Bị dọa tẩy chay nếu tiếp tục làm giám khảo, Trác Thúy Miêu đáp trả | |
Trác Thúy Miêu sẽ kể lại cả cuộc đời Khánh Thi trên sân khấu |
Thật đáng sợ khi nghĩ rằng giám khảo phải có chuyên môn âm nhạc
- Vừa qua, việc chị "chê" ca sĩ Ngọc Ánh Idol trong chương trình Người hát tình ca đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí có khán giả đòi "tẩy chay" nếu chị tiếp tục làm giám khảo. Chị tiếp thu những luồng dư luận đến với mình như thế nào?
- MC Trác Thúy Miêu: Tôi chưa xem qua bất cứ bình luận nào để có cơ sở tiếp thu. Tuy nhiên, mỗi người đều có quyền cảm thụ âm nhạc. Sự phản ứng của công luận, tôi cho đó là vì chúng ta chưa chấp nhận một khái niệm rất cơ bản, đó là quyền được cảm thụ và đánh giá một tác phẩm theo quan điểm riêng của mình. Và tôi cũng không bỏ qua một suy nghĩ rằng đây là một show truyền hình.
Chúng ta gọi đây là gameshow chứ không phải là một cuộc thi giọng hát hay. Trong một gameshow, ngoài yếu tố âm nhạc còn có yếu tố về truyền thông, về hiện tượng xã hội và không ít các nhà sản xuất tại Việt Nam đã dùng những cách thức - tôi không biết có chính thống hay không nhưng tôi nghĩ họ làm được nghĩa là họ được phép làm - và một trong những cách đó là việc chọn ra một “biến cố” để tạo hiệu ứng truyền thông.
Ở đây có thể nhìn nhận, nhà sản xuất đã khá thành công với "lá bài" này mặc dù cá nhân tôi không ủng hộ lắm. Nếu quý vị đã xem qua tập thi đó thì Ngọc Ánh không phải là thí sinh duy nhất mà tôi phê bình hát thiếu cái tình, thiếu cái thấu cảm đối với tác giả và tác phẩm bởi dòng nhạc trữ tình vốn dễ hát nhưng khó thể hiện.
Tuy nhiên, từ việc này, tôi sẽ tìm cách diễn đạt tỉ mỉ hơn để vừa tầm hiểu biết không chỉ của thí sinh mà còn của khán giả để thông điệp của tôi được truyền đạt một cách tốt hơn. Và bất kể dư luận đồng tình hay phản đối thì điều đó cũng tạo ra một cuộc đội thoại trong xã hội. Điều mà ta đang hướng đến là sau những ồn ào không cần thiết, trật tự được thiết lập khi người ta thừa nhận không chỉ quyền sáng tạo mà còn là quyền thụ hưởng của mỗi cá nhân.
- Tuy nhiên, chị không chỉ là một khán giả thưởng thức âm nhạc một cách thuần túy mà đang là giám khảo một chương trình truyền hình, vị trí mà khán giả đòi hỏi phải có chuyên môn cao. Tự thân mình, chị nhận thấy có đủ "tiêu chuẩn" ngồi "ghế nóng" không?
Thật đáng sợ khi chúng ta nghĩ rằng giám khảo phải có chuyên môn về âm nhạc. Chúng ta vẫn thấy ông chú, ông bác không biết đá banh vẫn coi đá banh dù không hiểu nhiều về luật bóng đá nhưng họ vẫn xem rất vui vì đó là sản phẩm giải trí, phục vụ cho nhiều đối tượng khác nhau.
Bản thân tôi không phải là ông chú, bà thím ở trong hẻm lao động coi đá banh. Tôi là người có cảm thụ và có nghiên cứu về âm nhạc và cả nền văn hóa của miền nam Việt Nam vào đầu thập niên 50 cho đến đầu thập niên 70. Do đó, khi ngồi trên ghế giám khảo, tôi nhìn nhận tác phẩm và cách thể hiện tác phẩm của các thí sinh dưới góc độ các bạn làm mới tác phẩm được bao nhiêu phần trăm và các bạn trung thành được với cái bản ngã của tác giả, tác phẩm được bao nhiêu phần trăm, dựa trên cái thế cân bằng đó và dựa trên sự nhạy cảm về âm nhạc của cá nhân tôi.
