Chùm ảnh bảy sắc cầu vồng độc đáo thay lời ủng hộ cộng đồng LGBT |
Dù tất bật với công việc chuẩn bị cho hành trình du học bên Nga sắp tới nhưng Ngọc Minh Châu (SN 1999, cựu học sinh chuyên Sinh trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An) vẫn luôn trăn trở về những dự án dang dở dành cho cộng đồng LGBT.
Ngọc Minh Châu. (Ảnh: Mai Linh). |
Với dự án “Vận đồng quyền LGBT trong truờng THPT Chuyên”, Ngọc Minh Châu đã nhanh chóng trở thành cái tên có “tiếng” với cộng đồng khi là một đồng minh LGBT còn rất trẻ tuổi. Ở cô gái mới bước sang tuổi 18 này, đó còn là khát khao được chung một sức nhỏ vào phong trào vận động quyền LGBT, là ước mơ lấp đầy lỗ hổng kiến thức về đa dạng tính dục cho những bạn học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường.
Từ ước mơ trở thành một nhà hoạt động quyền
Chặng đường để đến những hoạt động về cộng đồng LGBT với Châu bắt đầu từ năm 2014, thời điểm em đặt chân vào trường chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An. Trước đó, cô gái nhỏ bé này từng định hướng cho mình trở thành một nhà hoạt động quyền của trẻ em và phụ nữ ở châu Phi.
“Có thể mọi người sẽ thắc mắc là tại sao em lại không chọn cho mình là làm điều đó ở Việt Nam hay những quốc gia gần mình? Có lẽ là bởi từ nhỏ được xem qua những phóng sự, những câu chuyện được bố, mẹ kể lại. Hay chính những hình ảnh về điều đó khiến bản thân em định hướng sẽ hoạt động ở châu Phi.” – Châu chia sẻ.
Thế nhưng, khi học tập tại chính ngôi trường chuyên đáng tự hào, Châu lại tận mắt chứng kiến một thực tế đau lòng, đó là sự kì thị đang diễn ra khá phổ biến với những bạn là người LGBT hay được cho là có biểu hiện của người LGBT.
Minh Châu (ngoài cùng bên trái) cùng các bạn. (Ảnh: NVCC). |
Mặc dù những thông tin về người LGBT ở thời điểm đó không hẳn là quá ít, song chính bản thân Châu cũng chưa hiểu rõ thực sự “người LGBT là người như thế nào, họ có phải là trào lưu không…” Những câu hỏi xoay quay trong tâm trí của cô gái 9x mỗi ngày đã trở thành động lực để thôi thúc Châu tìm hiểu “sự thật đằng sau 4 chữ LGBT”.
Hành trình tìm hiểu về người LGBT
Trăn trở trước vấn nạn bạo lực học đường với người LGBT, Châu đã bắt đầu hình thành nên những ý tưởng “cần phải thay đổi tận gốc rễ của vấn đề: đó là sự thiếu kiến thức dẫn tới sự kì thị”.
Tuy nhiên, để có thể giải quyết được nạn bạo lực học đường, Châu tự nhủ “chính bản thân mình cần phải có một nền tảng vững chắc về kiến thức trước”.
Châu nói: "Không phải là bắt tay vào làm những dự án ngay lập tức, em bắt đầu tìm hiểu về kiến thức LGBT. Sau đó, em nghiên cứu sâu về cách thức hoạt động và tổ chức để tạo nên những dự án mang lại sự hiện diện cũng như tiếng nói bình đẳng thực sự đối với nhóm LGBT”.
Để có thể tìm kiếm tư liệu, Châu không ngần ngại dành khoảng trống thời gian để nhắn tin, email cũng như sử dụng mọi hình thức để kết nối với các tổ chức, các nhóm thầy cô ủng hộ, những người bạn trong cộng đồng để thu thập dữ liệu.
Châu tham dự Hội thảo LGBTIQ toàn quốc. (Ảnh: ICS). |
Mọi việc ngỡ tưởng sẽ khó khăn đối với một cô học sinh cấp 3, nhưng với Châu, đây chính là thời điểm dễ dàng để tiếp cận cũng như thực hiện hóa mọi vấn đề còn trăn trở.
“Vì em vẫn còn là học sinh nên việc vận động quyền trong trường học là một điều dễ dàng hơn so với những hoạt động ngoài. Hơn nữa, được học ở một ngôi trường chuyên, đặc biệt là trường Chuyên Phan Bội Châu - Nghệ An, em cảm thấy bản thân mình được nhận quá nhiều những ưu tiên kể cả về vật chất lẫn nên giáo dục ở đây.”
Ban đầu, Châu quyết định triển khai mang dự án “Trường học cầu vồng” vào chính ngôi trường của mình đang theo học. Khó khăn mà Châu lo lắng nhất là phản ứng của học sinh cũng như của các thầy cô giáo trong trường.
Chia sẻ lại về hành trình đó, cô gái xứ Nghệ nói: “Ngay khi em tuyên truyền cũng như kêu gọi các bạn về vấn đề LGBT thì trong lớp em hầu hết các bạn đồng ý với cách nhìn nhận mới về LGBT. Một bộ phận nhỏ không có sự kì thị mà các bạn ấy bày tỏ rằng: ‘Mình không kì thị nhưng đôi lúc một số người LGBT cũng có biểu hiện khiến mình thấy sợ’. Lúc đó, em chỉ cười và bảo: ‘Ngay cả người dị tính cũng có những biểu hiện như thế! Không sao cả, họ cũng như chúng ta, chỉ là có biểu hiện hơi thái quá mà thôi.’
