Sau chia sẻ của vợ "ông vua cà phê" Đặng Lê Nguyên Vũ là bà Lê Hoàng Diệp Thảo, một lần nữa câu chuyện có nên đưa chuyện gia đình lên mạng, ứng xử như thế nào khi ly hôn... nhận được nhiều ý kiến tranh luận.
Ly hôn không phải showbiz
Theo bà Nguyễn Hồng Mai, chuyên gia nghiên cứu văn hóa gia đình, thời đại mạng xã hội xuất hiện nhiều cặp vợ chồng “vạch áo cho người xem lưng”.
Chuyên gia nghiên cứu văn hóa gia đình Nguyễn Hồng Mai cho rằng đừng dùng mạng xã hội để biến cuộc chia tay giữa 2 con người trở thành sự kiện showbiz. Ảnh minh hoạ: Medium. |
Khi có mâu thuẫn không thể giải quyết, họ hy vọng dùng sức mạnh của cộng đồng mạng để gây áp lực lên đối phương. Chưa biết hiệu quả đến đâu, nhưng những tổn hại mà nó mang lại là vô cùng lớn.
Chính những người vợ, chồng đưa câu chuyện lên mạng sẽ phải hối hận vì hành động của mình. Ban đầu, họ chỉ muốn tâm sự, giãi bày những bức xúc của bản thân. Họ không hiểu rằng chuyện gia đình mình có nguy cơ thành chủ đề bàn tán cho “500 anh em” cộng đồng mạng.
“Nói đi thì nhẹ, nói lại càng nặng”, khi truyền thông vào cuộc đẩy vấn đề đi xa, cá nhân sẽ bất lực trong việc bảo vệ thông điệp ban đầu của mình. Áp lực dồn lên những đứa con.
"Cha mẹ giàu có, nổi tiếng đã là một áp lực, nay đến chuyện cha mẹ đả kích nhau, tranh chấp tài sản khi ly hôn. Ngoài chuyện buồn từ gia đình, chúng còn phải đối mặt ánh mắt soi mói của bạn bè và toàn xã hội", bà Mai nêu quan điểm.
Nữ chuyên gia cho rằng nếu có mâu thuẫn khi chia tay, hãy nhờ sự giúp đỡ của gia đình đôi bên để giải quyết. Gia đình không giúp được thì nhờ đến pháp luật. Đừng dùng mạng xã hội để biến cuộc chia tay giữa 2 con người trở thành sự kiện showbiz.
Không nên đưa chuyện chia tay lên mạng
Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn cho rằng dù bất cứ hoàn cảnh nào cũng không nên đem chuyện mâu thuẫn trong tình yêu, hôn nhân sau khi chia tay lên mạng xã hội. Việc này chỉ mang ý “dằn mặt” nhau, không giải quyết được vấn đề gì.
Thậm chí, nó có thể gây thêm hệ lụy, làm mất thời gian của người trong cuộc và người xung quanh. Đây là cách làm không văn minh bởi yêu đương và chia tay là chuyện của cá nhân. Trong khi đó, mạng xã hội chỉ dùng để bàn luận các vấn đề chung.
Ông Nguyễn Ngọc Long -blogger truyền thông xã hội. Ảnh: NVCC. |
Theo ông Nguyễn Ngọc Long - blogger truyền thông xã hội - mang chuyện gia đình lên mạng xã hội có văn minh hay không phụ thuộc bản chất câu chuyện và cách nhân vật kể chuyện.
Đôi khi, những câu chuyện nói về “người cũ” lại rất văn minh như trường hợp của MC Thảo Vân từng chia sẻ về chồng cũ là diễn viên hài Công Lý. Người đọc nhìn vào câu chuyện của họ thấy đẹp và học được nhiều điều về cách ứng xử hậu chia tay, hết tình thì còn nghĩa.
Sau 6 năm chia tay họ vẫn vui vẻ đoàn tụ trong tiệc sinh nhật con trai và đăng tải ảnh chung lên mạng xã hội. Bữa tiệc đó còn xuất hiện cả hình ảnh bạn gái Công Lý.
Trả lời phỏng vấn sau khi ly hôn, Thảo Vân từng nói: "Tôi chưa bao giờ không làm bạn với chồng. Từ trước tới giờ lúc nào cũng là bạn, chưa có một phút nào chúng tôi là kẻ thù".
Còn Công Lý khi nói về Thảo Vân, bày tỏ: "Dù đã chia tay, chúng tôi vẫn là những người bạn, vẫn có cách cư xử rất văn hoá. Bản thân những đứa trẻ khi bố mẹ chia tay đã chịu sự thiệt thòi, nên tôi sẽ cố gắng bù đắp cho con hết sức có thể".
