Từ vụ Vietnam Airlines chậm chuyến vì chờ khách, quy định pháp luật về chuyến bay bị chậm như thế nào?

Chuyến bay bị chậm là chuyến bay có giờ khởi hành thực tế (tính từ thời điểm rút chèn tàu bay) muộn hơn 15 phút so với thời gian dự kiến cất cánh theo lịch bay căn cứ.

Ngày 29/5, trên mạng xã hội lan truyền thông tin về việc hơn 200 hành khách trên chuyến bay VN31 (loại Boeing 787-9 Dreamliner) của Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) khởi hành từ TP HCM (SGN) đi Frankfurt (FRA) vào đêm qua (28/5/2019) phải "delay" hơn 50 phút chỉ để chờ một hành khách khiến dư luận xôn xao.

Liên quan đến thông tin trên, Vietnam Airlines đã có thông báo chính thức để lý giải về vụ việc.

Mong nhận được sự thông cảm của hành khách trên chuyến bay VN31 từ TP HCM đi Frankfurt ngày 28/5, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết:

"Việc hãng hàng không chủ động lùi thời gian khởi hành chuyến bay để đợi hành khách nối chuyến trên chuyến bay quốc tế được coi là thông lệ và đang được các hãng hàng không trên thế giới áp dụng trong điều kiện cân đối quyền lợi giữa hành khách nối chuyến và các hành khách còn lại trên chuyến bay.

Khi lùi thời gian khởi hành chuyến bay, Vietnam Airlines đã thực hiện đúng quy định tại Thông tư số 27/2017 của bộ GTVT, thông báo việc chậm chuyến và xin lỗi hành khách", báo Người đưa tin viết.

Vậy, pháp luật quy định thế nào về trường hợp chuyến bay bị chậm, gián đoạn, hủy chuyến?

Từ vụ Vietnam Airlines chậm chuyến vì chờ khách, quy định pháp luật về chuyến bay bị chậm như thế nào? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Người Đưa Tin).

"Delay" trong tiếng Anh được hiểu là trì hoãn, chậm trễ. Delay máy bay hay còn được hiểu là hoãn chuyến bay, là tình trạng chuyến bay vì một số lí do mà khởi hành chậm hơn dự kiến từ vài phút, vài giờ, thậm chí là vài ngày.

Theo định nghĩa tại Thông tư 52/2018/TT-BGTVT, chuyến bay bị chậm là chuyến bay có giờ khởi hành thực tế (tính từ thời điểm rút chèn tàu bay) muộn hơn 15 phút so với thời gian dự kiến cất cánh theo lịch bay căn cứ.

Lịch bay căn cứ là phiên bản cuối cùng lịch bay ngày của hãng hàng không được cập nhật tới Cục Hàng không Việt Nam, các Cảng vụ hàng không, các Công ty Quản lý bay khu vực liên quan không muộn hơn 22h00 của ngày hôm trước ngày khai thác.

Trong khi đó, Thông tư 27/2017 của Bộ Giao thông Vận tải về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014 (quy định chất lượng dịch vụ hành khách tại cảng hàng không) và Thông tư 14/2015 (quy định về việc bồi thường ứng trước không hoàn lại trong vận chuyển hành khách bằng đường hàng không), hãng hàng không phải thông báo cho hành khách khi chuyến bay bị chậm.

Nội dung thông báo gồm có lý do việc chậm chuyến; thời gian cất cánh dự kiến hoặc kế hoạch bay thay thế; kế hoạch phục vụ hành khách; bộ phận trợ giúp hành khách. Đồng thời, hãng vận chuyển phải xin lỗi hành khách vì chậm, hủy chuyến.

Cụ thể:

Chậm từ 15 phút được xin lỗi

Trường hợp chậm chuyến từ 15 phút, hành khách phải được thông báo thông tin về số hiệu chuyến bay và chặng bay, lý do của việc chậm chuyến, thời gian khởi hành dự kiến, kế hoạch phục vụ hành khách, bộ phận trợ giúp hành khách (vị trí, dấu hiệu nhận biết).

Đồng thời, hãng hàng không phải xin lỗi hành khách nếu chuyến bay bị chậm từ 15 phút so với lịch bay.

Chậm từ 2 giờ được phục vụ nước uống

Trường hợp hành khách đã được xác nhận chỗ trên chuyến bay nhưng chuyến bay bị chậm trong thời gian từ 2 giờ, ngoài các nghĩa vụ thông báo và xin lỗi, hàng hãng không phải phục vụ nước uống cho hành khách.

Chậm từ 3 giờ được phục vụ ăn

Trường hợp thời gian chậm chuyến từ 3 giờ thì ngoài việc thông báo, xin lỗi, phục vụ nước uống, hãng hàng không phải phục vụ thức ăn cho hành khách.

Chậm từ 6 giờ được bố trí nơi nghỉ

Nếu thời gian chậm chuyến rơi vào từ 7h đến trước 22h, hành khách được bố trí nơi nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế tại sân bay.

Nếu thời gian chậm chuyến rơi vào từ 22h hôm trước đến trước 7h ngày hôm sau, hành khách được bố trí chỗ ngủ, nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế hoặc giải pháp thay thế nếu được sự đồng ý của hành khách.

Ngoài những quyền lợi nêu trên, trong trường hợp chuyến bay bị chậm, hủy chuyến, hành khách có thể được chuyển đổi hành trình trong phạm vi cung cấp dịch vụ của hãng hàng không để có thể đến được điểm cuối của hành trình một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất.

Hành khách bị hoãn, hủy chuyến bay sẽ được bồi thường

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cũng quy định 4 mức bồi thường đối với chuyến bay trong nước và 4 mức đối với chuyến bay quốc tế, căn cứ vào độ dài đường bay.

Theo đó, mức bồi thường hủy, chậm chuyến kéo dài đối với đường bay trong nước là từ 200.000 đồng/người/đường bay dưới 1.000 km đến 400.000 đồng/người/đường bay từ 1.000 km.

Đối với đường bay quốc tế, mức bồi thường từ 25 USD/người/đường bay dưới 1.000 km đến là 150 USD/người/đường bay trên 5.000 km.

Việc bồi thường được thực hiện bằng tiền mặt, vé miễn cước hoặc chuyển khoản cho hành khách. Cảng vụ hàng không có trách nhiệm giám sát việc bồi thường cho hành khách.

Tuy nhiên, hãng hàng không được miễn trừ nghĩa vụ trả tiền bồi thường ứng trước không hoàn lại trong trường hợp hành khách được vận chuyển miễn phí; hành khách được vận chuyển theo giá giảm áp dụng đối với nhân viên hãng hàng không, nhân viên đại lý của hãng hàng không, đối tác, bạn hàng sử dụng vé miễn giảm cước.

Trường hợp một chuyến bay bị chậm kéo dài, sau đó hủy thì việc bồi thường ứng trước không hoàn lại chỉ áp dụng một lần.

Trên đây là ý kiến tư vấn về câu hỏi đặt ra từ một tình huống. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin được cung cấp.

Những tư vấn chỉ có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng.

Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến độc giả chưa hiểu hết vấn đề hoặc/và có sự vướng mắc, thắc mắc, rất mong nhận được ý kiến phản hồi của độc giả gửi tới: hoidapphapluatvnm@gmail.com.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.