Từ vụ ly hôn nghìn tỉ của vợ chồng Trung Nguyên, một trong hai người không muốn quay trở lại thì sao?

Về nguyên tắc, đương sự có quyền tự mình định đoạt đối với yêu cầu của mình mà không chủ thể nào khác có quyền can thiệp.

Mới đây, bà Lê Hoàng Diệp Thảo (46 tuổi) và cả ông Đặng Lê Nguyên Vũ (48 tuổi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên) đã kháng cáo bản án ly hôn do tòa này tuyên hôm 27/3.

Theo đó, bà kháng cáo toàn bộ bản án. Đáng chú ý, về quan hệ hôn nhân, bà bày tỏ nguyện vọng đoàn tụ với ông Vũ, dù bà là người đứng nguyên đơn trong vụ ly hôn.

Trong trường hợp này, bà Thảo muốn quay trở lại, ông Vũ không muốn thì pháp luật quy định thế nào?

Từ vụ ly hôn nghìn tỉ của vợ chồng Trung Nguyên, một trong hai người không muốn quay trở lại thì sao? - Ảnh 1.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ sau khi tòa sơ thẩm tuyên án. (Ảnh: PLO).

Chồng có quyền đồng ý hoặc không đồng ý

Về nguyên tắc, đương sự có quyền tự mình định đoạt đối với yêu cầu của mình mà không chủ thể nào khác có quyền can thiệp. Tuy nhiên, nguyên tắc này có ngoại lệ. pháp luật tố tụng dân sự quy định cho bị đơn quyền đồng ý hoặc không đồng ý với việc rút đơn của nguyên đơn.

Theo quy định của BLTTDS hiện hành, bị đơn chỉ có quyền can thiệp vào việc rút đơn của nguyên đơn khi yêu cầu của nguyên đơn đã được giải quyết bằng bản án, quyết định trước đó.

Nếu yêu cầu của nguyên đơn mới được xét xử sơ thẩm lần đầu tiên thì bị đơn không được thực hiện quyền này.

Như vậy, trong suốt quá trình tố tụng, không phải bất cứ giai đoạn nào bị đơn cũng có quyền can thiệp vào việc rút đơn của nguyên đơn, mà việc can thiệp của bị đơn chỉ giới hạn trong những giai đoạn tố tụng nhất định.

Bị đơn có quyền đồng ý hoặc không đồng ý với việc rút đơn của nguyên đơn trong hai giai đoạn tố tụng: giai đoạn xét xử phúc thẩm; giai đoạn xét xử sơ thẩm sau khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm.

Theo khoản 1 Điều 299 BLTTDS 2015, quyền chấp nhận hoặc không chấp nhận việc rút đơn của nguyên đơn trong trường hợp này được thực hiện trong giai đoạn xét xử phúc thẩm, cụ thể là trước phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm.

Giai đoạn xét xử phúc thẩm vụ án dân sự bắt đầu khi Tòa án cấp phúc thẩm thụ lý đơn kháng cáo và/hoặc đơn kháng nghị của các chủ thể có thẩm quyền. Nghĩa là, về nguyên tắc, phải có kháng cáo hoặc kháng nghị của chủ thể có thẩm quyền và Tòa án đã thụ lý kháng cáo, kháng nghị đó thì mới có thể phát sinh giai đoạn xét xử phúc thẩm.

Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 06/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 hướng dẫn thi hành một số quy định: Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm nhận được văn bản trả lời của bị đơn đồng ý việc rút đơn của nguyên đơn, thì không phân biệt trong thời hạn kháng cáo, kháng nghị có đương sự nào kháng cáo hoặc Viện kiểm sát kháng nghị hay không, Tòa án cấp sơ thẩm đều phải gửi hồ sơ vụ án và kháng cáo, kháng nghị, văn bản rút đơn cho Tòa án cấp phúc thẩm để Tòa án cấp phúc thẩm căn cứ vào Điều 269 của BLTTDS mở phiên Tòa giải quyết vụ án theo thủ tục chung (điểm b khoản 2 Điều 18).

BLTTDS 2015 không quy định cụ thể trình tự, thủ tục thực hiện quyền đồng ý hay không đồng ý việc rút đơn của bị đơn và hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn Bộ luật này.

Theo Nghị quyết, trước phiên tòa phúc thẩm, bị đơn phải thể hiện ý kiến đồng ý hay không đồng ý với việc rút đơn của nguyên đơn bằng văn bản và gửi cho Tòa án cấp sơ thẩm trong thời hạn nhất định kể từ khi nhận được thông báo của Tòa án.

Nghị quyết 06 cũng hướng dẫn trường hợp tại phiên tòa phúc thẩm, bị đơn thực hiện quyền đồng ý hay không đồng ý với việc rút đơn của nguyên đơn thì ý kiến này của bị đơn phải được ghi vào biên bản phiên tòa.

