Gia tăng bệnh nhân mắc bệnh hô hấp điều trị tại Bệnh viện Phổi Trung ương. |
Tăng 30% số bệnh nhân nhập viện vì bệnh lý đường hô hấp
Tại Bệnh viện Phổi Trung ương, không chỉ lượt bệnh nhân đến khám mà các ca bệnh phải nhập viện điều trị cũng tăng từ 20 - 30%.
Ông Nguyễn Ngọc Thông có tiền sử bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, khi thời tiết vừa chuyển lạnh đột ngột, bệnh nhân ho nhiều tới mức khó thở, phải nhập viện điều trị kết hợp thở oxy và khí rung mới thuyên giảm.
“Trời đang nóng sang lạnh, phế quản nhạy lắm. Cơ thể tôi ngang cây dự báo thời tiết. Cách đây 10 năm tôi đã bị một đợt nằm viện. Lần này cũng nằm viện 10 ngày thở khí dung và ô-xy mới thuyên giảm”, ông Thông nói.
Bệnh nhân điều trị bệnh lý hô hấp tại Bệnh viện Phổi Trung ương. |
Cũng như ông Thông, bệnh nhân Tô Văn Hoãn vừa dứt đợt điều trị 10 ngày được ra viện thì chỉ sau khi thời tiết chuyển lạnh, ông đã lại phải nhập viện vì lên cơn ho không dứt.
Bác sĩ Vũ Văn Thành, Trưởng khoa Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, thời tiết thay đổi và môi trường những nguyên nhân chính khiến cho các bệnh lý hô hấp tăng nhanh. Khi thời tiết nóng lạnh đột ngột, cơ thể của bệnh nhân đặc biệt là người cao tuổi và người có nền bệnh sẽ không đủ sức đề kháng để kịp thích ứng với nhiệt độ, đường thở dễ bị cảm nhiễm và dẫn đến các đợt kịch phát hơn so với các mùa khác.
Mùa đông năm nay được dự báo sẽ còn nhiều đợt rét đậm, rét hại. BS Thành khuyến cáo người dân giữ ấm cho cơ thể, không tắm muộn để nhiễm lạnh, cần theo dõi dự báo thời tiết để chuẩn bị sẵn các thuốc đặc trị để phòng những cơn kịch phát có thể xa.
Cẩn thận các bệnh về tim mạch
Thời tiết chuyển lạnh, nhiều bệnh nhân mắc tim mạch phải nhập viện. Tại Bệnh viện E, tỷ lệ bệnh nhân nhập viện vì tim mạch tăng cao. Có nhiều trường hợp cao tuổi nhập viện vì nhồi máu cơ tim cấp giờ thứ 6, kèm nguy cơ phù phổi cấp.
Bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân từ tuyến dưới chuyển lên như trường hợp một bệnh nhân ở Hải Dương (98 tuổi) trong tình trạng đau tức ngực, khó thở, tím tái, mạch và huyết áp giảm, điện tim biến đổi thất thường, men tim tăng cao. Sau khi làm các xét nghiệm, các bác sĩ Bệnh viện E xác định bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim trước rộng có nguy cơ tử vong cao. Ngay lập tức, các bác sĩ đã can thiệp tái lập dòng máu chảy trong đoạn động mạch vành bị tắc, đặt stent cho bệnh nhân.
Bệnh viện Thanh Nhàn cũng vừa điều trị thành công cho một trường hợp bệnh nhân nữ (60 tuổi, ở Hà Nội), bị đột quỵ liệt 1/2 người bằng thuốc tiêu huyết khối. Theo bác sĩ Phạm Thị Trà Giang, Trưởng Khoa Cấp cứu Nội nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn, bệnh nhân trên có tiền sử bị tăng huyết áp điều trị nhiều năm và vừa bị đột quỵ liệt 1/2 người. Ngay khi nhập viện, các bác sĩ bệnh viện đã chụp CT phát hiện bệnh nhân bị tắc động mạch não giữa.Sau đó, trong vòng 30 phút, các bác sĩ đã dùng ngay thuốc tiêu huyết khối cho bệnh nhân. Nhờ điều trị kịp thời, sau khi tiêm thuốc 1 giờ bệnh nhân đã có thể nhấc được tay lên, sau 24 giờ bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn đi lại được.