Chuyên gia nghiên cứu văn hóa gia đình Nguyễn Hồng Mai chia sẻ 5 điều các cặp vợ chồng nên lưu ý khi ly hôn 1. Mạng xã hội không phải công cụ trả thù. 2. Nói đi thì nhẹ, nói lại thì nặng. 3. Áp lực dồn lên những đứa con. 4. Cuộc ly hôn không phải sự kiện showbiz. 5. Hãy nhớ về nhau bằng những điều tốt đẹp. |
Nhưng ở nhiều trường hợp khác, đem chuyện gia đình lên mạng xã hội sẽ gây sóng hay tạo "nghị luận truyền thông", hậu quả là gây tổn thương cho chính người trong cuộc.
Đặc biệt, không phải ai cũng chín chắn trước truyền thông, nhất là khi nói về cảm xúc. Những lời không hay khi nói ra sẽ chẳng thể thu hồi. Điều này khiến việc xin lỗi nhau về sau có thể cũng rất khó.
Ông Nguyễn Ngọc Long cho rằng tình yêu hay hôn nhân, nếu muốn chia tay trong bình yên, giữ kỷ niệm đẹp đẽ, hãy hạn chế việc đăng tải lên mạng xã hội. Nếu vì lý do nào đó phải nói về nhau, bạn chỉ nên bày tỏ những kỷ niệm ngọt ngào.
Người còn lại nên im lặng
TS tâm lý Đinh Đoàn cho rằng các bạn trẻ trong xã hội hiện đại cần hiểu yêu được thì cũng chia tay được. Đó là điều bình thường.
“Sau khi chia tay, mỗi người hãy giữ lại điều gì đó cho riêng mình, chỉ nên thông tin cho vài bạn thân khi cần thiết. Cuộc đời ta không phải cứ bóc trần hết lõi ra cho thiên hạ biết. Cuối cùng, ‘gạch đá’ lại dành cho chính người trong cuộc”, chuyên gia Đinh Đoàn nói.
Theo chuyên gia tư vấn tâm lý về gia đình, tình yêu này, đặt trong hoàn cảnh cụ thể một gia đình, khi người vợ mang chuyện riêng ra giữa thiên hạ thì người chồng nên im lặng bởi thông tin "nóng" trên mạng hôm nay sẽ trở thành "vớ vẩn" ngày mai. Nếu người chồng phản pháo, mọi chuyện chỉ thêm phức tạp, thông tin bàn luận sẽ kéo dài không dứt.
Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn cho rằng nếu vợ hoặc chồng lên mạng "vạch áo cho người xem lưng", người còn lại nên im lặng. Ảnh: Báo Đất Việt. |
"Nếu muốn đàm phán, anh ta có thể gọi điện trực tiếp trao đổi với vợ. Việc viết tâm thư, giải thích hay minh oan trên mạng hoàn toàn không cần thiết", TS Đinh Đoàn nói.
Còn bloger Nguyễn Ngọc Long cho hay việc người chồng nên làm gì phụ thuộc vào mục đích của anh ta muốn bảo vệ hình ảnh hay muốn chiến thắng trong cuộc chiến mâu thuẫn của hai vợ chồng sau khi chia tay?
"Bất cứ khi nào, người trong cuộc cũng không nên hành động theo cảm tính, vì khi chuyện trở thành vấn đề của đám đông, suy nghĩ cảm tính có thể tạo hậu quả… trắng tay", ông Long nói.
Vợ chồng livestream 'tố' nhau trên mạng Câu chuyện vợ chồng chọn cách "lên mạng" để giải quyết mâu thuẫn, giải tỏa bức xúc từng xảy ra nhiều trong thực tế. Năm 2016, cô gái trẻ là thành viên nhóm hài đình đám ở TP.HCM, đã livestream cuộc cãi cọ qua điện thoại với chồng. Dư luận đã chứng kiến toàn bộ cuộc cãi vã, kể tội xung quanh chuyện tiền bạc. Cô gái nổi tiếng muốn được trả số tiền từng mượn, còn người chồng cho rằng anh không hề cầm khoản tiền đó. Trong cuộc trò chuyện kéo dài 10 phút, người vợ tỏ ra mệt mỏi và khẳng định muốn ra tòa ly hôn. Ban đầu, chồng cô giữ thái độ bình tĩnh và trò chuyện bình thường, nhưng sau đó to tiếng với vợ. Cuộc nói chuyện thu hút 2,3 triệu lượt xem, 65.000 likes, 22.000 người chia sẻ và hơn 20.000 bình luận với nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người có thói quen chuyện gì cũng đưa lên Facebook - kể cả cãi nhau, mâu thuẫn không giải quyết được, dẫn đến ly dị. Với những đôi yêu nhau cũng... hài hước không kém. Năm 2017, mạng xã hội Facebook lan tỏa clip “con dâu tương lai” livestream khóc lóc "bóc phốt" bố mẹ chồng vì không cho cô và con trai bà làm đám cưới. Trước đó, năm 2014, những câu chuyện ầm ĩ như chia tay đòi quà, hẹn hò bạn trai chỉ mang 100.000 đồng hay chàng trai không cho bạn gái tiền phá thai… cũng được chia sẻ chóng mặt trên mạng. |