Từ nay đến năm 2030 sẽ xây dựng đường hầm qua sân bay Đà Nẵng

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ngày 18/3 đã quyết định 393/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo quyết định, xây dựng TP Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ.

Là một trong những trung tâm văn hoá - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của đất nước; trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế; thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên.

Đà Nẵng trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống.

Đà Nẵng đến năm 2030 sẽ xây dựng đường hầm qua sân bay Đà Nẵng - Ảnh 1.

Một góc đô thị Đà Nẵng hiện nay (Ảnh: Văn Luận).

Phấn đấu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2030 đạt 12%/năm. Dự báo dân số khoảng 2,5 triệu người, trong đó dự báo dân số chính thức (không bao gồm khách vãng lai) khoảng 1,5 triệu người. Tỉ lệ việc làm tăng thêm đạt 5-5,5%/năm, tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 70% vào năm 2030.

Về định hướng phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, di dời Ga đường sắt Đà Nẵng ra khỏi trung tâm thành phố và tuyến đường sắt mới gắn với dự án xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. 

Nâng cấp tuyến Quốc lộ 14B, tuyến đường hành lang kinh tế Đông Tây 2 (quốc lộ 14D); mở rộng quốc lộ 14G; tiếp tục đầu tư hoàn thiện đường vành đại phía Tây; tuyến đường trục I Tây Bắc; đường và cầu qua sông Cổ Cò; tuyến đường qui hoạch dọc theo tuyến đường sắt mới. 

Sớm triển khai xây dựng Cảng Liên Chiểu thành cảng loại IA theo qui hoạch hệ thống cảng quốc gia. Mở rộng và chuyển đổi Cảng Tiên Sa thành Cảng du lịch quốc tế. 

Sớm hoàn thành các dự án đường bộ kết nối khu vực: các tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Đà Nẵng - Quảng Trị (trước mắt đoạn La Sơn - Túy Loan). Phối hợp đề xuất xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao qua vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Huế - Đà Nẵng - Quy Nhơn), xây dựng hầm đường sắt qua đèo Hải Vân, nghiên cứu phương án đầu tự xây dựng tuyến đường sắt Đà Nẵng - Kon Tum thuộc tuyến đường sắt Tây Nguyên từ Đà Nẵng - Kon Tum - Đắk Lắk - Buôn Ma Thuột - Chơn Thành đến TP HCM. 

Kết nối Đà Nẵng - Hội An theo tuyến sông Hàn - Cẩm Lệ - Cổ Cò và tuyển Liên Chiểu - Cù Lao Chàm vừa phục vụ vận tải hàng hóa, vừa phục vụ phát triển du lịch. Tiếp tục đầu tư mở rộng, nâng cao khả năng khai thác cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng công suất tối đa 28-30 triệu hành khách/năm.

Về giao thông nội thị, nghiên cứu lại tổng thể việc tổ chức giao thông nội thị trong đó sớm nghiên cứu giải pháp tổ chức hệ thống giao thông ngầm đô thị. 

Xây dựng đường hầm qua sân bay Đà Nẵng; nâng cấp mở rộng các tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường trục đô thị và đường liên khu vực và đầu tư xây dựng mới đối với một số đường trục đô thị, đường liên khu vực. 

Xây dựng một số nút giao thông ở trung tâm thành phố theo hình thức giao thông khác mức; xây dựng hệ thống giao thông tỉnh theo qui hoạch; xây dựng trung tâm điều khiển tích hợp hệ thống giao thông thông minh ITS và các bãi đỗ xe thông minh.

Nghiên cứu vị trí đầu tư xây dựng công trình vượt sông trên toàn tuyến sông Hàn; nâng cấp, cải tạo hệ thống giao thông đường sông, cải tạo các cảng trên sông Hàn phục vụ giao thông và du lịch, mở thêm một số tuyến vừa phục vụ vận tải hàng hóa, vừa phục vụ phát triển du lịch...

chọn
'Đất huyện ven trúng đấu giá gấp nhiều lần khởi điểm là đúng thực tế'
Thứ trưởng Tài nguyên & Môi trường cho rằng các địa phương đã kiểm soát chặt công tác đấu giá nhưng thời điểm giao thoa giữa luật cũ và mới phần nào khiến giá trúng tăng cao.