Từ vụ “26 tỉ đồng trong tài khoản VPBank biến mất”: Nhiều ngân hàng còn dễ dãi?

Theo nhiều chuyên gia NH, từ vụ “26 tỉ đồng trong tài khoản VPBank biến mất” và những vụ việc gần đây cho thấy mặc dù quy trình của các NH đều khá đầy đủ và chặt chẽ nhưng có thể trong vài trường hợp, cán bộ - nhân viên NH bỏ qua một quy trình nào đó trong cả khâu như cho phép khách hàng thân quen, khách hàng VIP rút tiền trước rồi mới bổ sung hóa đơn chứng từ sau… nên rất dễ dẫn đến sai phạm.

Thanh toán bằng séc có dễ bị gian lận?

Thông tin trên báo Trí Thức Trẻ, séc là một hình thức thanh toán có từ lâu trong thanh toán không dùng tiền mặt. Ngày nay, có nhiều công cụ thanh toán hiện đại nhưng thanh toán bằng séc vẫn được các doanh nghiệp ưa dùng.

Nói một cách ngắn gọn, séc là một tờ lệnh trả tiền của chủ tài khoản được lập trên mẫu đã quy định sẵn, yêu cầu ngân hàng trích tiền từ tài khoản của chủ tài khoản để trả cho người thụ hưởng có tên trên tờ séc hay người cầm tờ séc đó.

Séc là loại chứng từ thanh toán được áp dụng rộng rãi ở tất cả các nước trên thế giới, quy định sử dụng séc đã được chuẩn hoá trên Công ước quốc tế. Nó được sử dụng để thanh toán tiền hàng, dịch vụ, nộp thuế, trả nợ… hoặc được dùng để rút tiền mặt tại các chi nhánh ngân hàng . Tất cả các khách hàng mở tài khoản tại ngân hàng đều có quyền sử dụng séc để thanh toán.

Do séc là giấy tờ có giá nên việc mua séc phải tuân theo quy định rất chặt chẽ. Chẳng hạn, các ngân hàng bán séc theo tập. Mỗi khi cần rút tiền mặt ra khỏi ngân hàng, chủ tài khoản phải điền đầy đủ các thông tin như tên công ty, chữ ký chủ tài khoản, dấu công ty, tên người chỉ định rút tiền, chứng minh nhân dân của người đó.

Séc vô danh và séc định danh đều được yêu cầu chủ tài khoản phải ký tên, ghi rõ số tiền chuyển cho người thụ hưởng. Séc phải mua bằng công văn giấy tờ, ghi rõ mục đích.

Trường hợp người giao dịch không phải là chủ tài khoản thì phải có giấy tờ ủy quyền, trong công văn mua séc phải ghi rõ người đến nhận là ai thì ngân hàng mới chấp nhận.

Về quy trình thanh toán séc, trường hợp séc được xuất trình tại ngân hàng bị ký phát đến thì ngân hàng thực hiện thanh toán cho người thụ hưởng.

tu vu 26 ti dong trong tai khoan vpbank bien mat nhieu ngan hang con de dai
Chữ ký và chữ viết thật của Phạm Văn Trinh tại phòng công chứng trùng với chữ ký mang tên Giám đốc Trần Thị Thanh Xuân trong tờ séc. Ảnh: Trí Thức Trẻ

Nếu xuất trình tại ngân hàng nhờ thu thì quy trình như sau: Ngân hàng nhờ thu nhận séc và đóng dấu gạch chéo đặc biệt lên đó để khi séc không được thanh toán ngân hàng bị ký phát đến có thể gửi trả lại séc. Tiếp theo họ gửi séc đến ngân hàng bị ký phát, ngân hàng này sẽ kiểm tra tờ séc và nếu séc hợp lệ, tài khoản của người ký phát còn đủ tiền thì tài khoản của người ký phát sẽ bị ngân hàng ghi nợ. Việc thanh toán giữa ngân hàng nhờ thu và ngân hàng bị ký phát được thực hiện thông qua hệ thống thanh toán bù trừ séc.

