Vụ ly hôn nghìn tỉ của vợ chồng Trung Nguyên: Nếu hai bên vẫn không đồng ý với bản án phúc thẩm, vụ việc đi về đâu?

Đối với quyết định phúc thẩm, đương sự sẽ không có quyền kháng cáo bởi đó là bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật kể từ lúc được tuyên bố.

Ngày 10/4, TAND TP HCM cho biết bà Lê Hoàng Diệp Thảo (46 tuổi) và cả ông Đặng Lê Nguyên Vũ (48 tuổi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên) đã kháng cáo bản án ly hôn do tòa này tuyên hôm 27/3.

Theo đó, bà kháng cáo toàn bộ bản án. Đáng chú ý, về quan hệ hôn nhân, bà bày tỏ nguyện vọng đoàn tụ với ông Vũ, dù bà là người đứng nguyên đơn trong vụ ly hôn.

Nội dung quan trọng thứ hai là bà không đồng ý phán quyết của tòa sơ thẩm về việc chia tài sản là cổ phần Trung Nguyên theo tỉ lệ 6:4, đồng thời giao quyền điều hành công ty cho ông Vũ và buộc bà nhận lại tiền.

Về kháng cáo của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, ông này cũng không đồng ý tỉ lệ chia như phán quyết của tòa sơ thẩm. Ông kiên quyết yêu cầu tòa phải chia các tài sản tranh chấp là cổ phần Trung Nguyên theo tỉ lệ ông sở hữu 70%, bà Thảo 30% - tỉ lệ mà ông đã đưa ra tại tòa sơ thẩm.

Vậy, xét xử phúc thẩm vụ án ly hôn là gì? Nếu không đồng ý với bản án phúc thẩm thì phải làm sao? Đến cấp nào nữa?

Vụ ly hôn nghìn tỉ của vợ chồng Trung Nguyên: Nếu hai bên vẫn không đồng ý với bản án phúc thẩm, vụ việc đi về đâu? - Ảnh 1.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo.

Xét xử phúc thẩm vụ án ly hôn là gì?

Phúc thẩm là xét lại vụ án, quyết định đã được tòa án cấp dưới xét xử sơ thẩm nhưng chưa có hiệu lực pháp luật mà bị kháng cáo hoặc kháng nghị.

Là một hoạt động tố tụng trong đó Tòa án cấp trên tiến hành kiểm tra tính hợp pháp và tính có căn cứ của bản án, quyết định do Tòa án cấp sơ thẩm xử mà bị kháng cáo, kháng nghị.

Thời hạn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án; đối với đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.

Đối với trường hợp đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện đã tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa án tuyên án mà không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày tuyên án.

Thời hạn kháng nghị đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là một tháng, kể từ ngày tuyên án. Trường hợp Kiểm sát viên không tham gia phiên tòa thì thời hạn kháng nghị tính từ ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được bản án.

Như vậy, trong vòng 15 ngày kể từ ngày tuyên án, nếu vợ bạn không đồng ý với phán quyết của Tòa thì có thể kháng cáo. Nếu quá thời hạn trên thì bản án sẽ có hiệu lực pháp luật. Nếu vợ bạn muốn làm thủ tục kháng cáo quá hạn thì phải có lý do chính đáng mới được Tòa án chấp thuận.

Thời gian xét xử phúc thẩm vụ án ly hôn

Ngay sau khi nhận được hồ sơ vụ án, kháng cáo, kháng nghị và tài liệu, chứng cứ kèm theo, Tòa án cấp phúc thẩm phải vào sổ thụ lý.

Trong thời hạn hai tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án. Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án cấp phúc thẩm có thể quyết định kéo dài thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không được quá một tháng.

Trong thời hạn một tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa phúc thẩm; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là hai tháng.

Như vậy, thời gian xét xử phúc thẩm vụ án ly hôn nhanh nhất là khoảng 3 tháng và chậm nhất khoảng 5 tháng.

Nếu không đồng ý với bản án phúc thẩm thì phải làm sao?

Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định nguyên tắc Tòa án thực hiện chế độ hai cấp xét xử.

Theo đó, bản án, quyết định sơ thẩm của Toà án có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng. Bản án, quyết định sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn theo quy định thì có hiệu lực pháp luật.

Đối với bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì vụ án phải được xét xử phúc thẩm.

Như vậy, theo quy định về nguyên tắc hai cấp xét xử, Tòa án sẽ chỉ giải quyết vụ việc theo hai cấp đó là cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm (trong trường hợp bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị)

Đối với quyết định của tòa cấp phúc thẩm thì đương sự sẽ không có quyền kháng cáo. Bởi đó là bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật kể từ lúc được tuyên bố.

Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến việc bản án, quyết định đã có hiệu lực của pháp luật có điểm không đúng đắn.

Vì vậy, để đảm bảo được việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự thì những bản án, quyết định có sai lầm, mặc dù đã có hiệu lực pháp luật vẫn phải được kháng nghị để xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

Trước đó, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2003 quy định: Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án các cấp, trừ quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện.

Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã có sự sửa đổi, bổ sung cơ bản về thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Theo đó, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh không có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm; thay vào đó, bổ sung quy định: Chánh án TAND cấp cao, Viện trưởng VKSND cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.

Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao; bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (Điều 331).

Do thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm không phải là một cấp xét xử mà chỉ là thủ tục xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực do phát hiện có sai lầm, vi phạm pháp luật trong việc giải quyết vụ án hoặc phát hiện ra tình tiết mới quan trọng của vụ án mà Tòa án và các đương sự không biết được khi Tòa án giải quyết vụ án.

Nên để đảm bảo tính ổn định của bản án, quyết định và nâng cao trách nhiệm của những người có thẩm quyền trong việc kiểm sát, giám đốc việc xét xử thì chỉ có những người có thẩm quyền mới có quyền kháng nghị yêu cầu Tòa án xét lại bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

Vì vậy, trong trường hợp này, nếu có bản án phúc thẩm người vợ không có quyền kháng cáo nữa mà chỉ có quyền phát hiện các tình tiết là căn cứ kháng nghị hoặc những sai lầm, vi phạm pháp luật của tòa án đã giải quyết vụ án sau đó khiếu nại, tố cáo hoặc thông báo cho những người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm để họ xem xét và quyết định có kháng nghị hay không.

Trên đây là ý kiến tư vấn về câu hỏi đặt ra từ một tình huống. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin được cung cấp.

Những tư vấn chỉ có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng.

Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến độc giả chưa hiểu hết vấn đề hoặc/và có sự vướng mắc, thắc mắc, rất mong nhận được ý kiến phản hồi của độc giả gửi tới: hoidapphapluatvnm@gmail.com.

chọn
Những ông lớn địa ốc hiện diện tại 'Đất Tổ' Phú Thọ
Vài năm trở lại đây, Phú Thọ liên tục đón các doanh nghiệp lớn ngành bất động sản như GP Invest, T&T hay BV Land... Hiện nay, Ecopark và Tasco cũng đang hướng đến dự án bất động sản đầu tiên tại địa phương này.