
Chủ đầu tư 11:10 | 06/11/2024
Chủ đầu tư 18:08 | 05/11/2024
Chủ đầu tư 17:17 | 05/11/2024