Séc có thể sẽ không được thanh toán trong những trường hợp sau: Người ký phát đình chỉ hoặc hủy bỏ việc thanh toán séc; Tài khoản của người ký phát không đủ tiền; Chữ ký trên séc không giống với mẫu chữ ký mà người ký phát đã đăng ký tại ngân hàng; Tờ séc bị khiếm khuyết, phổ biến là: trị giá của tờ séc bằng chữ và bằng số không giống nhau; ngày tháng đề trên séc là một ngày trong tương lai; không có tên của người hưởng lợi ghi trên séc; séc bị sửa đổi một cách không hợp lệ; séc nhàu nát, bị rách mà không có xác nhận của ngân hàng là do tình cờ; séc được hai ngân hàng gạch chéo nhưng không có đảm bảo của một trong hai ngân hàng đó đối với ngân hàng thanh toán...

Thực tế trong hoạt động ngân hàng, rất hiếm khi lãnh đạo doanh nghiệp trực tiếp đến mở tài khoản, ngồi đặt bút ký trước sự chứng kiến của ngân hàng, cũng như mang theo cơ sở pháp lý để đối chứng cho chữ ký đó. Thay vào đó, hầu hết lãnh đạo doanh nghiệp đều giao cho nhân viên kế toán, hoặc bộ phận chuyên trách đứng ra làm thủ tục, trình ký, thậm chí hồ sơ này có thể chuyển qua đường bưu điện đến ngân hàng… Cũng như, có những trường hợp khách “VIP” bận rộn, họ yêu cầu nhân viên ngân hàng thực hiện thay các thủ tục, thậm chí rút tiền hộ và mang đến tận nhà.

Trở lại vụ việc bà Xuân, nhân viên ngân hàng VPBank - bà Đoàn Thị Thúy Hằng là người ký tên trên giấy đề nghị mua séc của công ty Quang Huân tại VPBank. Nhân viên này cũng là người ký nhận 2 quyển séc và giao lại cho đại diện công ty.

Việc nhân viên ngân hàng ký nhận hộ quyển séc cho khách là sai quy định song lãnh đạo VPBank khẳng định đây không thể là mấu chốt của sự việc bởi ngay sau đó, bà Hằng đã giao lại đầy đủ cho khách, cô cũng ký tên mình trên giấy nhận quyển séc. Bên cạnh đó, quyển séc chỉ có giá trị rút tiền khi có chữ ký của chủ tài khoản và con dấu đã đăng ký với ngân hàng.

Phía ngân hàng cũng đã khẳng định đây là hồ sơ mở tài khoản đầy đủ, hợp lệ, có chữ ký của chủ tài khoản, có dấu của công ty theo quy định. Trong khi đó, bà Xuân vẫn tố cáo ông Phạm Văn Trinh đã câu kết với nhân viên ngân hàng tên Đoàn Thị Thuý Hằng thực hiện giả mạo hồ sơ nêu trên. Còn ông Phạm Văn Trinh quả quyết rằng mình làm theo yêu cầu của bà Xuân- Giám đốc công ty Quang Huân.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 25/8, ông Phạm Văn Trinh cho biết chữ ký trên bộ hồ sơ mở tài khoản cho Công ty Quang Huân tại VPBank là của mình, do thời điểm đó bà Xuân “nhờ ký thay, còn con dấu do bà Xuân giữ”. Tất cả các lần rút tiền ở VPBank sau đó đều theo sự chỉ đạo của bà Xuân và mỗi lần ông Trinh đi rút tiền đều có con trai hoặc con gái của bà Xuân đi cùng. Hai quyển séc nhờ nhân viên VPBank mua giùm, khi về bà Xuân cũng nhờ ông Trinh ký vào.

“Bà Xuân có nói sau khi mở tài khoản xong sẽ làm thủ tục đổi chữ ký nên tôi mới ký thay. Riêng con dấu do bà Xuân cầm và những lần rút tiền sau này đều do bà đóng dấu. Tôi nghĩ cơ quan điều tra và NH đã có lịch sử giao dịch của công ty nên sẽ biết chính xác có bao nhiêu tiền trong tài khoản của công ty” - ông Trinh phân trần.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm CLB Pháp chế NH (Hiệp hội NH), cho rằng theo phản ánh của VPBank và khách hàng Trần Thị Thanh Xuân thì chưa đủ cơ sở kết luận ai đúng ai sai. Vụ việc không chỉ là khiếu nại thông thường, có dấu hiệu hình sự nên phải chờ cơ quan điều tra làm rõ, chứ NH cũng không làm gì được. “ Tuy nhiên, đã một năm mà vụ việc vẫn chưa được làm sáng tỏ thì là một thắc mắc lớn” - luật sư Đức nói.

tu vu 26 ti dong trong tai khoan vpbank bien mat nhieu ngan hang con de dai
Bà Xuân cho rằng bị giả chữ ký trên chứng từ giao dịch với ngân hàng -Ảnh: Ngọc Dương/Tuổi Trẻ

Còn dễ dãi?

