Dịch sởi đang tấn công những người trưởng thành chưa có kháng thể |
Sáng 21/1, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), cùng đoàn đã có chuyến thị sát công tác phòng chống dịch sởi tại TPHCM. Đoàn đã đi kiểm tra thực tế tại quận Bình Tân ở nơi tập trung nhiều công nhân lao động, có số ca mắc sởi cao và kiểm tra tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, Bệnh viện Nhi đồng 1.
Thực tế kiểm tra tại quận Bình Tân, PGS Trần Đắc Phu không hài lòng với công tác kiểm soát khoanh vùng, xử lý dịch tễ trong cộng đồng.
“Theo thông tin thống kê có rất nhiều trẻ mắc bệnh được khai báo trong quá trình điều trị. Tuy nhiên khi đi kiểm tra thì không tìm được bệnh nhân. Có thể người bệnh khai báo địa chỉ không chính xác hoặc cán bộ y tế khai thác bệnh sử, điều tra dịch tễ chưa làm hết trách nhiệm.
Nếu không giám sát được ca bệnh trong cộng đồng, việc khoanh vùng, xử lý dịch, triển khai công tác thông tin cảnh báo, tuyên truyền sẽ không mang lại hiệu quả”, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng nhấn mạnh.
Trẻ em dưới 5 tuổi là nhóm chịu hậu quả nặng nề do dịch sởi gây ra
Tập trung ở tuyến cuối
Điểm nóng tập trung bệnh nhân mắc sởi đang dồn về các bệnh viện tuyến cuối của thành phố.
Chỉ tình riêng trong ngày 21/1, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới đang điều trị cho hơn 20 bệnh nhi và hơn 30 ca bệnh sởi ở người lớn. Bệnh viện này đã phải dành riêng một khu để tiếp nhận, điều trị bệnh nhân sởi người lớn và trẻ em.
Ôm con gái mới 11 tháng tuổi nằm trên giường điều trị của Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, chị Nguyễn Thị Ph. (36 tuổi, ngụ tại quận 8, TPHCM) cho biết: "Trong khu phố có nhiều trẻ mắc bệnh, bé nhà tôi chưa kịp chích ngừa nên bị nhiễm. Bé có biểu hiện mệt nhiều, khó thở nên đang phải nằm điều trị".
Ông Trần Đắc Phu thăm hỏi một trường hợp người lớn mắc sởi
Còn chị Trần Thị H. (34 tuổi, ngụ tại Đồng Nai) là trường hợp điển hình mắc sởi ở người lớn.
"Tôi chẳng nhớ mình đã chích ngừa hay chưa. Cách đây khoảng 2 tuần, tôi nuôi con bị bệnh ở bệnh viện tỉnh thì thấy người mệt, lên cơn sốt, nổi ban. Bác sĩ xác định tôi mắc sởi nên được chuyển lên Nhiệt Đới điều trị".
TS.BS Lê Mạnh Hùng, Phó giám đốc bệnh viện cho biết: Năm nay, bệnh sởi xuất hiện nhiều ở cả đối tượng người lớn và bệnh nhi. Từ khi xuất hiện những ca bệnh đầu tiên, bệnh viện đã nhận định đây là năm dịch sởi có thể bùng phát theo chu kỳ 4 đến 5 năm một lần, các giải pháp phân loại bệnh, cách li, điều trị đã được chủ động triển khai. Dù chưa để xảy ra ca tử vong nhưng phía bệnh viện phải nỗ lực cứu chữa mới giúp những trường hợp có biến chứng nặng qua được nguy kịch.
Cần có giải pháp để ngăn chặn dịch sởi lây lan trong cộng đồng dịp Tết Nguyên Đán
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh cho hay: “Ngày 21/1 khoa đang tiếp nhận, điều trị cho 30 trẻ mắc sởi, đa số là bệnh nhân nặng, nhiều ca biến chứng viêm phổi.
Đa phần chưa chích ngừa hoặc mới tiêm 1 mũi
Thực tế khai thác bệnh sử chúng tôi ghi nhận, hầu hết bệnh nhi mắc sởi đều chưa được chích ngừa hoặc mới được chích 1 mũi. Nhóm trẻ từ 1 đến 5 tuổi đang là đối tượng bị sởi tấn công.
Hiện bệnh sởi đang lưu hành trên diện rộng, nếu công tác chủng ngừa không được triển khai nhanh để đạt mức độ bao phủ miễn dịch trong cộng đồng, sởi sẽ bùng phát mạnh cho tới khi tất cả đối tượng chưa có kháng thể bị bệnh mới thôi”.
Tình trạng bệnh đông đang gây không ít khó khăn cho bệnh viện tại TPHCM trong việc tiếp nhận, điều trị.
BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế đề nghị Bộ Y tế có giải pháp phân tuyến bệnh nhân hợp lý hơn để giảm tình trạng những ca bệnh không cần chuyển viện nhưng vẫn chuyển hoặc vượt tuyến lên tuyến trên để giảm quá tải bệnh nhân, đảm bảo hiệu quả trong công tác điều trị, hạn chế nguy cơ nhiễm chéo trong các bệnh viện.
Nếu tiêm chủng không đạt độ bao phủ, sởi sẽ tấn công đến khi hết đối tượng chưa có kháng thể mới dừng lại
Tiêm bổ sung vắc xin
Trước tình hình bệnh sởi đang ở mức cao, PGS Trần Đắc Phu đề nghị Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM tập trung các giải pháp tiêm bổ sung vắc xin, tuyên truyền nâng cao ý thức phòng bệnh cho cộng đồng.
Ông đề nghị các bệnh viện: “Dịch đang diễn biến phức tạp, cơ sở điều trị cần đáp ứng tốt khả năng tiếp nhận để bệnh nhân không bị nhiễm chéo; không để bệnh nhân sởi lây cho bệnh nhân khác; không để bệnh nhân khác lây cho sởi; cần bảo vệ nhân viên y tế trước dịch sởi đặc biệt là những người trong độ tuổi sinh sản; đánh giá phân tích về tình hình dịch bệnh để kịp thời ứng phó; tập huấn phòng chống dịch cho nhân viên y tế.
PGS Trần Đắc Phu nhấn mạnh: “Các dịch bệnh khác khi bùng phát còn khống chế được riêng sởi nếu bùng ra khó kiểm soát. Vắc xin ngừa bệnh sởi đang được tiêm hoàn toàn miễn phí, hoặc tiêm dịch vụ chi phí không đáng bao nhiêu nhưng để nhiễm bệnh thì chi phí điều trị rất tốn kém, thậm chí tử vong. Vì sức khỏe của con trẻ và cộng đồng, các bậc phụ huynh cần cho trẻ đi tiêm chủng để tránh nguy cơ mắc sởi.
Ca mắc bệnh sởi tăng gấp 13 lần, Bộ Y tế hướng dẫn cách phòng tránh
Trước tình hình bệnh sởi có chiều hướng gia tăng, Bộ Y tế đã đưa ra một số khuyến cáo để phòng tránh bệnh. |
Trẻ em, người lớn nhập viện hàng loạt, nguy cơ bùng nổ dịch sởi tại TP.HCM
Thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, trong tuần đầu tiên của năm 2019, thành phố ghi nhận 60 ca mắc sởi, ... |
Chuyên gia y tế cảnh báo bệnh sởi bùng phát và cách phòng ngừa
Bệnh sởi thường gặp ở nhóm trẻ chưa được tiêm chủng do chưa đến tuổi tiêm hoặc mắc bệnh khác phải hoãn tiêm hoặc những ... |