Đối với thầy cô thì có một cô ban đầu phản đối đề xuất dự án “Trường học cầu vồng” vì sợ ảnh hưởng đến danh tiếng của trường. Cô giáo cũng có rất nhiều thắc mắc về vấn đề nhận thức cũng như giới tính của em. Tuy nhiên, em nghĩ đó là phản ứng tự nhiên. Điều quan trọng mình phải kiên trì giải thích.
Chính vì vậy, em đã tiếp tục trao đổi và cung cấp tài liệu cho các thầy cô. Cuối cùng, các thầy cô đã chấp nhận và ủng hộ, cho phép em đưa dự án vào trường để thực hiện.
Châu tự tin trình bày dự án của mình tại Hội thảo LGBTIQ toàn quốc 2017. (Ảnh: ICS). |
Dự án được hoàn thành nhanh chóng và nhận được kết quả đáng mong đợi cũng là nhờ thầy giáo chủ nhiệm của em, người dạy bộ môn sinh học. Vì dạy sinh học nên cách nhìn nhận của thầy đối với cộng đồng LGBT ngay từ lúc đầu là không có bất cứ một sự kì thị nào. Thầy đã ủng hộ và động viên giúp đỡ em rất nhiều”.
Sau một khoảng thời gian tưởng chừng như khó khăn khi đưa chương trình “Trường học cầu vồng” vào trong trường, cuối cùng, Châu đã nhận ra một điều: “Bất kỳ trường học nào cũng cần kiến thức về LGBT chỉ có điều vẫn còn những rào cản khiến mọi người còn lăn tăn. Điều quan trọng nhất là phải chứng minh cho các thầy cô và học sinh hiểu, LGBT là gì.”
Lan tỏa sắc cầu vồng trên khắp các trường chuyên
Tiếp nối sự thành công của dự án “Trường học cầu vồng”, Châu mong muốn lan tỏa hơn nữa các chương trình về đa dạng tính dục đến tất cả các trường. Xuất phát điểm từ học sinh chuyên, Châu định hướng dự án của mình hướng tới những “hạt giống” là các trường cấp 3 đứng đầu tỉnh.
Theo Châu, “Không phải mỗi trường THPT chuyên Phan Bội Châu của em mới nhận được cái ưu ái đó, mà tất cả các trường khác, đặc biệt là trường chuyên hay trường năng khiếu. Vì ở trường chuyên, mọi vấn đề, đề xuất nhỏ nếu đưa lên thì được cân nhắc , xử lí rất nhanh và hầu hết đều được thông qua. Chính vì thế mà em nghĩ rằng, tập trung chương trình LGBT vào các trường chuyên thực sự rất hiệu quả. Hơn nữa, các bạn học sinh ở trường chuyên thì hầu hết cũng là những người rất năng động và có cái nhìn sâu sắc hơn về vấn đề giới tính. Các thầy cô nơi đây cũng vậy.”
Tháng 3 vừa qua, tại Hội thảo LGBT toàn quốc 2017, Châu đã trình bày dự án “Vận đồng quyền LGBT trong truờng THPT Chuyên” và nhận được sự đánh giá cao từ phía thành viên trong cộng đồng LGBT. 18 tuổi, Châu đã có những ý tưởng táo bạo mà không phải bất kỳ học sinh nào cũng có thể làm được.
Cô bạn mong muốn sẽ kết nối những người LGBT Việt tại Nga. (Ảnh: Mai Linh). |
Ở thời điểm này, Châu cũng nhận được học bổng toàn phần sang Nga du học. “Lúc nghe tin được nhận học bổng, em không biết nên mừng hay lo. Bởi khi sang Nga du học, dự án của em sẽ dang dở.”
Tuy nhiên, sau một khoảng thời gian suy nghĩ, Châu cho rằng: “Ban đầu em từng nghĩ mình sẽ gác lại tất cả các hoạt động về quyền LGBT lại. Vì bản thân mình nhỏ bé thế này thì làm sao có thể làm được điều gì đó ở một đất nước vẫn còn chưa cởi mởi với người LGBT.
Nhưng khi chuỗi sự kiện Hà Nội Pride diễn ra, có một điều gì đó đang thôi thúc em. Em chuyển sang một hướng nghĩ khác là mình có nên kết nối cộng động, những bạn đang sống và làm việc âm thầm ở bên đó lại để tạo được cái ấm áp. Điều đó cũng tránh cho các bạn cảm thấy bơ vơ, nhỏ lẻ giữa một đất nước rộng lớn như thế. Sự kết nối qua các buổi trò chuyện cũng sẽ làm dịu đi sự cô đơn, nỗi buồn của các bạn trẻ.”
Gần 3 năm tích cực tham gia các hoạt động quyền LGBT, với Châu, có lẽ điều may mắn nhất mà cô bé không thể không nhắc tới, đó là sự ủng hộ của cả gia đình. “Bố mẹ em cho phép các con được thoải mái làm điều mình đam mê, yêu thích nên không phản đối, miễn là nó không phạm pháp luật. Và bố mẹ, anh chị em biết việc em đang làm là gì, nên họ rất vui. Mọi người chưa hiểu nhiều về cộng đồng LGBT nên khi có những video, bộ phim em mời cả nhà xem chung. Cả gia đình đều vui vẻ và ủng hộ.”
Hành trình dự VietPride 9 tỉnh cùng hơn 4.000 bức ảnh của chàng nhiếp ảnh gia đồng tính
Một chặng đường dài của VietPride kết thúc cũng là thời điểm chàng nhiếp ảnh gia đồng tính khép lại hành trình đầy đáng nhớ của ... |
Bộ ảnh 'Em trai mưa' và thông điệp 'hãy là chính mình' của chàng đồng tính 9X
Mới đây, bộ ảnh 'Em trai mưa', phiên bản đam mỹ cover MV "Em gái mưa" của chàng trai đồng tính 9x đã nhanh chóng ... |