Tại nhiều địa phương của Trung Quốc, nơi virus corona bùng phát sau những ngày nghỉ Tết, nhu cầu làm việc từ xa được tận dụng triệt để cho người lao động trong bối cảnh giao thông công cộng bị hạn chế.
Theo SCMP, ứng dụng video chat DingTalk đã bị ngừng hoạt động tạm thời do lưu lượng cuộc gọi video bị nghẽn bởi người dùng. Con số 200 triệu lượt người sử dụng ứng dụng này trong một ngày được cho là quá nhiều khi mà trước đó chưa từng xảy ra.
Ngoài DingTalk, WeChat Work, WeLink của Huawei hay Lark của ByteDance cũng gặp tình trạng nghẽn khi gia tăng lượng người sử dụng.
Tại Việt Nam, tình hình chỉ đạo điều trị dịch bệnh do virus corona cũng được Bộ Y tế đưa ra thông qua công nghệ chatbot AI vào phục vụ tuyên truyền. 22 điểm cầu truyền hình tại các bệnh viện lớn trên cả nước cũng đã được đưa vào hoạt động nhanh chóng để công tác điều hành được nhanh chóng.
Các nền tảng mạng xã hội tương tác như Facebook, Zalo, YouTube... thông qua các phần mềm dạy học như Office365 đã được nhiều thầy cô tại trường quốc tế Việt - Úc tải lên để học sinh có thể học tại nhà.
Một số trường học còn đưa thêm sáng kiến khi dùng Facetime kết nối trực tiếp qua Skype cho lớp học để giảng dạy từ xa, nhằm tránh hụt bài so với lịch học thông thường khi nhiều địa phương tiếp tục cho nghỉ 1 tuần sau Tết để phòng tránh dịch bệnh virus corona.
Theo đại diện VNPT, trong thời gian nghỉ học tránh dịch bệnh virus corona, thầy trò các trường có thể dạy và học từ xa, trao đổi sách vở bài giảng, giao bài tập và chấm điểm… trên hệ thống VNPT E-Learning, giải pháp mới vừa được đưa vào khai thác.
Với lượng lớn học viên trên cả nước tham gia cùng đội ngũ giáo viên nhiều kinh nghiệm, giải pháo VNPT E-Learning được đánh giá là phù hợp với tình hình thực tế khi nhiều địa phương đang tiếp tục các công tác phòng tránh dịch virus corona.
Ngoài VNPT, nhiều đơn vị phát triển nền tảng học trực tuyến cũng đưa ra nhiều gói hỗ trợ cho lớp học trong bối cảnh có thể tự học ở nhà.
Cụ thể, đại diện Nền tảng học - thi trực tuyến 789.vn cho biết sẽ tài trợ miễn phí cho giáo viên khối THPT trên toàn quốc mở lớp học online số lượng 30 học sinh cho đến hết năm học 2019 - 2020 nhằm giúp các em có thể học ở nhà trong thời gian chưa đến trường.
Được biết, nền tảng học trực tuyến, đào tạo từ xa đã được nhiều trường áp dụng mạnh trong thời gian gần đây với sự hỗ trợ từ công nghệ. Ngoài các công cụ chuyên sâu, các nền tảng từ YouTube, Facebook, Skype... như giúp cho việc đào tạo trực tuyến thêm tương tác hơn khi học sinh và thầy đều có thể trao đổi với nhau khi cần thiết qua không gian mạng.
So với trước, các nền tảng học trực tuyến không chỉ phù hợp cho lớp dưới vài chục người, mà còn cho giảng đường thông qua group hoặc video từ các ứng dụng miễn phí. Điều này được cho là phương án tối ưu nhất trong việc giảm áp lực khi có những trường hợp khẩn cấp xảy ra.