“Sinh bé thứ nhất, do tôi chưa có kinh nghiệm nên bé vẫn phải dùng thêm sữa công thức song song với sữa mẹ từ tháng thứ 6. Nguyên nhân là do tôi bị cảm lạnh, sốt 40 độ, ngất xỉu. Sau lần đó, lượng sữa ít hẳn và không đủ đáp ứng nhu cầu của con.
Từ khi mang thai lần thứ 2, tôi đã quyết định sẽ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn, giống như một món quà dành cho con và cũng là cuộc thử sức đối với mình”.
Đó là những tâm sự chân thành của chị Đặng Nga My làm giáo viên tại Hà Nội. Chị là bà mẹ hai con trong đó một bé được 2 tháng tuổi.
Chị Đặng Nga My. |
Chị bắt đầu tìm hiểu kiến thức nuôi con bằng sữa mẹ từ khi mang thai bé đầu lòng vào năm 2013. Chị tham gia lớp học tiền sản tại bệnh viện đăng kí sinh. Tại đây, chị không chỉ được trang bị đầy đủ kiến thức về mang thai, sinh nở mà còn bước đầu hình thành khái niệm nuôi con bằng sữa mẹ, cách chăm sóc và bảo vệ nguồn sữa, cho con bú đúng cách và bảo quản sữa để duy trì và kéo dài thời gian cho con bú. Chị cũng nhận ra được giá trị của nguồn sữa tự nhiên quý giá này và được củng cố thêm sự tự tin trong quá trình sinh nở và nuôi con. Mặt khác, chị tự tìm hiểu kiến thức nuôi con bằng sữa mẹ qua các kênh khác như sách báo, hội nhóm mạng xã hội để tự tích lũy kinh nghiệm.
Bà mẹ 9X và bé thứ hai. |
Bà mẹ Hà Nội kể: “Ngày đầu tiên sau sinh, bé chưa bú nhiều mà chỉ ngủ. Cơ thể còn đau đớn, mệt mỏi sau khi vượt cạn nhưng tôi vẫn gượng ngồi dậy hút sữa. Ngày thứ hai xuất viện về nhà, sữa chưa về, bé khóc vì đói, cả nhà cuống quýt lo lắng. Vượt qua cơn đau co dạ con, đau vết khâu tầng sinh môn, đau lưng do gây tê ngoài màng cứng, tôi vẫn kiên trì cho con bú, hút sữa đúng cữ. Đầu ti sưng rộp, rướm máu đến nỗi mỗi lần con bú là nước mắt lã chã, nghiến răng vì đau.
Ngày thứ 3, tôi sốt 38,5 độ vì tắc tia sữa. Tôi thức trắng cả đêm để tự massage ngực, chiếu đèn hồng ngoại, hút sữa… vì lo lắng ngực bị áp xe. Cả nhà nấu nướng các món ăn hỗ trợ thông tia sữa.
Ngày thứ 4, sữa về ào ạt, con bú no nê say giấc ngủ còn mẹ thì khốn khổ vì mồ hôi đầm đìa (người ta gọi là nực sữa). Hai bầu ngực căng cứng vì sữa về quá nhiều, chảy ướt áo, ga giường, chỗ nào cũng sữa. Đêm khuya tôi cũng phải đặt báo thức lọ mọ dậy hút sữa, thèm một giấc ngủ 5,6 tiếng”.
Bà mẹ 9X cho rằng, người mẹ có đủ sữa cho con bú hay không 50% do yếu tố di truyền và 50% do các yếu tố ngoại quan khác. Chị tự thấy bản thân may mắn vì được thừa hưởng gen “tốt sữa” từ mẹ và bà ngoại. Ngoài ra chị luôn cố gắng duy trì ăn uống và sinh hoạt để tạo điều kiện thuận lợi cho cơ thể tiết sữa.
Chị My khẳng định nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ là hành trình gian nan. |
Sữa được trữ trong túi zip. |
Về chế độ ăn, ngay từ khi mang thai chị My đã tìm hiểu và soạn sẵn danh sách những món nên ăn và không nên ăn chuẩn bị cho tháng ở cữ. Đảm bảo bữa ăn đầy đủ chất, giàu đạm và protein, chất xơ và khoáng, tinh bột vừa đủ, ưu tiên thực phẩm giàu dinh dưỡng: thịt bò, trứng, sữa và chế phẩm sữa, cá, tôm... Chị uống khoảng 2-3 lít nước, 500ml sữa, 1-2 quả dừa hoặc 500ml nước đậu đen chưa kể canh…
Bà mẹ hai con chia sẻ: “Về chăm sóc cơ thể, tôi không ủng hộ quan điểm kiêng tắm gội khi ở cữ. Cơ thể sạch sẽ, thư thái, mẹ mới có thể chăm sóc tốt cho con. Đồng thời gạt bỏ mọi chuyện không liên quan đến em bé trong thời kì mang thai và nuôi con bằng sữa mẹ. Các mẹ cần giữ tinh thần lạc quan, tự tin, buông bỏ những phiền muộn. Mặc dù biết rằng cuộc sống không tránh khỏi những lúc khó khăn, áp lực từ công việc, các mối quan hệ gia đình… nhưng hãy đặt con lên trên tất cả. Điều này vừa giúp mẹ tránh xa chứng trầm cảm sau sinh, vừa giúp cơ thể sản sinh hoocmon có lợi cho sức khỏe và việc tiết sữa”.
