Tương ớt Chin-su: Chuyện chấn động ai sẽ trả lời?

Xử lí chuyện tương ớt Chin-su ra sao để đảm bảo cho sức khỏe người tiêu dùng, làm sao để người Việt bớt lo lắng về những nguy cơ với sức khỏe của mình? Những lo lắng đó của dân ai sẽ trả lời? Câu hỏi này xin gửi đến Bộ Y tế.
Tương ớt Chin-su: Chuyện chấn động ai sẽ trả lời? - Ảnh 1.

Hình ảnh sản phẩm Chin-su bị thu hồi ở Nhật. (Ảnh: Osaka City)

Tin thành phố Osaka, Nhật Bản thu hồi trên 18.000 chai tương ớt Chin-su của Công ti Masan Việt Nam do chứa acid benzoic đang gây lo lắng cho người tiêu dùng.

Qui định của Nhật Bản là không cho phép, trong khi trong cả hai thông tư của Bộ Y tế Việt Nam năm 2012 và 2015 qui định danh mục phụ gia thực phẩm, acid benzoic đều có mặt và đều cho phép sử dụng trong sản phẩm quả dạng nghiền như tương ớt.

Người tiêu dùng coi đây là chuyện chấn động.

Báo chí đưa tin, mạng xã hội lan truyền. Nhưng trên website Bộ Y tế, website Cục An toàn thực phẩm, những cơ quan chịu trách nhiệm về việc này thì đến chiều muộn 7/4 vẫn chưa có một lời giải thích, một lời trấn an. Ngoại trừ việc trả lời báo chí rằng họ sẽ kiểm tra, nhưng còn phải chờ thông tin chính thức từ Nhật Bản và mạng lưới cảnh báo có tên là Infosan.

Đành rằng cơ quan chức năng phải đợi thông tin từ nhà chức trách nhưng lẽ ra khi người dân lo lắng, Bộ Y tế, Cục An toàn thực phẩm phải sốt ruột xem dân lo lắng vì sao, cần trả lời những gì để dân khỏi lo lắng, hoang mang, phải ngay lập tức đăng đàn trên truyền hình, trên báo chí để trả lời.

Nhưng không, mặc kệ người dân lo lắng, thậm chí cãi vã vì chẳng ai có đầy đủ thông tin về acid benzoic trong tương ớt, Bộ Y tế, Cục An toàn thực phẩm vẫn im lặng suốt hai ngày cuối tuần.

>> Xem thêm: Nhật thu hồi hơn 18.000 chai tương ớt Chin-su có xuất xứ Việt Nam vì chứa chất cấm

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia về an toàn thực phẩm chia sẻ danh mục phụ gia của Việt Nam là sao chép từ danh mục phụ gia của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) và một số quốc gia châu Âu, nhưng có một điều mà Việt Nam chưa minh bạch, chưa rõ ràng là trong danh mục phụ gia trước đây, Codex không cho phép acid benzoic trong sản phẩm dành cho trẻ em do đã có bằng chứng về nguy cơ gây tăng động cho trẻ.

Nhưng trong các sản phẩm thực phẩm có sử dụng acid benzoic ở Việt Nam, từ trước đến nay đã có sản phẩm nào cảnh báo không dùng cho trẻ em? Và nếu cảnh báo cho trẻ em thì cảnh báo đến lứa tuổi nào cũng chưa được minh bạch.

Đã có những ý kiến bất bình khi cho rằng cùng là thể trạng người Á Đông, vì sao Nhật kĩ càng với phụ gia như vậy còn Việt Nam lại cho phép? Nguy cơ với sức khỏe người Việt Nam có phải là bị xem nhẹ?

Thậm chí có người còn lo lắng đến nguy cơ ung thư nếu acid benzoic kết hợp với chất khác khi vào cơ thể người dùng.

Nhật Bản cấm, chắc chắn họ có lí của họ, tiêu chuẩn với thực phẩm của Nhật Bản luôn cao và bằng chứng cho thấy "lí của Nhật Bản" với thực phẩm là tuổi thọ bình quân của Nhật cao hàng đầu thế giới.

Những lo lắng đó của dân ai sẽ trả lời?

Gần đây có nhiều vụ việc liên quan đến an toàn thực phẩm, khi phát giác ra vụ việc thì rất ầm ĩ, nhưng sau một thời gian vụ việc ấy chỉ còn nhỏ xíu, thậm chí "chìm xuồng".

Với việc acid benzoic trong tương ớt cũng vậy, ai cũng lo lắng, vì nhiều gia đình Việt Nam đang có chai tương ớt tương tự hàng vừa bị thu hồi trong bếp.

Xử lí ra sao để đảm bảo cho sức khỏe người tiêu dùng, làm sao để người Việt bớt lo lắng về những nguy cơ với sức khỏe của mình?

Câu hỏi này xin gửi đến Bộ Y tế. Và có thể đây cũng là dịp rà soát lại danh mục phụ gia để tránh những bất hợp lí, cùng là thành viên Codex mà Nhật Bản không cho phép acid benzoic trong tương ớt, còn Việt Nam lại cho!

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.