TP HCM ưu tiên đầu tư các dự án đường sắt và BRT

Trong giai đoạn 2021 - 2030, TP HCM đặt mục tiêu phát triển 211 km đường sắt và BRT; trong đó, giai đoạn trước mắt sẽ phát triển khoảng 66 km đường sắt và triển khai dự án phát triển giao thông xanh TP HCM (BRT).
TP HCM ưu tiên đầu tư các dự án đường sắt và BRT - Ảnh 1.

TP HCM ưu tiên đầu tư các dự án đường sắt và BRT. (Ảnh minh họa: Hạ Vũ).

Theo kế hoạch phát triển các dự án đường sắt và BRT của UBND TP HCM, giai đoạn 2021 - 2025, Thành phố ưu tiên các tuyến metro đang triển khai và chuẩn bị đầu tư dự án mới. 

Cụ thể, thành phố sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) dài 19,7 km; triển khai xây dựng tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) dài 11,32 km.

Các tuyến dự án khác dự kiến cũng sẽ triển khai trong giai đoạn này là tuyến metro số 5 – giai đoạn 1 (ngã tư Bảy Hiền – cầu Sài Gòn) dài 8,9 km; tuyến metro 3a – giai đoạn 1 (Bến Thành – Bến xe miền Tây) dài 9,7 km; tuyến BRT số 1 dài 23 km; tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – Cảng hàng không quốc tế Long Thành dài 11,8 km.

Dự án tuyến metro số 1 hiện đã đạt hơn 85% tổng khối lượng, dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác thương mại năm 2022. 

Trong khi đó, dự án tuyến metro số 2 đang giải phóng mặt bằng; đến nay đã có 601/603 trường hợp nhận quyết định bồi thường, tỉ lệ bàn giao mặt bằng đạt 78,61%. Dự kiến trong năm 2021, tuyến metro số 2 sẽ có đủ mặt bằng toàn dự án để triển khai thi công.

Hiện, UBND TP HCM đã giao Ban Quản lý đường sắt đô thị thành phố chủ trì, phối hợp với Công ty trách nhiệm hữu hạn Đường sắt đô thị số 1, các sở ngành, địa phương và đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết và đề xuất nguồn lực đảm bảo hoàn thành và đưa vào vận hành khai thác tuyến metro số 1 trong thời gian tới. 

Các đơn vị cũng đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến metro số 2 và chuẩn bị đầu tư cho các tuyến đường sắt đô thị khác theo đúng kế hoạch.

Để đồng bộ và phát huy hiệu quả tuyến metro số 1 và metro số 2 trong tương lai, ngay trong năm 2021, TP HCM sẽ thực hiện việc chuẩn bị đầu tư xây dựng công trình kết nối đồng bộ với 2 tuyến metro này tại khu vực nhà ga Bến Thành, với tổng mức đầu tư dự kiến 2.098 tỷ đồng. 

Cụ thể, dự án sẽ xây dựng nhà ga ngầm Bến Thành tuyến số 2 gồm 4 tầng hầm, chiều dài khoảng 207m, chiều rộng khoảng 27m và một số công trình trên mặt đất.

Cùng với đó, dự án cũng xây dựng các công trình kết nối với bãi đậu xe ngầm tại khu vực đường Hàm Nghi, trung tâm thương mại ngầm khu vực Bến Thành; cải tạo cảnh quan kiến trúc phía trên mặt đất khu vực Bến Thành, công viên 23/9 thuộc phạm vi dự án đồng bộ quy hoạch cảnh quan kiến trúc khu vực này.

Đối với dự án phát triển giao thông xanh TP HCM (BRT), theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM, dự kiến trong quý IV/2021, dự án sẽ khởi công một số gói thầu. 

Hiện, dự án đã hoàn tất thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư và gia hạn Hiệp định vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) cho dự án đến ngày 31/12/2023.

Dự án BRT có tổng mức đầu tư 121,257 triệu USD vốn vay IDA (Hiệp hội Phát triển quốc tế) của WB và gần 423 tỷ đồng vốn đối ứng.

Trước đó, cuối tháng 11/2020, UBND TP HCM đã phê duyệt điều chỉnh Dự án đầu tư phát triển giao thông xanh TP HCM; trong đó, thời gian thực hiện dự án được điều chỉnh đến năm 2023.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.