Tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ vẫn ở mức thấp

Mặc dù sữa mẹ là thực phẩm hoàn hảo nhất cho trẻ 6 tháng đầu đời, tuy nhiên, ở nước ta chỉ có 19,6% phụ nữ cho con bú hoàn toàn trong giai đoạn quan trọng này. Bên cạnh đó, tỉ lệ nuôi con bằng sữa mẹ còn có sự khác biệt giữa các vùng miền ở nước ta.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia sẽ giúp độc giả hiểu rõ hơn tình hình nuôi con bằng sữa mẹ ở Việt Nam và sự cần thiết cũng như hậu quả khi trẻ không được bú sữa mẹ.

ty le nuoi con bang sua me van o muc thap
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia. (Ảnh: NVCC)

- Xin PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cho biết, tình trạng nuôi con bằng sữa mẹ ở nước ta đang diễn ra như thế nào?

Tình hình nuôi con bằng sữa mẹ hiện nay ở mức rất là thấp, chỉ 19,6%. Chúng tôi nhận thấy rằng, nhận thức của bà mẹ về vai trò của sữa mẹ có vẻ là cao, nhưng trên thực tế, việc thực hành cho bú sớm hay bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu trong một số năm gần đây không có cải thiện, không tăng lên, thậm chí là giữ nguyên.

- Vậy nguyên nhân nào khiến việc nuôi con bằng sữa mẹ ở nước ta lại thấp như vậy?

Nguyên nhân chính mà bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ thấp là do nhiều bà mẹ còn thiếu kiến thức và thực hành cho con bú sớm, bú đúng cách. Bên cạnh đó, nhiều bà mẹ cũng có sự tác động của các sữa công thức. Nhiều bà mẹ nhận thức không đúng và cho rằng, sữa công thức tốt nên không cho con bú sữa mẹ liên tục. Điều này ảnh hưởng đến việc không thành công khi nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời.

-Tỷ lệ nuôi còn bằng sữa mẹ ở mức thấp, chỉ có 19,6%, vậy thì có sự khác nhau giữa các vùng miền?

Tôi nghĩ rằng có sự khác nhau giữa các vùng miền. Ở những vùng sâu, vùng xa khi kinh tế còn khó khăn, các bà mẹ không có tiền mua sữa công thức mà chỉ có sữa mẹ. Các bà mẹ cho con bú sữa mẹ hoàn toàn nên tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ sẽ cao hơn ở khu vực thành phố và thị xã. Vì ở thành thị, các bà mẹ có nhiều sự lựa chọn, có nhiều thông tin tác động của các doanh nghiệp sữa nên đã chọn sữa công thức cho con mình. Bên cạnh đó, các bà mẹ ở khu vực thành phố cũng phải đi làm sớm hơn, cuộc sống cũng căng thẳng hơn. Khi trở lại làm việc, bà mẹ cũng căng thẳng và giảm tiết sữa.

- Thực tế thì nhiều phụ nữ ở thành phố lo lắng khi cho con bú bằng sữa mẹ sẽ ảnh hưởng đến vóc dáng. Điều này có đúng hay không thưa PGS.TS Nguyễn Thị Lâm?

Khi phụ nữ sinh con, nuôi con bằng sữa mẹ đấy là thiên chức. Có nghĩa là, khi chúng ta đã sinh con ra thì phải cho con bú. Việc giữ được vóc dáng hay không thì không phụ thuộc vào việc cho con bú mà chủ yếu là do sau khi bà mẹ cho con bú thì chế độ dinh dưỡng, luyện tập, nghỉ ngơi như thế nào. Cho con bú không ảnh hưởng đến vóc dáng cũng như việc làm đẹp của người mẹ sau này.

ty le nuoi con bang sua me van o muc thap
Cho con bú không ảnh hưởng đến vóc dáng như nhiều bà mẹ vẫn nghĩ. (Ảnh: Bé yêu)

- Vậy, PGS.TS Nguyện Thị Lâm có thể cho biết, những vấn đề gặp phải khi nuôi con bằng sữa mẹ?

Khi nuôi con bằng sữa mẹ thì các bà mẹ cũng gặp nhiều khó khăn khi cho con bú. Ví dụ như mẹ quá ít sữa trẻ sẽ không chịu bú. Trẻ cũng không bú trong trường hợp mẹ quá nhiều sữa, các tia sữa phun mạnh, trẻ cũng từ chối không chịu bú sữa mẹ.

