Từ thế khó của Apple trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, nhìn lại bài học của Samsung khi chuyển sang Việt Nam sản xuất

Dự kiến giá mỗi chiếc iPhone sẽ tăng khoảng 160 đôla trước việc tăng thuế 25% các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ của tổng thống Donald Trump. Điều này khiến Apple phải hoặc là cắt giảm lợi nhuận hoặc là chuyển sản xuất sang một nước khác ngoài Trung Quốc.

iPhone tăng giá sau quyết định của Tổng thống Trump?

Từ thế khó của Apple trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, nhìn lại bài học của Samsung khi chuyển sang Việt Nam sản xuất - Ảnh 1.

iPhone tăng giá sau quyết định của Tổng thống Trump? (Ảnh: Mashable).

Thời gian qua, thị trường smartphone thế giới đã chứng kiến sự lao dốc của các sản phẩm đến từ Apple khi doanh số đã giảm 20% từ 50 triệu chiếc quí I/2018 xuống còn 40 triệu chiếc trong quí I/2019.

Để cứu vãn tình hình, Apple quyết định ngừng công bố doanh số iPhone, iPad từ quí IV/2018. Cùng với đó, Táo khuyết cũng tiến hành giảm giá iPhone thành nhiều đợt tại một số thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Ấn Độ hay Hoa Kì.

Tuy nhiên, việc Tổng thống Mỹ Donal Trump hôm 10/5 vừa thông qua quyết định áp mức thuế 25% lên hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc đã khiến kế hoạch thúc đẩy doanh số toàn cầu của Apple phá sản.

Dự kiến, tại Mỹ, giá các loại iPhone sẽ tăng khoảng 160 đôla mỗi chiếc, tương đương 4 triệu đồng. Ngoài iPhone, các sản phẩm khác đến từ Apple như iPad, Mac, AirPod,…cũng có thể sẽ đồng loạt tăng giá.

Vậy giải pháp nào cho Apple khi doanh số kinh doanh ngày một giảm và giá những chiếc iPhone ngày càng trở nên đắt đỏ hơn? Theo 9to5Mac, Apple có thể hi sinh một phần lợi nhuận để giữ mức giá chấp nhận được cho mỗi chiếc iPhone.

Trong khi đó, tờ Bloomberg lại đưa ra giải pháp rằng Apple sẽ chuyển dây chuyền sản xuất sang một nước thứ ba, ngoài Trung Quốc như Ấn Độ hay Việt Nam. Trong một Twitter mới đây của mình, Tổng thống Trump cũng gợi ý các công ty Mỹ nên chọn một nước khác ở châu Á để đặt cơ sở sản xuất, "ví dụ như Việt Nam"-Trump viết.

Qui mô sản xuất của Apple tại Trung Quốc lớn cỡ nào?

Từ thế khó của Apple trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, nhìn lại bài học của Samsung khi chuyển sang Việt Nam sản xuất - Ảnh 2.

Qui mô sản xuất của Apple tại Trung Quốc lớn cỡ nào? (Ảnh: The New York Times).

Theo Business Insider, Foxconn Zhengzhou Science Park, khu tổ hợp nhà máy của Foxconn tại Trịnh Châu, Hà Nam, Trung Quốc hiện có 350.000 công nhân và sản xuất khoảng một nửa số điện thoại iPhone bán ra trên toàn thế giới.

Trong những tháng bận rộn trước khi Apple ra mắt phiên bản iPhone mới, khu nhà máy này sản xuất 500.000 chiếc iPhone mỗi ngày, tương đương 350 chiếc/phút.

Nhà máy iPhone của Foxconn ở Trịnh Châu thực hiện công đoạn lắp ráp giai đoạn cuối. Công đoạn này có khoảng 40 bước lắp ráp. Một công nhân phụ trách đánh bóng màn hình cho biết xử lý khoảng 1.700 chiếc iPhone mỗi ngày, tức khoảng 3 màn hình mỗi phút trong 12 tiếng/ngày.

Tại sao Apple không chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang nước khác? 

Theo tờ Business Insider phân tích, hiện nay hầu hết các bộ phận của iPhone và iPad được sản xuất tại Trung Quốc thế nên nếu Apple chọn mua các bộ phận của iPhone tại Trung Quốc và lắp ráp tại Mỹ hoặc quốc gia khác thì đó sẽ là một khó khăn lớn, bởi chi phí sản xuất sẽ bị đội lên do phải vận chuyển các linh kiện.

Các nhà máy Trung Quốc có qui mô lớn và linh hoạt hơn rất nhiều so với các nhà máy khác. Họ có thể thuê hoặc đuổi việc hàng chục nghìn lao động chỉ trong một đêm. Mặt khác các nhà máy của Trung Quốc có thể thay đổi qui trình sản xuất và cách thức làm việc rất nhanh chóng khi có những biến động xảy ra.

Nguyên nhân cuối cùng là Trung Quốc có nguồn cung nhân công vô cùng lớn và công nhân của Trung Quốc có những kĩ năng cần thiết để chế tạo các thiết bị phức tạp mà không phải mất quá nhiều chi phí cho họ.

Từ thế khó của Apple trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, nhìn lại bài học của Samsung khi chuyển sang Việt Nam sản xuất - Ảnh 3.

Việc chuyển sản xuất iPhone ra khỏi Trung Quốc không dễ dàng như nhiều người vẫn nghĩ. (Ảnh: Bloomberg).

Theo Bloomberg nhận định thì việc chuyển sản xuất iPhone ra khỏi Trung Quốc không dễ dàng như nhiều người vẫn nghĩ. Đây sẽ thực sự là một nhiệm vụ cực kì phức tạp, tốn thời gian và tốn kém.

