Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết khắc phục tình trạng đầu cơ đất

Tổng Bí thư nhấn mạnh kiên quyết khắc phục tình trạng đầu cơ đất, sử dụng đất không đúng mục đích, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, gây khiếu kiện, bức xúc trong nhân dân.

Sau 6 ngày làm việc, Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra và bế mạc vào chiều 10/5.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Trung ương dành nhiều thời gian nghiên cứu, thảo luận, thống nhất cao ban hành nghị quyết mới về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất; tạo động lực đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Trung ương tiếp tục khẳng định, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội theo luật định, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch.

Quản lý và sử dụng đất phải bảo đảm lợi ích chung của toàn dân; nhân dân được tạo điều kiện tiếp cận, sử dụng đất công bằng, hiệu quả, bền vững. Nhà nước thống nhất quản lý đất đai theo lãnh thổ quốc gia, cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường; phân công hợp lý giữa các cơ quan quản lý Trung ương, phân cấp, phân quyền phù hợp, hiệu quả với địa phương. 

Quyền sử dụng đất là quyền sử dụng một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt, nhưng không phải là quyền sở hữu. Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được pháp luật bảo hộ. Người sử dụng đất có quyền và nghĩa vụ theo quy định pháp luật. Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được Nhà nước giao cho các tổ chức, cá nhân khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai; không đặt vấn đề điều chỉnh lại đất nông nghiệp đã giao cho hộ gia đình, cá nhân; có chính sách để đất nông nghiệp được sử dụng hiệu quả cao nhất.

Thể chế, chính sách về đất đai phải được hoàn thiện đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Kiên quyết khắc phục tình trạng đầu cơ đất, sử dụng đất không đúng mục đích, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, gây khiếu kiện, bức xúc trong nhân dân.

Đất đai phải được điều tra, đánh giá, thống kê, kiểm kê, lượng hóa, hạch toán đầy đủ trong nền kinh tế; được quy hoạch sử dụng hợp lý, với tầm nhìn dài hạn, hài hòa lợi ích giữa các thế hệ, các vùng, miền; giữa Trung ương và địa phương; giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu; bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Những bất cập, vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất do lịch sử để lại và từ yêu cầu mới đặt ra, sẽ được giải quyết.

Trung ương thống nhất cao sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2013 và các luật pháp liên quan để khắc phục hạn chế, yếu kém tồn tại lâu nay, đặc biệt liên quan đến công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, xác định giá đất; chế độ quản lý và sử dụng đất nông nghiệp; đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh, đất dành cho thờ tự, tôn giáo. 

Trung ương còn nhấn mạnh, trong quá trình tổ chức thực hiện, cần thường xuyên tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn dân để tạo sự đồng thuận, đưa chính sách, pháp luật về đất đai thực sự đi vào cuộc sống. 

Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Trung ương nhận thấy, cả nước đạt được nhiều thành tựu, nhất là cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Nông nghiệp duy trì tăng trưởng khá cao, là trụ đỡ của nền kinh tế. Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu nông sản lớn.

Nhà nước cần phải tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Phát triển hài hoà giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, miền; gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp; giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hoá theo hướng "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh".

Nông dân là chủ thể, trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, được chú trọng nâng cao trình độ, năng lực làm chủ của nông dân theo hướng phát triển toàn diện, văn minh;

Nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn được khuyến khích phát triển. Sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sẽ chuyển sang gắn với nhu cầu thị trường, nâng cao giá trị cạnh tranh.

Nông thôn được xây dựng theo hướng hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh; hạ tầng đồng bộ, kết nối với đô thị; đời sống văn hóa phong phú; môi trường xanh, sạch, đẹp.

Về phát triển kinh tế tập thể, Trung ương cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn chế, yếu kém. Đặc biệt là do nhận thức của nhiều cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, đảng viên và người dân về bản chất, vị trí, vai trò của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta chưa thật đầy đủ, thiếu thống nhất, thậm chí còn bị chi phối, ảnh hưởng bởi định kiến về mô hình hợp tác xã kiểu cũ. Việc lãnh đạo, chỉ đạo của nhiều cấp uỷ đảng và chính quyền còn hình thức, chưa thực sự quan tâm, thậm chí còn lúng túng, hoài nghi về sự thành công của kinh tế tập thể. Công tác hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết, xây dựng thể chế, chính sách còn chậm, thiếu cụ thể, hiệu quả chưa cao.

