Trẻ lớp 1 chật vật học Tiếng Việt theo chương trình công nghệ

Chương trình Tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục (CGD) được áp dụng từ năm 2014 đến nay nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ phía phụ huynh bởi có không ít từ trong sách giáo khoa khiến cả người lớn phải... lúng túng.

“Bạt ngàn man dã” là gì mẹ?

Một phụ huynh đã phải nhờ đến các thầy cô đang dạy tiểu học giải thích giúp ý nghĩa của từ “bạt ngàn man dã” được in trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 theo chương trình mới. Theo phụ huynh này, con gái chị học đến vần at có câu “bạt ngàn man dã”, bé hỏi mẹ nghĩa là gì mà mẹ cũng không hiểu để giải thích, phải nhờ các thầy cô tiểu học giải thích hộ.

Phụ huynh này cũng cho biết: “Trong sách không chỉ câu đó khó hiểu mà còn rất nhiều từ, câu khó hiểu như “tâng hẩng, trăm thứ bà giằn, ghe ngo...”.

tre lop 1 chat vat hoc tieng viet theo chuong trinh cong nghe
Sách giáo khoa theo chương trình công nghệ có từ "bạt ngàn man dã" khiến không ít phụ huynh lúng túng.

Chị M. Anh, mẹ học sinh lớp 1 lại chia sẻ về trường hợp khác từ con chị: “Trong sách có từ “cái yếm”, khi con hỏi thì giải thích được cho con là yếm buộc ở cổ em bé để tránh thức ăn, nước dãi rơi vãi ra áo. Thế nhưng bên cạnh “cái yếm” lại là từ “yếm dãi”, con hỏi là gì thì mẹ đành giải thích lại”.

Cô T. Nga, giáo viên tiểu học hiện đang phụ trách dạy lớp 1 cho biết: “Theo chương trình mới, học sinh lớp 1 học tiếng, âm, vần, đọc câu ứng dụng. Các bài vần chỉ yêu cầu các con nắm được vần, các câu ứng dụng là chân không về nghĩa, không bắt buộc các con phải hiểu và cũng không bắt buộc giáo viên phải giải thích nghĩa. Có giáo viên giải thích câu ứng dụng bằng miệng hoặc tranh ảnh, đôi khi cũng có giáo viên không giải nghĩa từ mà chỉ chú trọng dạy các em viết chữ, đọc và viết các từ, các tiếng thôi!”.

Cũng theo cô, khi bé học đến vần “at” sẽ có câu có vần “at” ứng dụng cho bé đọc, bé không bắt buộc hiểu nghĩa. “Với học sinh lớp 1, đọc chứ chưa cần quan trọng hiểu”, cách giải thích của cô Nga cũng theo đúng tinh thần chương trình Tiếng Việt lớp 1 CGD.

Tuy vậy, nhiều phụ huynh không đồng tình với việc con chỉ cần đọc mà không cần hiểu nghĩa của từ. Theo phần đông phụ huynh, học sinh tiểu học chưa bắt buộc hiểu nghĩa của từ nhưng khi đọc, không ít bé vẫn thắc mắc và đòi được giải thích rõ. Câu trả lời không thỏa đáng sẽ khiến trẻ có nhận thức sai về từ.

Giáo viên có người giải thích, có người không và phụ huynh không phải ai cũng đủ khả năng giải thích cho con hiểu bởi “Có nhiều từ địa phương khó hiểu, tôi còn không hiểu thì sao giải thích cho con. Vì sao sách giáo khoa không chọn câu dễ hiểu, dễ nhớ hơn cho các cháu?” – một phụ huynh chia sẻ.

Lớp 1 chỉ cần đọc, không cần hiểu?

tre lop 1 chat vat hoc tieng viet theo chuong trinh cong nghe
Học sinh lớp 1 phải chật vật với nhiều câu, từ khó hiểu khi học Tiếng Việt.

Sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 theo chương trình công nghệ của GS. Hồ Ngọc Đại do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành vào năm 2014 đã từng gặp phản ứng từ dư luận khi mới áp dụng trong năm học đầu tiên. Nhiều phụ huynh bức xúc vì nội dung khó hiểu, nhiều từ địa phương,...

Tác giả cuốn sách khi nhận nhiều phản hồi không tốt về cuốn sách cũng khẳng định sách của ông không có sơ xuất ở bất cứ chỗ nào, tất cả đều có ý đồ, thậm chí ở từng dấu phẩy. Theo tác giả này, cuốn sách dạy cho trẻ con biết cuộc sống hàng ngày, dạy cho trẻ những niềm vui bình thường, có thể có những từ trẻ con không hiểu hết ý nhưng chúng phải đọc được hết. Điều này giúp trẻ không đọc vẹt.

Tuy nhiên, cách giải thích trên không nhận được đồng tình. Một phụ huynh bày tỏ: “Sách giáo khoa sai về tâm lý trẻ. Trẻ phải được học từ cái thân thiết gần gũi nhất với mình. Nếu nói chỉ cần đọc, không cần hiểu nghĩa, bài tập tiếng Việt của bé có phần nối ô chữ và điền vần vào chỗ trống, bé không hiểu nghĩa làm sao biết để điền. Học để biết âm, vần mà không cần hiểu nghĩa là học vẹt còn gì!”.

Phụ huynh này cũng nhận xét: “Bộ GD chắc muốn tăng cường trình độ của cả phụ huynh nên lớp 1 đã học như vậy, nếu con học lớp lớn hơn chắc phải cho con đi học thêm quá!”. Thực tế cũng cho thấy nhiều học sinh lớp 1 đã học rất vất vả. “Mới lớp 1 mà các cháu đã học khó, ngày học trên lớp, tối về cặm cụi luyện chữ. Con tôi ngoài thời gian ăn cơm, tắm rửa chỉ được chơi khoảng 1h là phải học không thì không học hết bài ở vở nhiệm vụ”, một phụ huynh chia sẻ.

Cô Nguyễn Hòa, giáo viên tiểu học cho biết: “So với sách giáo khoa theo chương trình cũ dạy đại trà thì học tiếng Việt theo chương trình công nghệ khác nhau nhiều. Cách dạy phát âm giữa hai chương trình cũng có nhiều khác biệt. Mình cũng mong sách này đừng áp dụng đại trà. Giáo viên thì giao gì dạy nấy thôi nhưng phụ huynh phản ứng quá nhiều.

Chương trình tiếng Việt theo công nghệ không phải không hay, phương pháp học tập mới giúp học sinh chủ động, sáng tạo hơn. Những từ trong sách nhiều từ là từ địa phương, ý nghĩa hàn lâm khó hiểu nên vất vả cho giáo viên khi dạy để làm sao các em hiểu. Việc giải nghĩa từ rất quan trọng”.

“Học công nghệ phần học âm và vần rất phức tạp. Học sinh buộc phải thuộc những quy tắc mà sinh viên sư phạm chúng tôi đến năm 2 Đại học mới học”, Cô Hòa cho biết thêm.

chọn
[Photostory] Dự án vừa khởi công của MIK Group ở khu tây Hà Nội
The Solar Park - giai đoạn 2 của Imperial Smart City do MIK Group làm chủ đầu tư có quy mô hơn 2 ha. Tại đây sẽ xây dựng 5 toà tháp căn hộ cao 35 tầng.