Bà mẹ đầu ti quá to nên trẻ không ngậm bú được, hoặc là đầu ti bị tụt vào trong, trẻ không có chỗ nào để bú cả cũng ảnh hưởng đến việc nuôi con bằng sữa mẹ. Ngoài ra, vú của bà mẹ bên to, bên nhỏ nên bên nào nhiều sữa quá trẻ cũng không bú hoặc ít sữa quá trẻ không bú. Khi trẻ chỉ bú một bên vú, bên kia sẽ bị tắc làm cho vú mẹ bị tắc tia sữa hoặc mẹ bị áp xe vú do tắc tuyến sữa.

Một vấn đề nữa là mẹ quá nhiều sữa nên bị chảy suốt ngày, đó cũng là điều bất tiện cho các bà mẹ. Mẹ bị viêm núm vú, tuyến vú bị viêm, chảy máu đầu vú hoặc là nứt núm vú, nứt chân chim.

Đó là những bất tiện, khó khăn của bà mẹ trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ. Chính vì vậy, các bà mẹ cũng nên học hoặc tìm hiểu những kiến thức về nuôi con bằng sữa mẹ để biết cách xử lý khi gặp phải những vấn đề trên.

ty le nuoi con bang sua me van o muc thap
(Ảnh: HypeScience)

- Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sức khỏe của trẻ. Vậy, nếu trẻ không được bú sữa mẹ đầy đủ thì sẽ dẫn đến những hậu quả gì?

Trong sữa mẹ còn có các yếu tố miễn dịch. Khi không được bú sữa mẹ, trẻ phải ăn sữa ngoài thì khả năng miễn dịch của trẻ sẽ kém, dễ mắc bệnh. Những trẻ không được bú sữa mẹ thì dễ bị dị ứng, hen phế quản nhiều hơn những trẻ được bú sữa mẹ. Về lâu dài, đến tận tuổi trưởng thành, những trẻ không được bú sữa mẹ, ăn sữa công thức quá sớm thì dễ mắc thừa cân, béo phì, dễ mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường; một số bệnh ung thư cũng gia tăng ở những trẻ không được bú sữa mẹ.

- PGS.TS Nguyễn Thị Lâm có thể đưa ra những lời khuyên nào dành cho các bà mẹ trong vấn đề nuôi con bằng sữa mẹ?

Hiện nay, tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ ở Việt Nam đang thấp, tôi khuyên các bà mẹ phải có kiến thức đầy đủ về tầm quan trọng của sữa mẹ trong nuôi dưỡng 1.000 ngày đầu đời của trẻ. Việc này rất quan trọng đối với sự tăng trưởng, phát triển của trẻ sau này. Các mẹ cần tìm hiểu những kiến thức và học cách cho con bú đúng cách để khi sinh con ra, mẹ không có lúng túng, biết cách cho con ngậm bắt vú đúng.

Bên cạnh đó, các bà mẹ cũng phải kết hợp với phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng trong thời gian mang thai cũng như sau sinh, bởi vì sau sinh nhiều bà mẹ vẫn thiếu máu, thiếu sắt, thiếu vi chất dinh dưỡng.

Các bà mẹ cũng nên có chế độ ăn bồi dưỡng đúng cách để đảm bảo được các chất dinh dưỡng cung cấp cho sữa mẹ thì sữa mẹ mới chất lượng, trẻ bú sữa mẹ mới khỏe mạnh được. Khi trẻ tròn 6 tháng thì các bà mẹ có thể tập cho con ăn bổ sung, lúc này vẫn duy trì cho con bú sữa mẹ nhưng cũng phải học cách cho ăn bổ sung đúng cách để con phát triển toàn diện, đảm bảo nuôi dưỡng 1.000 ngày đầu đời cho con được khỏe mạnh.

Xin cảm ơn những chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Thị Lâm!

ty le nuoi con bang sua me van o muc thap Vi khuẩn kháng thuốc - đã có ‘thần dược’ sữa mẹ
ty le nuoi con bang sua me van o muc thap Những tác hại của sữa công thức mà bố mẹ không hề hay biết
chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.