![]() |
Thách thức an ninh không tưởng tại tháp Trump |
![]() |
Bên trong tòa tháp xa hoa của Donald Trump |
![]() |
Người dân hào hứng chụp ảnh trước tháp Trump, thậm chí chụp cùng nhân viên an ninh. Ảnh: AP |
Tháp Trump vốn là một địa điểm nổi tiếng đối với khách du lịch. Từ khi Donald Trump đắc cử tổng thống, tòa tháp mang tên ông ở khu vực sầm uất nhất New York ngày càng thu hút người dân Mỹ. Trong dòng người chậm chậm bước qua nơi ở và làm việc của vị tỷ phú bất động sản, hình ảnh người dân dừng lại giơ điện thoại hay gậy tự sướng để chụp ảnh không còn xa lạ những ngày gần đây.
"Được rồi. Những ai đã chụp ảnh xong xin mời di chuyển", một sĩ quan an ninh nói với nhóm người đang đứng trên Đại lộ 5, trước "pháo đài Trump".
Từ khi tổng thống Mỹ đắc cử tổ chức các cuộc họp để lựa chọn thành viên nội các và xây dựng chính quyền mới, hàng rào chắn bằng bê tông và kim loại, nhân viên an ninh và trạm kiểm soát người đi bộ đã được thiết lập ở khu vực này để ngăn chặn đám đông tụ tập ở tháp Trump.
"Đúng là dấu mốc lịch sử. Ông ấy từng nói rằng nếu ông ấy trở thành tổng thống, chúng tôi có thể đến và ghi lại dấu ấn", New York Post dẫn lời Steve O’Neill, một trung úy cảnh sát 54 tuổi từ Tyngsborough, Massachusetts, nói.
Trong khi đó Connie Hunt, đại lý bất động sản từ Kentucky, cho biết bà đến New York để xem đội bóng rổ yêu thích thi đấu, song vẫn dành thời gian ghé qua ngôi nhà nổi tiếng của người bà đã bỏ phiếu ủng hộ.
"Tôi rất yêu thích chương trình The Apprentice. Trump nổi tiếng hơn cả chính trị gia. Ông ấy thành công trên mọi lĩnh vực và tôi chỉ muốn xem công trình ông ấy đã xây dựng, thay vì nhìn qua màn hình tivi", bà hào hứng chia sẻ.
Leigh Stolarz rất bất bình trước chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử. Cô nói không thể chấp nhận một người xúc phạm phụ nữ và người nhập cư lại có thể trở thành tổng thống.
Tuy nhiên, cô gái 20 tuổi đến từ Florida vẫn quyết định ghé qua tòa tháp, một phần để xem mọi người phản ứng ra sao. Cũng như cô, hàng nghìn bức ảnh tự sướng chụp trước tháp Trump được đăng trên Facebook, Twitter đều có thể hiện thái độ chán ghét, giận dữ hay thậm chí giơ ngón tay thối.
"Đây dường như là một bước thụt lùi khi chúng ta đã thực hiện được nhiều bước đi tiến bộ. Tôi cảm thấy ông ấy không thể đại diện cho đất nước của chúng ta", cô nói.
![]() |
Nhiều người dân không ngần ngại dừng lại để chụp ảnh selfie trước tòa nhà cao chọc trời của tổng thống Mỹ đắc cử. Ảnh: Brigitte Stelzer |
Nhiều người phản đối Trump cũng tìm thấy sự đồng cảm ở Paul Rossen, người đã đứng bên ngoài tháp Trump 5 giờ/ngày, 5 ngày/tuần trong suốt 6 tháng qua để bán huy hiệu phản đối Trump.
"Các cuộc biểu tình giống như một liệu pháp tâm lý vậy. Đó là một cách nhẹ nhàng để biểu đạt cho câu 'Tôi không phục', dù chúng tôi không có sự lựa chọn", anh nói.
Ngoài cư dân bản địa, nhiều du khách nước ngoài cũng dừng lại ở tháp Trump vì tò mò liệu tổng thống mới của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến đất nước của họ như thế nào. Trên con đường cách tháp Trump không xa, doanh nhân Dorotea Bustamante đến từ Mexico nhớ đến tuyên bố xây tường dọc biên giới gây tranh cãi của ông Trump.
"Ông ấy không thể coi tất cả chúng tội là tội phạm, vì chúng tôi không phải vậy. Ông ấy phải đánh giá mỗi người từ hành động của họ", cô nói. Tuy nhiên, cô vẫn hy vọng rằng một tổng thống Trump sẽ khác với một ứng viên của đảng Cộng hòa.
Trước làn sóng biểu tình phản đổi kết quả cuộc bầu cử đang lan rộng khắp nước Mỹ, an ninh được siết chặt quanh các toà nhà thuộc sở hữu của Donald Trump, trong đó có tháp Trump. Thậm chí, nơi này còn được thiết lập vùng cấm bay đến ngày nhậm chức 20/1/2017.