TP HCM: Kích hoạt toàn bộ hệ thống khám chữa bệnh, sẵn sàng ứng phó với diễn biến mới của Covid-19

Trước tình hình phức tạp mới của dịch Covid-19, Sở Y tế TP HCM đã yêu cầu toàn bộ hệ thống khám chữa bệnh siết chặt hoạt động phòng chống dịch, đồng thời tăng cường sàng lọc, xét nghiệm các trường hợp có dấu hiệu dịch tễ.

Theo thông tin từ UBND TP HCM, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tại Đà Nẵng, Sở Y tế TP HCM đã phát hành văn bản yêu cầu tất cả các bệnh viện và các cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường các biện pháp kiểm soát lây nhiễm, tăng cường tầm soát và chỉ định xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với đối với người bệnh và nhân viên y tế có biểu hiện nghi ngờ, kể cả trường hợp có tiền sử dịch tễ chưa rõ ràng để phát hiện sớm ca bệnh, cách li kịp thời.

Theo đó, đối với tất cả cơ sở khám, chữa bệnh, tăng cường các biện pháp kiểm soát đối với tất cả người đến cơ sở khám chữa bệnh như: vệ sinh tay, mang khẩu trang, kiểm tra thân nhiệt, thực hiện tờ khai y tế. Cập nhật nội dung khai báo người từ vùng dịch trở về cụ thể là Đà Nẵng tính từ ngày 1/7/2020. 

Người bệnh có triệu chứng liên quan đến Covid-19 và từng đến Đà Nẵng từ ngày 1/7/2020 phải được cách li tại bệnh viện và xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 và điều trị kịp thời.

Tại các bệnh viện, cần củng cố, khôi phục các yêu cầu về phòng khám sàng lọc và khu cách li theo quy định, bao gồm: phòng khám sàng lọc tách rời hẳn khối nhà của khoa khám bệnh, khu cách li riêng biệt đảm bảo sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân thuộc nhóm nghi ngờ, xác định mắc bệnh SARS-CoV-2. 

Trường hợp bệnh viện chưa có khu cách li, cần bố trí phòng cách li tạm tại khoa khám bệnh nhằm hạn chế tiếp xúc với người bệnh khác trong khi chờ chuyển viện. Tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại tất cả cơ sở khám chữa bệnh, lưu ý đảm bảo tuân thủ đúng quy định về mang khẩu trang, rửa tay và sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân.

Đối với trạm y tế và các phòng khám tư nhân, tăng cường sàng lọc người bệnh có dấu hiệu cảm cúm, triệu chứng ho, sốt bố trí khám ở khu vực riêng, phân luồng riêng và có sổ theo dõi họ tên, địa chỉ, số điện thoại của người bệnh để theo dõi, quản lí ca bệnh. 

Khi phát hiện người bệnh có triệu chứng liên quan đến Covid-19, liên hệ Trung tâm Cấp cứu 115 để được hỗ trợ vận chuyển người bệnh đến bệnh viện quận, huyện hoặc bệnh viện gần nhất có khu cách li để chẩn đoán và điều trị.

Đối với các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn: khi tư vấn bán thuốc cho những người có dấu hiệu cảm cúm, triệu chứng ho, sốt phải ghi lại họ tên, địa chỉ, số điện thoại của người bệnh, khuyến cáo cài đặt ứng dụng các ứng dụng khai báo y tế và thông báo cho Trung tâm Y tế quận huyện để theo dõi, quản lí ca bệnh.

Tăng cường sàng lọc và chỉ định xét nghiệm Covid-19

Bên cạnh đó, toàn bộ hệ thống khám chữa bệnh cần tăng cường các biện pháp sàng lọc và chỉ định xét nghiệm sớm SARS-CoV-2 đối với người bệnh và nhân viên y tế có biểu hiện nghi ngờ, kể cả trường hợp có tiền sử dịch tễ chưa rõ ràng để phát hiện sớm ca bệnh, cách li kịp thời. Tuyệt đối không để tình trạng phát hiện muộn ca bệnh.

Đối với các trường hợp có tiếp xúc với người bệnh 416, 418, 419, 420 hoặc người bệnh dương tính khác (theo công bố của Bộ Y tế), hoặc người trở về từ Đà Nẵng từ ngày 1/7/2020 xuất hiện các triệu chứng hô hấp, phải được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 và cách ly tại các bệnh viện có khu cách li.

Chủ động tìm tác nhân SARS-CoV-2 từ những chùm ca bệnh (những bệnh nhân có cùng các triệu chứng cảm cúm, ho, sốt và có liên quan nhau về yếu tố dịch tễ) tại các phòng khám, hoặc từ những trường hợp viêm phổi nặng không lí giải được nguyên nhân tại các khoa điều trị nội trú của bệnh viện, cần tổ chức hội chẩn để xem xét chỉ định xét nghiệm tìm vi rút SARS-CoV-2. 

Các bệnh viện chủ động liên hệ với HCDC hoặc các đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Nhi Đồng 2, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố để được tư vấn và hỗ trợ về chuyên môn khi cần thiết.

Đối với các trường hợp đang nằm điều trị tại bệnh viện vì các bệnh lí khác: tổ chức rà soát bổ sung bệnh sử các trường hợp đã từng đến Đà Nẵng từ ngày 1/7/2020, nếu có thì lấy mẫu xét nghiệm tìm SARS-CoV-2, trong khi chờ kết quả xét nghiệm chẩn đoán: bố trí bệnh nhân nằm tại khu cách ly của bệnh viện.

Đối với nhân viên y tế đã từng đến thành phố Đà Nẵng từ ngày 1/7/2020 (nếu có): hướng dẫn tự cách li tại nhà đủ 14 ngày kể từ ngày rời khỏi Đà Nẵng, bệnh viện lập danh sách tất cả các nhân viên y tế trên gửi về Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố để theo dõi, quản lí sức khỏe.

Đối với người bệnh đã từng đến Đà Nẵng từ ngày 1/7/2020 nhưng không có triệu chứng liên quan đến Covid-19, đến các cơ sở khám chữa bệnh vì các lí do khác (như khám thai, khám sức khoẻ,…) cần được chuyển đến phòng khám sàng lọc để thực hiện thăm khám, hạn chế người bệnh vào khuôn viên bệnh viện. 

Sau đó, cơ sở khám, chữa bệnh chịu trách nhiệm: hướng dẫn người bệnh tự cách li tại nhà và báo cáo trường hợp đến HCDC để điều phối các Trung tâm y tế lấy mẫu xét nghiệm và theo dõi.

Vào sáng nay (29/7), Bệnh viện Quốc tế City (quận Bình Tân, TP HCM) cho biết đã nhận được yêu cầu của Sở Y tế TP HCM đề nghị bệnh viện này tạm ngưng nhận bệnh nhân để kiểm tra tình hình trong ba ngày tới (29/7 - 31/7). 

Thời gian tiếp nhận bệnh nhân trở lại sẽ được bệnh viện thông báo sau. Trong thời gian tạm dừng, bệnh viện cũng không cho phép đón khách đến thăm bệnh nhân.

Theo Zing News, tối 28/7, Bệnh viện Quốc tế City đã bắt đầu phong tỏa các cửa, hạn chế khách ra vào. 

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.