Chính sách ưu đãi, hỗ trợ kinh tế tập thể dàn trải, phân tán. Bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể chưa được kiện toàn, còn nhiều bất cập. Đánh giá về hiệu quả kinh tế tập thể còn phiến diện, thiên về mặt kinh tế, chưa chú ý đúng mức đến mặt chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường... dẫn đến hạ thấp vị trí của mô hình này trong nền kinh tế cả nước. Kinh tế tập thể, hợp tác xã phần lớn quy mô nhỏ, năng lực nội tại yếu; cán bộ chưa được đào tạo chuyên sâu; thành viên còn ỷ lại, trông chờ trợ cấp của Nhà nước.

Vì vậy, Trung ương yêu cầu đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã kiểu mới; coi đây là thành phần kinh tế quan trọng, cùng với kinh tế nhà nước là nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Kinh tế tập thể là xu thế tất yếu khách quan, dựa trên sở hữu riêng của các thành viên và sở hữu chung của tổ chức; phân phối theo giá dịch vụ, lao động, vốn góp.

Kinh tế tập thể lấy lợi ích kinh tế là chính, bao gồm cả lợi ích của thành viên, tập thể, xã hội, của Nhà nước. Thành viên kinh tế tập thể bao gồm cá nhân, pháp nhân; thành viên chính thức và thành viên liên kết, người ít vốn và nhiều vốn, cùng góp vốn, góp sức trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi, và quản lý dân chủ.

Về xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, Trung ương thống nhất coi trọng chất lượng phát triển đảng viên, chú trọng hơn nữa đến việc rèn luyện, bồi dưỡng quần chúng, đối tượng cảm tình đảng, trước khi vào Đảng phải thực sự là những quần chúng ưu tú không chỉ về năng lực công tác mà phải thực sự tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức, lối sống, có động cơ trong sáng với phương châm "quý hồ tinh bất quý hồ đa". Thường xuyên rà soát, sàng lọc, kịp thời và kiên quyết đưa những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng.

Về báo cáo kết quả kiểm điểm, tự phê bình và phê bình của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2021, Trung ương đánh giá Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt là "một tập thể đoàn kết, thống nhất, trên dưới đồng lòng, phát huy những bài học kinh nghiệm được rút ra tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng"; chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt thực hiện nghiêm túc quan điểm dân là gốc; lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt, có bước đi phù hợp; chủ động nghiên cứu, nắm bắt, dự báo đúng tình hình; kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; khai thác, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển đất nước.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã "chỉ đạo, điều hành khoa học, phối hợp nhịp nhàng, thống nhất, không có tình trạng chồng chéo hoặc trống đánh xuôi, kèn thổi ngược". Phương thức lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư có đổi mới, phân công, phân nhiệm cụ thể, rõ ràng.

Trung ương thống nhất cao chủ trương lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, coi đây là "việc cần thiết, đúng đắn, phù hợp với thực tế".

Tại Hội nghị này, Trung ương cũng đã nghe báo cáo chuyên đề về cuộc "Xung đột Nga - Ukraine: Tác động quốc tế và những vấn đề đặt ra". Hội nghị đã biểu thị sự đồng tình, đánh giá cao về những chủ trương, quyết sách kịp thời, đúng đắn, sáng suốt của Đảng và Nhà nước ta trước những diễn biến mới rất phức tạp tại Ukraine và trên thế giới; đồng thời yêu cầu phải tiếp tục theo dõi sát sao tình hình; dự báo các tình huống, khả năng có thể xẩy ra để chủ động có các phương án ứng phó kịp thời, phù hợp, có hiệu quả; giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực, theo đúng tinh thần "Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy, có trách nhiệm của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế".

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.