Lý do thứ hai, tôi ngồi ghế giám khảo là vì tôi là người hoạt ngôn. Những người hoạt ngôn thường được chọn là người dẫn truyện, dẫn chương trình vì họ có thể bộc lộ chủ kiến của mình một cách xác đáng và cách bộc lộ của họ phải tạo được dư luận trái chiều ngay trên bàn giám khảo. Đó là điều mà mọi nhà sản xuất cần phải có.
Thứ 3, ở cương vị một người - cứ cho rằng ngoại đạo đối với nghệ thuật, không phải là một ca sĩ cũng không phải là một tác giả - nhưng tôi đại diện cho tỉ lệ phần trăm nhất định những khán giả thưởng thức âm nhạc và tôi lên tiếng cho họ. Tôi có thể không lên tiếng cho một ai đó cụ thể và điều đó không có nghĩa rằng bạn có quyền nói vị giám khảo này sai. Trong sáng tạo, trong nghệ thuật, không có sai và đúng chỉ có sản phẩm nào được nhiều người công nhận hơn.
- Với những gì chị đã nghiên cứu về âm nhạc, có vẻ chị rất tự tin trong vai trò này?
Tôi nghĩ rằng ai cũng nên tự tin về thụ cảm âm nhạc của mình. Không có thấp cao, không có sang sến và đặc biệt không có đúng và sai. Cho nên, tôi không thể nói tôi tự tin về độ thụ cảm âm nhạc của mình vì tất cả chúng ta đều rất nên tự tin về độ thụ cảm âm nhạc của riêng mình. Tôi chỉ tự tin ở một điều duy nhất đó là khả năng hoạt ngôn, nghĩa là biết cảm thụ âm nhạc và nói ra những điều mình cảm được.
Và khả năng thứ hai khiến tôi tự tin ở ghế giám khảo là tôi "cân" được luồng tư duy của các vị đồng giám khảo. Khi các giám khảo khác đều đã nói ra những mặt tốt của tiết mục đó thì tôi phải có khả năng nhìn ra mặt trái của nó để cống hiến cho chương trình những luồng tư tưởng đa dạng. Tôi hiểu được cái nhà sản xuất cần và có khả năng diễn đạt được chủ kiến của mình một cách trung thực, thẳng thắn và dĩ nhiên cũng thú vị đủ để quý vị có phản biện và báo chí đưa tin.
- Chị có nghĩ sự hoạt ngôn, thẳng thắn của mình đang trờ thành "lá bài" của nhà sản xuất để thu hút dư luận vào chương trình của họ?
Đến bây giờ, tôi chưa trao đổi với nhà sản xuất nhưng tôi có thể nhìn thấy đây là "lá bài" rất lý tưởng cho một tập quay khá yếu về các tiết mục của thí sinh. Rõ ràng những format nước ngoài không phù hợp với tính trữ tình của tân nhạc Việt Nam. Chất lãng mạn thuần túy của tân nhạc chịu ảnh hưởng từ sự hàn lâm và trữ tình của dòng nhạc tiền chiến trong đợt văn nghệ sĩ từ miền Bắc, miền Trung vào Sài Gòn kết hợp với tân nhạc miền Nam. Những bản phối mới đã không thể chuyển tải và thuyết phục được.
Tôi đã nhiều lần thử hỏi mình, liệu có nên tiếp tục cho phép nhà sản xuất sử dụng cá nhân mình như một lá bài và hi sinh mình trước "cơn mưa đá" của công luận như vậy hay không? Thực sự không có "hòn đá" nào, "đá internet" thì càng không chạm đến da thịt được nên tôi không coi đó là ảnh hưởng hay một tác hại lớn. Các nhà sản xuất thường xuyên làm việc với tôi sẽ hiểu rất rõ màu sắc cá nhân của tôi, tôn trọng nó và họ sử dụng nó một cách công chính chứ không hi sinh nghệ sĩ khách mời của mình.