Theo nhiều chuyên gia NH, từ vụ “26 tỉ đồng trong tài khoản biến mất” và những vụ việc gần đây cho thấy mặc dù quy trình của các NH đều khá đầy đủ và chặt chẽ nhưng có thể trong vài trường hợp, cán bộ - nhân viên NH bỏ qua một quy trình nào đó trong cả khâu như cho phép khách hàng thân quen, khách hàng VIP rút tiền trước rồi mới bổ sung hóa đơn chứng từ sau… nên rất dễ dẫn đến sai phạm. Bản thân các NH thương mại trong điều kiện cạnh tranh quyết liệt hiện nay, ở vài trường hợp cũng cho nhân viên dễ dãi trong quy trình để tạo thuận lợi cho khách hàng.

“Tôi đã từng chứng kiến nhiều trường hợp khách hàng gọi điện thoại đến NH và nhân viên NH vẫn chấp nhận cho rút tiền. Nếu xảy ra sự cố hoặc có gian lận thì trách nhiệm của nhân viên sẽ rất lớn” - một chuyên gia NH nói.

Ngay cả trong câu chuyện con dấu, chữ ký cũng rất rủi ro bởi NH không thể khẳng định 100% con dấu, chữ ký của khách hàng, trừ khi người đó đến giao dịch và ký tên trực tiếp. Nhưng trường hợp này thường áp dụng cho khách hàng cá nhân. Trong khi với khách hàng doanh nghiệp, hiếm có ông chủ doanh nghiệp nào trực tiếp tới mà nhân viên công ty sẽ mang chữ ký, con dấu có sẵn dựa theo mẫu đã đăng ký. “Để hạn chế rủi ro, một số NH đã áp dụng nhận diện bằng dấu vân tay” - lãnh đạo một NH cổ phần cho biết.

Giám đốc khối khách hàng cá nhân một NH lớn tại TP.HCM cho rằng về nghiệp vụ, nhân viên NH không chỉ kiểm tra chữ ký mà còn kiểm tra cả chữ viết khi giao dịch, bởi có thể giả được chữ ký nhưng rất khó giả chữ viết.

“Với khách hàng lớn, nếu giao dịch thường xuyên ở một chi nhánh thì nhân viên NH có thể nhận diện được. Nếu người giao dịch là người được ủy quyền phải có văn bản, giấy tờ thể hiện và trên đó phải có chữ ký của người ủy quyền và người được ủy quyền” - vị này nói.

Cũng theo vị này, séc là giấy tờ có giá nên việc quản lý rất chặt chẽ. Theo đó, NH phải theo dõi trên hệ thống séc đã cấp cho khách hàng nào, khi sử dụng phải kiểm tra chữ ký số dư tài khoản và gọi điện thoại xác nhận với chủ tài khoản.

Giấy in séc cũng là mẫu giấy đặc biệt, có yếu tố chống giả. Việc mua séc phải do người có trách nhiệm của công ty thực hiện, nếu giao cho nhân viên thì phải có giấy ủy quyền. Nhân viên NH không được tự ý nhận séc giùm cho khách hàng.

“Trong trường hợp này, DN cũng có phần lỏng lẻo vì không theo dõi tài khoản thường xuyên để kịp thời phát hiện nếu thấy vấn đề bất thường. Hơn nữa, DN thường có kết sổ cuối tháng vì sao tài khoản biến động như vậy mà mãi sau mới phát hiện” - vị này nói thêm.

Còn theo luật sư Trương Thanh Đức, từ các đại án ngân hàng như vụ Huyền Như đến những vụ việc xảy ra gần đây như chủ thẻ VIB mất hơn 1.500 USD ở Mỹ, chủ thẻ Vietcombank bị trộm 500 triệu đồng đến vụ việc này thì niềm tin của dư luận vào hệ thống NH giảm đi rất nhiều. “Theo nguyên tắc, khách hàng không rút tiền, không giao dịch mà mất tiền thì NH phải đền. Vì thế, các ngân hàng cần có sự quản lý chặt chẽ để bảo đảm điều này” - luật sư Đức nói.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.