Tranh cãi vụ xe cứu hỏa đi ngược chiều cao tốc

Vụ tai nạn giao thông khiến một cảnh sát PCCC tử vong tại Hà Nội đang gây tranh cãi về việc lỗi của ai.

Như chúng tôi đã thông tin, chiều 18-3, một vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng đã xảy ra tại cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ khiến một cảnh sát PCCC tử vong và nhiều người bị thương. Nguyên nhân ban đầu được xác định do xe cứu hỏa chạy ngược chiều trên cao tốc, xe khách không làm chủ được tốc độ nên đã tông thẳng.

Đáng chú ý, mạng xã hội sau đó đăng tải một đoạn clip ghi lại hình ảnh thời điểm xảy ra vụ tai nạn. Lúc này trời mưa, thời tiết xấu. Chiếc xe cứu hỏa đang ôm cua để chạy ngược chiều trên cao tốc thì bị xe khách đang chạy tốc độ cao lao trúng.

Tuy nhiên, thay vì điều khiển xe chạy vào làn trong cùng bên tay phải (làn khẩn cấp), xe cứu hỏa lại vòng sang làn xe ngoài cùng phía tay trái. Xem hình ảnh này, nhiều ý kiến cho rằng lẽ ra tài xế xe cứu hỏa phải điều khiển xe vào làn khẩn cấp, chứ quay xe ra làn ngoài cùng thì xe khách không thể xử lý kịp do chạy tốc độ cao cộng với trời mưa.

Vụ TNGT này đã gây tranh cãi về việc xe cứu hỏa có được đi ngược chiều trên cao tốc, nếu được thì đi vào làn nào, lỗi thuộc về ai…

tranh cai vu xe cuu hoa di nguoc chieu cao toc
Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: T.PHAN

Trả lời vấn đề này, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội, khẳng định việc xe cứu hỏa chạy ngược chiều trên cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ là hoàn toàn đúng thẩm quyền, thuộc một trong các trường hợp được quyền ưu tiên (Điều 22 Luật Giao thông đường bộ 2008 - PV).

Theo đó, khi nhận được tin báo về vụ tai nạn, cảnh sát PCCC nhận thấy chạy ngược chiều hướng Hà Nội-Cầu Giẽ là lối gần nhất để tiếp cận hiện trường và triển khai lực lượng cứu hộ. Quá trình tới hiện trường, cảnh sát đã thực hiện các hình thức thông báo bằng các phương tiện trang bị trên xe như còi hụ, phát loa, đèn tín hiệu...

“Điều đáng tiếc là đã xảy ra TNGT và để kết luận lỗi thuộc về ai thì phải chờ cơ quan điều tra xem xét, đánh giá các vấn đề liên quan. Hiện chưa phát hiện vấn đề gì không đúng hoặc sai phạm” - Thiếu tướng Hoàng Quốc Định nói.

Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 12, người trực tiếp có mặt tại hiện trường cho biết việc xe cứu hỏa rẽ ra làn ngoài thay vì làn khẩn cấp là có lý do. Lẽ ra xe cứu hỏa đã đi vào làn khẩn cấp nhưng do góc trái đoạn cua đang sửa nên phải tránh. Đúng lúc này xe khách lao tới và xảy ra tai nạn.

“Chúng tôi làm theo mệnh lệnh trái tim, chỉ một tích tắc đến sớm hiện trường thì sẽ cứu được rất nhiều người. Trong vụ này, nếu tín hiệu giao thông của chúng tôi được tuân thủ đầy đủ thì đã không xảy ra TNGT, hai nạn nhân của vụ tai nạn trước đó cũng có thể đã được cứu” - vị trưởng phòng nói.

Sáu cảnh sát và năm hành khách thương vong

Theo báo cáo của Cảnh sát PCCC Hà Nội, vụ tai nạn khiến năm hành khách và sáu cảnh sát bị thương vong. Người nặng nhất là Trung sĩ Chử Văn Khánh, do vết thương quá nặng nên đã hy sinh vào sáng 19-3.

Hiện Cảnh sát PCCC Hà Nội đã có quyết định thăng cấp bậc hàm từ trung sĩ lên thượng sĩ đối với anh Khánh, đồng thời báo cáo Bộ Công an để làm thủ tục chính sách khác theo quy định.

Phó thủ tướng yêu cầu điều tra

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, đã gửi lời chia buồn tới gia đình nạn nhân tử vong, động viên, thăm hỏi các nạn nhân bị thương.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương khẩn trương điều tra, xác minh nguyên nhân, trách nhiệm của các bên liên quan trong vụ TNGT nêu trên.

tranh cai vu xe cuu hoa di nguoc chieu cao toc Ủy ban ATGT Quốc gia yêu cầu điều tra vụ xe cứu hỏa va chạm xe khách trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia vừa có công điện yêu cầu khẩn trương ...

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.