Trong trường hợp cụ thể này, tôi hoàn toàn không vui lòng với cách nhà sản xuất sử dụng phát ngôn của mình. Nếu chất lượng nghệ thuật thấp dẫn đến việc hi sinh một thành viên ban giám khảo thì tôi không cho đó là "lá bài" hay của một tay chơi xuất sắc. Có lẽ nó sẽ gây những trắc trở cho việc hợp tác của chúng tôi về sau.
- Ý chị là việc khán giả tẩy chay là do nhà sản xuất tác động vào?
Tôi không quy chụp nhà sản xuất tác động vào hay không dù rằng ngày nay, việc tạo ra những bình luận giả trên mạng cũng là một "chiêu bài" khá phổ biến. Tôi vẫn cho rằng nếu đó là phản ứng của khán giả thật thì cũng bình thường thôi vì tôi đã quen với nó rồi.
Chúng ta đang lầm tưởng rất nhiều về quyền lực của công luận. Đúng là có những ngôi sao lớn từng mất hàng loạt hợp đồng quảng cáo vì lời đe dọa tẩy chay. Tuy nhiên, nếu nhìn sâu ra ở góc độ tâm lý xã hội học thì chúng ta đang oằn mình chống trả một khái niệm mà nó khó dung nạp ngay lúc này. Đó chính là khái niệm về sự tôn trọng cơ bản dành cho việc bộc lộ suy nghĩ, chủ kiến của mình. Tôi có quyền được tôn trọng, tôi có quyền được bảo vệ khi tôi nói thật.
Còn ở đây, ngay trên sân chơi giải trí, khán giả có thể vì quá yêu thương nghệ sĩ, yêu thương thí sinh nhưng lại thể hiện tình yêu bằng sự hằn học. Chúng tôi hoàn toàn là những tay chuyên nghiệp, từ các thí sinh cho đến ban giám khảo và nhà sản xuất. Chúng tôi không phải là kẻ thù ở tư cách cá nhân. Chúng ta đã dần có những nghệ sĩ chuyện nghiệp, sắp có những giám khảo chuyên nghiệp và chúng ta đang rất cần một lực lượng khán giả chuyên nghiệp, hiểu luật của cuộc chơi và tham gia cuộc chơi vào đúng vị trí của mình.
Hoài Linh có ơn rất lớn với tân nhạc
- Vậy chị có sợ bị khán giả tẩy chay không?
Tôi cũng tự hỏi mình rằng, liệu quyền lực đó có thật hay không? Thường thì nó xuất hiện khi người ta tỏa ra một năng lượng tiêu cực và người ta không thích một nghệ sĩ. Còn khi yêu thích một nghệ sĩ, thường người ta không ồn ào. Đặc biệt là với người như tôi, có lẽ là hợp hơn với các khán giả ở độ tuổi trung niên, đối tượng không lên internet nhiều, cũng không phải là những khán giả cuồng nhiệt khi thể hiện tình yêu của họ.
Đôi khi tôi cũng bị ảnh hưởng tâm lý. Tôi tự hỏi mình có nên ngậm miệng lại không, có nên uốn nắn cách nói của mình không, có nên cho tất cả thí sinh cùng một thang điểm 9,75 - tức là không tuyệt đối nhưng không quá thấp - và tôi sẽ được an toàn. Liệu đó có phải là loại gameshow truyền hình mà khán giả đang mong muốn hay không? Có phải quý vị đang đòi hỏi giám khảo như những con búp bê và nhu cầu của quý vị là những chương trình nhạt nhẽo hay không? Nhưng nếu nó cứ tiếp tục như thế này, không khéo không ai còn dám sáng tạo và sẽ không ai dám nói thật với quý vị nữa.
- Gần đây, nhạc sĩ Vinh Sử gây tranh cãi khi nói rằng "danh hài Hoài Linh biết gì về nhạc mà làm giám khảo", chị có thấy trường hợp này khá giống với mình không?
Tôi không theo dõi nên không dám nêu ra chủ kiến. Tôi cũng không nói rằng phát biểu của nhạc sĩ Vinh Sử là đúng hay sai nhưng tôi biết anh Hoài Linh là một người làm nghệ thuật và âm nhạc cũng chính là nghệ thuật. Trong các tiểu phẩm của mình, anh đã dùng hài kịch để đưa tân nhạc trở về trong tiềm thức hưởng thụ của khán giả thì đó là người có cái ơn rất lớn với nền tân nhạc.