Chính phủ Trung Quốc biến Thâm Quyến trở thành Đặc khu kinh tế đầu tiên vào năm 1980, nghĩa là thành phố này đã có 37 năm để phát triển thành trung tâm sản xuất của thế giới công nghệ.

Apple dựa vào một mạng lưới lớn các nhà cung cấp và nhà thầu phụ, một số trong đó có thể chỉ chế tạo một linh kiện duy nhất. Phần lớn trong số họ có trụ sở tại Thâm Quyến và các thành phố xung quanh, do đó, việc hậu cần, lắp ráp các bộ phận của chiếc iPhone trở nên đơn giản và dễ dàng hơn.

Nếu Apple chuyển việc sản xuất ra khỏi Trung Quốc, họ sẽ gặp những vấn đề lớn liên quan đến một mạng lưới hậu cần hùng hậu phía sau. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng di dời nhà máy chỉ là việc bất đắc dĩ.

Nhìn lại bài học của Samsung khi từ bỏ Trung Quốc, chuyển sang sản xuất tại Việt Nam

Xét về khoảng cách địa lí, Việt Nam sẽ là lựa chọn tối ưu khi các nhà sản xuất muốn dời dây chuyền từ Trung Quốc qua nước khác. Xét về nguồn lao động giá rẻ, trình độ cao, lao động Việt Nam cũng dễ dàng đáp ứng tiêu chí này.

Mặt khác, các doanh nghiệp nước ngoài khi muốn đầu tư, kinh doanh tại Trung Quốc sẽ phải chịu điều luật ràng buộc chuyển giao công nghệ, yếu tố góp phần tạo ra cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung căng thẳng như hiện nay.

Từ thế khó của Apple trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, nhìn lại bài học của Samsung khi chuyển sang Việt Nam sản xuất - Ảnh 4.

Samsung từ bỏ Trung Quốc, chuyển sang sản xuất tại Việt Nam. (Ảnh: NBC News).

Sớm nhận ra những điều trên, hơn 20 năm trước, 1996 Samsung đã đầu tư vào dây chuyền sản xuất tại Việt Nam. Đến cuối 2014, Samsung đã đầu tư vào Việt Nam với tổng số tiền là 12,6 tỉ đôla.

Năm 2014 cũng là năm Samsung đưa ra một quyết định khiến các nhà đầu tư sửng sốt đó là chuyển toàn bộ nhà máy sản xuất từ Trung Quốc qua Việt Nam. Và thực tế đã chứng minh, quyết định này của Tập đoàn đến từ Hàn Quốc là hoàn toàn đúng đắn.

Theo số liệu từ các báo cáo kinh doanh của tập đoàn này tại Trung Quốc, doanh số bán ra của điện thoại di động Samsung ở thị trường Trung Quốc giảm từ 20% xuống chỉ còn 1% trong 5 năm trở lại đây.

19% thị phần còn lại được coi là đã buộc phải nhường lại cho một số ông lớn như Huawei và Xiaomi. Với thị trường hơn 1 tỉ dân, tỉ lệ sụt giảm này cũng quá lớn đối với một tập đoàn điện tử lớn mạnh như Samsung.

Năm 2013, khi Samsung đã chiếm hơn 20% thị phần điện thoại thông minh tại Trung Quốc, nhà máy ở Thiên Tân được xem là trụ cột, tạo ra doanh thu 15.000 tỉ won (tương đương 13,3 tỉ đôla) mỗi năm. Tuy nhiên, sang năm 2014, con số này đã tụt xuống một nửa và tiếp tục về 1% như hiện nay.

Trong khi đó, tính hết quí 3/2018, theo GfK, Samsung vẫn dẫn đầu thị phần điện thoại tại VN với con số ấn tượng 41,4% tổng thị phần. Theo tờ Thelec của Hàn Quốc, dự kiến sắp tới Samsung sẽ xây dựng nhà máy sản xuất smartphone thứ 3 tại Việt Nam với công suất 60 - 120 triệu điện thoại/năm.

Còn theo ông Nguyễn Văn Đạo, Phó Tổng Giám đốc Samsung Electronics Việt Nam, trong tương lai gần, Samsung Electronics Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển quy mô Nhà máy Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên, nâng tổng sản lượng các sản phẩm smartphone sản xuất tại Việt Nam lên khoảng 50% tổng sản lượng của Tập đoàn Samsung trên toàn cầu.

Tập đoàn Samsung cũng đang xem xét để đầu tư vào một số lĩnh vực khác tại Việt Nam như sân bay, hạ tầng viễn thông, xây dựng.... Ngoài Samsung, một Tập đoàn lớn khác của Hàn Quốc là LG mới đây cũng đưa ra quyết định chuyển dây chuyền sản xuất điện thoại thông minh đến Việt Nam.

LG cho biết đây là một chiến lược nhằm đối phó với tình hình đình trệ trên thị trường điện thoại thông minh toàn cầu, cải thiện lợi nhuận ở lĩnh vực kinh doanh điện thoại thông minh của LG và giúp nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Cụm nhà máy điện thoại thông minh ở Hải Phòng, Việt Nam được LG xây dựng vào năm 2014. Với sự điều chỉnh lần này, công suất của nhà máy Hải Phòng sẽ được nâng lên thành 11 triệu sản phẩm/năm. LG cho biết sẽ hoàn tất việc chuyển dây chuyền sản xuất và tái bố trí nhân lực trong năm nay.

Tag:
chọn
BĐS Hồ Gươm đang tiến vào khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 sau thương vụ 45 tỷ đồng
Sau khi cổ phần hóa, Viwaseen cùng đối tác DAF đã nhượng lại quyền phát triển khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 Hà Nội cho Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hồ Gươm với khoản tiền 45 tỷ đồng.