Bà mẹ hai con trữ được 108 lít sữa trong 2 tháng sau sinh. |
Chị Nga My dùng máy hút sữa điện đôi. Những ngày đầu sau sinh sữa chưa về hoặc tắc tia sữa, chị vẫn kiên trì massage, cho bé bú hoặc hút sữa 2 tiếng một lần. Trong tháng đầu tiên sau sinh, chị hút sữa theo các cữ: 2h, 4h, 6h, 9h, 12h, 15h, 18h, 21h, 24h. Từ tháng thứ hai trở đi, các cữ hút sữa là: 2h, 6h, 9h, 12h, 16h, 20h, 24h hoặc có thể hơn nếu mẹ căng sữa mà bé đã bú no. Các tháng sau, lượng sữa giảm đi do hoocmon sinh sản suy giảm, thời gian giữa các cữ xa hơn, số cữ trong ngày ít hơn nhưng vẫn đảm bảo cho bé bú theo nhu cầu.
“Tôi sử dụng máy tiệt trùng dụng cụ hút sữa bằng hơi nước. Vệ sinh bầu ngực bằng khăn ấm. Trước khi hút, tôi uống một cốc nước ấm hoặc sữa ấm. Xoa hai tay vào nhau cho nóng rồi massage ngực khoảng 5 đến 15 phút. Nếu có các hạch sữa cứng thì phải dùng tay day trực tiếp.
Thời gian hút sữa không cố định. Trong khi hút, tôi xem ti vi, lướt facebook, nói chuyện với người nhà… không chăm chăm chú ý vào bình sữa. Thậm chí, cữ đêm tôi còn vừa ôm máy hút sữa vừa ngủ gà ngủ gật. Sau khi hút, tôi luôn ăn nhẹ để bổ sung năng lượng như hoa quả, sữa chua…
Tuyệt đối không để bụng đói, dạ khát mà cố hút sữa, đó là sự tra tấn với cơ thể mẹ. Trong thời gian cho con bú, tôi hạn chế những việc khiến cơ thể mệt mỏi như lao động nặng, di chuyển xa hay ra ngoài khi trời nắng gắt, lạnh giá, mưa…”, bà mẹ 9X cho biết.
Chị phải mua một chiếc tủ lạnh lớn để bảo quản sữa. |
Hiện tại, con không chỉ bú no nê mà chị Nga My tích trữ được 108 lít sữa, thậm chí còn phải đặt mua một chiếc tủ lạnh lớn để bảo quản. Bà mẹ hai con khẳng định nuôi con bằng sữa mẹ là cuộc hành trình gian nan. Đó là những lần vừa ngủ gà ngủ gật vừa cho con bú hay hút sữa, là sự chán ngán những món ăn “ bà đẻ” lặp đi lặp lại, là phải tạm gác lại những váy áo thời trang, là bận rộn không ngày nghỉ, không có thời gian dành cho bản thân, cho bạn bè…
“Nhưng sự hi sinh ấy tôi hoàn toàn mãn nguyện vì con được vỗ về bởi nguồn sữa tự nhiên. Tuy nhiên, nếu một người mẹ không đủ sữa không có nghĩa là không hoàn thành trách nhiệm với con cái. Làm cha mẹ, chúng ta luôn cố gắng dành những điều tốt đẹp nhất cho các con trong khả năng của mình. Nuôi con bằng sữa mẹ là lựa chọn không phải tiêu chí đánh giá. Hãy tự tin rằng việc trang bị kiến thức đầy đủ và kiên trì theo đuổi mục tiêu sẽ giúp ích rất nhiều trong quá trình đầy gian nan và cũng thật hạnh phúc này”, chị Nga My bày tỏ.
XEM THÊM
'Yêu sữa mẹ nhưng không cuồng hay thần thánh hóa quá mức'
Chị Ngọc Mai khẳng định, chị yêu sữa mẹ nhưng không cuồng hay thần thánh hóa quá mức. |
Nhà văn Lê Nguyễn Nhật Linh: 'Sữa mẹ là tốt nhất nhưng không nên tẩy chay sữa công thức'
Nhà văn Lê Nguyễn Nhật Linh khẳng định sữa mẹ là tốt nhất cho con nhưng không nên tẩy chay sữa công thức. |
Bí quyết kích sữa của bà mẹ 10 ngày sau sinh không có một giọt sữa nào
Chị Lê Thị Thùy Vân chia sẻ kinh nghiệm kích sữa, trữ sữa và rã đông để giữ được trọn vẹn chất dinh dưỡng. |
Những sai lầm khi kích sữa các bà mẹ phải tránh
Bác sĩ Thùy Linh chỉ ra những sai lầm khi kích sữa các mẹ phải tránh. |
Khi bị tắc sữa, mẹ hãy làm ngay những điều này
Chị Nguyễn Mỹ Linh sinh năm 1989 chia sẻ bí quyết để xử lý khi bị tắc tia sữa. |
Đô thị 17:38 | 11/03/2020
Lối sống 13:10 | 18/05/2019
Lối sống 10:50 | 25/04/2019
Lối sống 11:00 | 18/07/2018
Lối sống 07:03 | 25/06/2018
Lối sống 09:05 | 28/02/2018
Lối sống 03:20 | 27/02/2018
Lối sống 07:53 | 23/02/2018