Không chỉ các nhạc sĩ, nếu như âm nhạc là một tôn giáo thì những người có ơn nuôi dưỡng và duy trì truyền thống âm nhạc chính là những vị tông đồ. Tôi nghĩ rằng vai trò Hoài Linh đối với dòng nhạc quê hương, đối với cổ nhạc và đối với tân nhạc, bolero là rất lớn thì hà cớ gì anh lại không có quyền phán xét và góp ý.
Thứ hai, anh là một người Việt xa quê nhưng vẫn duy trì được cái chất quê của mình và mang nó ngược trở về Việt Nam. Tôi nghĩ, độ nhạy cảm của Hoài Linh phải cao hơn một khán giả bình thường rất nhiều lần. Thứ ba, nghệ sĩ Hoài Linh còn có khả năng hoạt ngôn. Nói ra được chủ kiến của mình một cách gần gũi, bình dân mà tôi đang phải học anh rất nhiều.
Lý do thứ 4 nghệ sĩ Hoài Linh xứng đáng ngồi ở bất cứ chiếc ghế nào trên thành viên ban giám khảo là vì sự thành công, tên tuổi và sự ái mộ của khán giả khắp mọi nơi dành cho Hoài Linh đủ đảm bảo tính thành công cho nhà sản xuất, đôi khi chỉ yếu tố thứ 4 cũng đủ cho một nhân vật ngồi ở "ghế nóng" rồi.
Trác Thúy Miêu cho rằng Hoài Linh có ơn rất lớn với tân nhạc |
- Trong các chương trình về bolero, nhiều khán giả bày tỏ rằng họ cảm thấy khó chịu khi chị khoe kiến thức hơi nhiều trong vai trò là MC. Chị nghĩ như thế nào về những ý kiến này?
Riêng về ý kiến này thì có phải tiếp thu chứ, vì chính tôi cũng sẽ cưỡng lại khi một ai cứ ráng nhồi nhét kiến thức vào đầu mình. Tôi đã phạm sai lầm vì quá yêu câu chuyện đằng sau những tác phẩm hoặc quá khao khát được chỉ rõ đâu là trữ tình, đâu là bolero, đâu là dòng quê hương...
Trong những mùa giải đầu tiên của Solo cùng bolero, tôi cố gắng nhồi nhét những điều đó vào khán giả và đương nhiên nhận lại rất nhiều ''đất đá''. Tôi thì không tiếp thu đất đá mà trong đó, tôi thấy được điều mà mình phải thay đổi. Tôi đã tự trách mình tại sao diễn đạt cảm xúc bằng ngôn ngữ của kiến thức. Khi người ta yêu thì nghiễm nhiên người ta sẽ tự tìm hiểu và nghiên cứu chứ không cần một cô MC cố nhồi nhét vào đầu họ.
Đến Tình bolero phiên bản nghệ sĩ, tôi bắt đầu làm những hoạt cảnh nho nhỏ về đời sống của bà con lao động, của mấy bác tài taxi, mấy chị bán hàng rong. Khi dùng những hình ảnh gần gũi của đường phố Sài Gòn, của lối sống dân dã nhưng hào sảng đó thì cái tình và cái đời được truyền tải đến khán giả tốt hơn là nhồi nhét kiến thức cho họ.
Cũng chính vì lý do đó mà khi ngồi ở ghế giám khảo tôi sẽ nhận xét về cái tình và cách thể hiện của thí sinh hơn là các yếu tố học thuật vì chỉ cần 1 hoặc 2 giám khảo chuyên môn là đủ. Đích đến cuối cùng của âm nhạc vẫn là cảm xúc.
- Vậy theo chị, yếu tố về tên tuổi và độ nổi tiếng đóng vai trò quyết định trong việc chọn giám khảo?
