Vaccine ngừa Covid -19 đầu tiên do Mỹ sản xuất đã xuất xưởng

Một công ty sinh học của Mỹ đã xuất xưởng lô vaccine Covid - 19 đầu tiên, và sẽ tiến hành thử nghiệm trên người trong vài tuần tới.

Nước Mỹ sắp thử nghiệm vaccine Covid-19 trên người 

Moderna Therapeutics, một công ty sinh học có trụ sở tại Cambridge, bang Massachusett, Mỹ cho biết đã xuất xưởng những lô vaccine Covid - 19 đầu tiên. Loại vaccine này được tạo ra chỉ trong vòng 42 ngày, sau khi các nhà nghiên cứu Trung Quốc công bố trình tự gen của virus Covid - 19, còn được gọi là SARS - CoV - 2. 

Theo đó, các lọ vaccine đầu tiên sẽ được gửi đến viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIAID), và một phần sẽ được chuyển đến Viện Y tế quốc gia Hoa Kỳ (NIH), để sẵn sàng tiêm thử nghiệm trên người vào đầu tháng 4.

Lô vaccine Covid - 19 đầu tiên của Mỹ đã xuất xưởng - Ảnh 1.

Một công ty sinh học của Mỹ đã xuất xưởng lô vaccine Covid - 19 đầu tiên, sẽ tiến hành thử nghiệm trên người trong vài tuần tới. (Ảnh: AFP).

Vaccine Covid -19 của hãng Moderna được phát triển trong thời gian kỉ lục, bởi nó dựa trên một phương pháp di truyền tương đối mới, không đòi hỏi phải nuôi cấy một lượng lớn virus. Thay vào đó, vaccine được tạo ra từ mRNA, một vật liệu di truyền từ DNA có khả năng tạo ra protein. 

Moderna đã đưa vào vaccine mới những mRNA được thiết kế để tạo ra protein của chủng virus corona mới. Sau khi vaccine được tiêm vào cơ thể, các tế bào miễn dịch có thể nhận diện và tiêu diệt virus.

“mRNA giống như một phần mềm trong công nghệ sinh học. Vì vậy, việc điều chế vaccine của chúng tôi thực sự giống như viết code một chương trình phần mềm cho cơ thể. Từ đó tạo ra các protein có thể kích hoạt phản ứng miễn dịch”, Tiến sĩ Stephen Hoge, Chủ tịch Moderna, nói với tạp chí TIME. 

“Điều đó có nghĩa là vaccine này có thể được nhân rộng nhanh chóng, tiết kiệm thời gian trước một dịch bệnh mới như Covid - 19, đang lan rộng và giết chết hàng ngàn người”, vị Chủ tịch hãng công nghệ sinh học cho biết thêm.

Các nhà khoa học tại NIH cũng đang thử nghiệm loại thuốc chống virus Covid - 19 có tên là remdesivir trên một người bệnh đã nhiễm Covid - 19, thuốc được phát triển dựa trên loại thuốc điều trị dịch Ebola.

Remdesivir cho kết quả đáng khích lệ trong những lần thử nghiệm trên động vật, với hai loại virus  cùng họ là SARS và MERS. Thuốc cho thấy một số hiệu quả trong việc giữ  nồng độ SARS - CoV - 2 trong máu không tăng lên, có thể giúp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Lô vaccine Covid - 19 đầu tiên của Mỹ đã xuất xưởng - Ảnh 2.

Tốc độ chưa từng có này được giải thích là nhờ vào phần lớn những nỗ lực ban đầu của Trung Quốc trong việc giải mã gen virus SARS - CoV - 2. (Ảnh: EPA).

Đây là lần đầu tiên một loại thuốc chống virus corona chủng mới được thử nghiệm trên người, dưới sự kiểm soát của một nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm y tế Đại học Nebraska.

Bệnh nhân tình nguyện tham gia nghiên cứu đột phá này là một hành khách trên tàu Princess Diamond, được đưa trở lại Mỹ sau khi xét nghiệm dương tính với Covid - 19. Những bệnh nhân nhiễm Covid -19 đã nhập viện cũng sẽ tham gia quá trình thử nghiệm này.

Người tình nguyện sẽ được chỉ định ngẫu nhiên để nhận thuốc hoặc được tiêm tĩnh mạch trong 10 ngày. Họ sẽ được xét nghiệm máu, lấy dịch tiết mũi họng trong hai ngày để theo dõi lượng virus trong cơ thể.

Theo tờ The Guardian, đến nay đã có khoảng 35 công ty và tổ chức y tế trên thế giới đang chạy đua với thời gian để tạo ra một loại vaccine chống lại virus Covid - 19. Và ít nhất 4 tổ chức trong số đó đã chế tạo thành công, đang tiến hành thử nghiệm trên động vật.

Tốc độ chưa từng có này được giải thích là nhờ vào phần lớn những nỗ lực ban đầu của Trung Quốc trong việc giải mã gen virus SARS - CoV - 2. Trung Quốc đã chia sẻ công khai kết quả nghiên cứu này vào đầu tháng 1/2020, cho phép các nhóm nghiên cứu trên khắp thế giới phát triển virus sống, và tìm hiểu cơ chế virus xâm nhập vào tế bào người, gây nhiễm bệnh.

Dịch Covid -19 bùng phát lần đầu tiên tại Vũ Hán, Trung Quốc tháng 12/2019, đến nay đã lan rộng tới hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến 162.558 người nhiễm và cướp đi sinh mạng của 6.069 người trên toàn thế giới. 

Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới WHO đã phải chính thức tuyên bố Covid - 19 là đại dịch toàn cầu và kêu gọi Chính phủ các nước chung tay đẩy lùi đại dịch này.

chọn
Savills: Giá thuê văn phòng tại Hà Nội từ nay đến 2026 sẽ tương đối ổn định
Giám đốc Savills Hà Nội nhận định trong bối cảnh dự báo tăng trưởng kinh tế và hiệu quả hoạt động của các nhóm ngành trong ba năm tới, giá thuê văn phòng tại Hà Nội sẽ tương đối ổn định.