Vào tháng 12/2019, nhóm lãnh đạo đứng đầu Facebook đã tập trung tại khu nghỉ ở Kauai, Hawaii mà Mark Zuckerberg sở hữu. Họ tới đây để thảo luận về định hướng công ty sau nhiều năm hỗn loạn. Điều bất ngờ hóa ra lại nằm ở mặt nhân sự.
Trong vài tháng, hai giám đốc Facebook ra đi, trong khi một người bạn lâu năm của Zuckerberg được bổ sung vào hội đồng quản trị. Các động thái này là cái kết của chiến dịch kéo dài hai năm nhằm củng cố quyền quyết định của Mark Zuckerberg tại công ty do ông đồng sáng lập 16 năm trước.
Tuy nhiên, theo Wall Street Journal, việc thay đổi nhân sự cũng như cố gắng xây dựng hình ảnh tích cực hơn cũng không giúp thay đổi ấn tượng về Facebook, vốn rất xấu sau hàng loạt bê bối vài năm qua.
Thực ra, những thay đổi gần đây vẫn đi theo một bài đăng về mục tiêu của Facebook, được Zuckerberg đưa lên trang cá nhân năm 2017. Ông cho rằng mạng xã hội này sẽ trở thành "hạ tầng xã hội", để chống lại những dịch bệnh hoặc lo ngại toàn cầu.
Tuy nhiên, những bê bối liên tiếp từ lộ dữ liệu người dùng tới thao túng của tin giả đã khiến uy tín của Facebook xuống thấp kỉ lục.
Zuckerberg từ trước vẫn tin tưởng Giám đốc vận hành Sheryl Sandberg cùng Giám đốc sản phẩm Chris Cox, cũng là một người bạn lâu năm của ông, để quản lí các hoạt động thường ngày của mạng xã hội này.
Sau nhiều bê bối, năm 2018, CEO của Facebook quyết định trực tiếp chỉ huy để giải quyết những khủng hoảng. Ông giới thiệu một loạt sản phẩm mới để phục vụ hướng đi mới cho Facebook, nói rằng chúng đều hướng tới mục đích bảo mật.
Những thay đổi này cũng đem lại cho Mark Zuckerberg nhiều quyền kiểm soát hơn đối với WhatsApp và Instagram, hai sản phẩm được Facebook mua lại.
Không lâu sau khi Mark Zuckerberg công bố về chiến lược mới, Chris Cox, người đã gắn bó 13 năm với Facebook, quyết định từ chức vào tháng 4/2019. Sau đó, hai thành viên độc lập trong hội đồng quản trị của Facebook, là CEO Netflix Reed Hastings và nhà đầu tư Erskine Bowles, cũng rời đi.
Theo Wall Street Journal, ông Bowles đã chỉ trích Facebook sau khi rời vị trí, vì không nghe theo những đóng góp của ông về chính trị.
Vào tháng 10/2019, bà Susan Desmond-Hellmann, lãnh đạo được hội đồng quản trị bầu, đã rời khỏi Facebook sau hơn 4 năm đóng vai trò này. Bà Desmond-Hellmann cho biết bà rời vị trí vì lí do gia đình và sức khoẻ, nhưng cũng có những nguồn tin cho hay, một phần lí do là các lãnh đạo Facebook không tôn trọng ý kiến của hội đồng quản trị.
Sau cuộc họp vào tháng 12/2019, các thành viên ban quản trị Facebook đều nhìn thấy những vấn đề mà họ đang phải đối mặt. Tuy nhiên, hướng giải quyết thế nào thì họ lại chưa thống nhất.
Sau khi bị FTC đưa ra mức phạt kỉ lục, Mark Zuckerberg và nhà đầu tư Marc Andreessen luôn mâu thuẫn gay gắt trong việc chấp hành mức phạt này, theo một nhân viên làm việc tại Facebook.
Mark Zuckerberg cần thêm đồng minh trong hội đồng quản trị. Vào tháng 2, CEO Dropbox Drew Houston, bạn thân của Zuckerberg được bổ sung vào nhóm quyền lực. Trước đó 1 năm, bà Peggy Alford, lãnh đạo PayPal và từng làm việc tại quỹ từ thiện của vợ chồng Mark Zuckerberg cũng tham gia hội đồng.
Trong khi đó, những người từng mâu thuẫn với Zuckerberg tiếp tục ra đi. Vào tháng 3, Facebook thông báo ông Kenneth Chenault, từng là CEO của American Express, sẽ rời khỏi hội đồng quản trị công ty này.
Ông Chenault từng có mối quan hệ tốt với Mark Zuckerberg, được CEO Facebook coi như một ông chú, có nhiều kinh nghiệm quản lí. Tuy nhiên, sau khi gia nhập vào tháng 2/2018, ông đã dự tính lập nên một ban kiểm tra độc lập để tìm hiểu các vấn đề của Facebook mà không báo cáo cho Zuckerberg. Ý tưởng này đã không được thông qua.
Sau khi ông Chenault ra đi, ông Jeffrey D. Zients, một thành viên khác của hội đồng quản trị, thường lên tiếng về các vấn đề của Facebook, cũng rời khỏi công ty này.
Nhận định về việc một loạt thành viên cấp cao rời đi chỉ trong hơn 1 năm qua, Wall Street Journal cho rằng Mark Zuckerberg đang muốn nắm quyền quyết định với Facebook, nhưng lại đang thiếu đi những người có thể nhận ra được điểm yếu của công ty.