Ai là người nuôi sống chúng ta? Chính là nhà tài trợ. Họ là nguồn "suối mát" cho các kênh truyền hình mà mỗi tối, chúng ta không cần ra ngoài vẫn có những món ăn ngon, phục vụ cho đời sống tinh thần của biết bao người dân Việt Nam. Đây là đời sống cộng sinh cho tất cả, từ thương mại, quảng cáo đến truyền thông và nghệ sĩ. Chúng ta không thể lừa dối nhau rằng các chương trình, các kênh truyền hình chỉ có một tôn chỉ duy nhất là phục vụ cho nghệ thuật. Nghệ thuật thì có nhà hát, còn ở đây là sản phẩm giải trí, càng chiều lòng được nhiều người càng tốt.
Những tác phẩm nghệ thuật mang tính hàn lâm cao, phù hợp số ít khán giả thì công chiếu ở rạp còn đã lên truyền hình rồi thì phải đảm bảo yếu tố rộng khắp, bình dân, gần gũi. Cho nên, chúng ta không chỉ cân nhắc đến cái lợi của nghệ thuật mà còn cân nhắc đến cái lợi của những người đang nuôi nghệ thuật.
- Là một người yêu mến và có nghiên cứu về bolero, như chị đã chia sẻ, chị nhận thấy lợi và hại như thế nào khi bolero lên truyền hình bởi không ít người yêu bolero họ không chấp nhận việc bolero bị làm khác đi?
Mỗi khi đọc thư của khán thính giả, tôi biết rằng vẫn còn có những người thực sự ái mộ và hiểu dòng nhạc này. Ngay cả bản thân tôi, tôi chỉ nghe những bản phối được thu âm vào những năm 60 hoặc cuối năm 50. Đó mới thực sự là thứ âm nhạc mà tôi yêu.
Đương nhiên, mình không thể áp đặt điều mình thích vào người khác. Tuy nhiên, mỗi khi viết thư hồi đáp hoặc khi có dịp phát biểu trên truyền thông như thế này, tôi vẫn luôn muốn trấn an những người thực sự yêu bolero rằng để đưa một dòng nhạc đang âm ỉ tồn tại trở lại lên sân khấu chính và phổ biến rộng khắp cho tất cả mọi người thì bản thân bolero cũng phải vận động.
Có những thứ làm mới chỉ nổi lên rồi mất đi vĩnh viễn, có những thứ làm mới khiến cho bolero trường tồn. Ngày xưa danh ca Tuấn Vũ từng hát hàng loạt ca khúc bolero theo cách riêng của mình khiến những người nghe bolero xưa phải kêu trời nhưng cuối cùng anh ấy đã thành công khi tạo ra một trường phái xử lý rất riêng. Khi chúng ta reo mừng sự trở lại chính thức của bolero cũng là lúc chúng ta phải kiên nhẫn chọn lựa những sản phẩm phù hợp.
Tôi tin là sau cơn hỗn loạn ban đầu, trật tự sẽ dần được tái thiết và sẽ có sự phân hóa. Những dòng nhạc được làm mới có lẽ không hợp tai với người nghe nhạc theo kiểu xưa nhưng lại khiến cho dòng nhạc đó tiếp tục tồn tại trong công chúng. Ngày nay trong những cuộc thi, tôi biết có rất nhiều, chiếm đến 60-70% thí sinh dự thi không hoàn toàn yêu bolero nhưng vẫn chọn bolero vì hiện nay chữ "bolero" rất dễ bán vé.
Chúng ta không thể đòi hỏi mọi thứ hoàn hảo ngay lập tức và để bolero tồn tại một cách khỏe khoắn thì nó không thể làm "bá chủ" thị trường giải trí mà nên có một cái vị trí bất biến nhưng chỉ là một góc thôi vì còn nhiều dòng nhạc khác nữa. Tôi tin khi trào lưu về bolero trên truyền hình thoái trào đó là lúc bolero thật sự tồn tại trên sân khấu, trên thị trường giải trí còn bây giờ nó chỉ đang là "hiện tượng truyền hình", chưa thực sự nuôi sống phần lớn nghệ sĩ đâu.
* Xin cảm ơn chị!
Bị dọa tẩy chay nếu tiếp tục làm giám khảo, Trác Thúy Miêu đáp trả
Trách Thúy Miêu đã chính thức lên tiếng khi nhận về những ý kiến gay gắt từ khán giả khi chê Ngọc Ánh Idol. |