Như vậy, tại phiên tòa phúc thẩm bị đơn thực hiện quyền đồng ý hay không đồng ý đối với việc rút đơn của nguyên đơn một cách trực tiếp bằng lời nói.

Hậu quả pháp lý

Phụ thuộc vào việc bị đơn có đồng ý hay không đồng ý đối với việc rút đơn của nguyên đơn sẽ dẫn đến hậu quả pháp lý khác nhau.

Chồng đồng ý với việc rút đơn của vợ

Nhìn chung, trường hợp này, Tòa án sẽ đình chỉ giải quyết vụ án. Tuy nhiên, do việc rút đơn có thể ở các giai đoạn tố tụng khác nhau nên việc đồng ý của bị đơn đối với việc rút đơn này có thể kéo theo những hậu quả pháp lý khác nhau.

Điểm b khoản 1 Điều 299 BLTTDS 2015 quy định: "Bị đơn đồng ý thì chấp nhận việc rút đơn của nguyên đơn. Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án. Trong trường hợp này, các đương sự vẫn phải chịu án phí sơ thẩm theo quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và phải chịu một nửa án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật".

Nghị quyết 06 cũng hướng dẫn hậu quả pháp lý trong trường hợp bị đơn đồng ý với việc nguyên đơn rút đơn trong thời gian kháng cáo kháng nghị phúc thẩm "thì không phân biệt trong thời hạn kháng cáo, kháng nghị có đương sự nào kháng cáo hoặc Viện kiểm sát kháng nghị hay không, Tòa án cấp sơ thẩm đều phải gửi hồ sơ vụ án và kháng cáo, kháng nghị, văn bản rút đơn cho Tòa án cấp phúc thẩm để Tòa án cấp phúc thẩm căn cứ vào Điều 269 của BLTTDS mở phiên Tòa giải quyết vụ án theo thủ tục chung" (điểm b khoản 2 Điều 18).

Như vậy, trong giai đoạn phúc thẩm, bị đơn đồng ý với việc rút đơn của nguyên đơn thì Tòa án sẽ ra bản án phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, đình chỉ giải quyết vụ án và giải quyết những hậu quả pháp lý khác phát sinh như vấn đề về án phí…

Trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện trước khi mở phiên tòa phúc thẩm hoặc tại phiên tòa phúc thẩm và được bị đơn đồng ý thì các đương sự vẫn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và phải chịu 50% mức án phí dân sự phúc thẩm.

Như vậy, nếu bà Thảo rút đơn và được Vũ đồng ý thì án phí theo quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm vẫn giữ nguyên và bà Thảo phải nộp thêm 150.000 đồng (50% mức án phí dân sự phúc thẩm).

Chồng không đồng ý với việc rút đơn của vợ

Hướng giải quyết chung của Tòa án trong trường hợp này là sẽ không chấp nhận việc rút đơn của nguyên đơn.

Theo quy định tại Điều 299 BLTTDS 2015, trong giai đoạn xét xử phúc thẩm nếu nguyên đơn rút đơn mà bị đơn không đồng ý thì không chấp nhận việc rút đơn của nguyên đơn.

Nghĩa là, trường hợp này Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án tại giai đoạn xét xử phúc thẩm theo quy định, các đương sự có kháng cáo thì Tòa án tiếp tục giải quyết kháng cáo của các đương sự, Viện kiểm sát có kháng nghị thì Tòa án tiếp tục giải quyết kháng nghị của Viện kiểm sát.

Nếu nguyên đơn rút đơn trong thời hạn kháng cáo, kháng nghị mà không có kháng cáo, kháng nghị thì Nghị quyết 06 cũng hướng dẫn hậu quả pháp lý trong trường hợp bị đơn không đồng ý với việc rút đơn này.

Theo đó, việc rút đơn của nguyên đơn đương nhiên không được chấp nhận. Trường hợp này, bản án sơ thẩm được coi là không bị kháng cáo, kháng nghị và có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Như vậy, hướng dẫn tại Nghị quyết 06 đã giải quyết được vướng mắc của Tòa án trong trường hợp nguyên đơn rút đơn trong thời hạn kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm mà không có kháng cáo, kháng nghị.

Trên đây là ý kiến tư vấn về câu hỏi đặt ra từ một tình huống. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin được cung cấp.

Những tư vấn chỉ có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng.

Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến độc giả chưa hiểu hết vấn đề hoặc/và có sự vướng mắc, thắc mắc, rất mong nhận được ý kiến phản hồi của độc giả gửi tới: hoidapphapluatvnm@gmail.com.

chọn
Lãnh đạo Everland chia sẻ về dự án HH5 Bắc An Khánh vừa M&A ở khu tây Hà Nội
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch Everland Lê Đình Vinh cho biết, hiện nay tình hình thị trường bất động sản phía tây Hà Nội đang ấm dần, do tập đoàn đang phối hợp với chủ khu đô thị Bắc An Khánh để hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng ô đất HH5 để có thể triển khai xây dựng từng phần ngay trong 2024.