Điều trị cho bệnh nhân đột quỵ tại Bệnh viện Thanh Nhàn. |
Theo thống kê của Trung tâm đột quỵ não, Bệnh viện Thanh Nhàn, trung bình số bệnh nhập viện vì đột quỵ vào mùa lạnh các năm tăng từ 15% đến 30%. Đặc biệt, khi thời tiết lạnh sâu hay rét đậm, rét hại các ca bệnh càng tăng cao bất thường. Không chỉ các ca mới, những người tiền sử bị đột quy, tai biến cũng có nguy cơ tái phát cao hơn.
ThS.BS Lý Đức Ngọc, Phó Khoa Nội tim mạch người lớn, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E cho hay, tình trạng gia tăng bệnh nhân tim mạch trong mùa lạnh là do cơ chế sinh học, dưới ảnh hưởng của thời tiết lạnh giá, mạch máu giảm tính đàn hồi, lòng mạch bị thu hẹp khiến lưu lượng máu đến não giảm 1/5 so với bình thường. Mặt khác, các mạch máu dễ co lại làm tăng huyết áp, tăng áp lực trong lòng mạch. Với người đã có biến chứng xơ vữa động mạch hay huyết khối, mạch máu dễ bị tắc, thậm chí có thể vỡ mạch máu dẫn đến xuất huyết não, đột quỵ với nguy cơ tử vong và các biến chứng vô cùng nặng nề.
“Đối với người già trong thời điểm lạnh, nhiệt độ thay đổi thất thường, lưu lượng máu qua não rất thấp, chức năng cơ thể suy yếu nên khó thích nghi với những thay đổi của thời tiết, nguy cơ bị đột quỵ nói riêng và các bệnh về tim mạch nói chung cao hơn”, BS Ngọc nói.
Bởi vậy, để phòng tránh các bệnh về tim mạch hiệu quả, bác sĩ Lý Đức Ngọc khuyến cáo, trong thời tiết chuyển mùa, lạnh đột ngột như hiện nay, người già nên đi ngủ và thức dậy đúng giờ, thường xuyên tập thể dục, uống nhiều nước vào sáng sớm, ăn đủ bữa trong ngày, bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia…
Đặc biệt, khi thấy người nhà có các biểu hiện đột quỵ như (cười méo miệng, tay chân mệt mỏi, khó cử động...) mọi người cần đưa ngay tới các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. Nếu phát hiện và tiến hành chữa trị đột quỵ sớm trong khoảng 6 giờ ngay sau khi xảy ra đột quỵ, thì sẽ tránh được nguy cơ bị tàn phế sau đột quỵ. Với bệnh nhân nhồi máu cơ tim, nếu được can thiệp từ 30 phút đến 1 giờ sẽ hồi phục sức khỏe nhanh.
XEM THÊM
Thời tiết lạnh có thể làm tăng nguy cơ đau tim
Nghiên cứu mới đây đã chỉ ra tỷ lệ bị đau tim cao hơn khi nhiệt độ không khí ở dưới mức đóng băng. Trong ... |
5 sai lầm thường gặp khi chăm sóc da vào mùa lạnh
Thời tiết lạnh, khô sẽ gây nên rất nhiều vấn đề về da như nứt nẻ, thô ráp, sần sùi… Những tình trạng này sẽ ... |
Suy tim: Người bệnh suy tim nên chú ý gì khi trời lạnh?
Trời lạnh khiến mạch máu bị thu hẹp, hạn chế lưu thông máu. Điều này khiến trái tim phải làm việc vất vả hơn, khiến ... |
Hạ thân nhiệt, bỏng lạnh, viêm phổi... là những bệnh nguy hiểm thường gặp khi trời lạnh
Hạ thân nhiệt, bỏng lạnh, viêm phổi,… là những căn bệnh thường gặp và phát triển nặng hơn mỗi khi mùa đông đến. Dưới đây ... |
Gia tăng số người bị liệt mặt, méo miệng khi trời lạnh, làm sao để phòng tránh?
Những ngày gần đây, miền Bắc liên tục chìm trong lạnh giá khiến số người bị liệt mặt, méo miệng gia tăng. Vậy cần phải ... |