VARS: Năm 2023 khắc nghiệt với nhân sự ngành địa ốc, đổi lại thị trường được thanh lọc

Theo Chủ tịch VARS Nguyễn Văn Đính, năm 2023 vừa qua sức khỏe nội tại của doanh nghiệp bất động sản chưa đủ mạnh, khả năng ứng biến với các tình huống thay đổi còn chưa cao. Đây là một năm tương đối khắc nghiệt với nhân sự ngành địa ốc, song cũng là khoảng thời gian thanh lọc giúp thị trường loại bỏ các nhân tố chưa phù hợp.

Báo cáo tổng kết thị trường do Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) công bố mới đây đã chỉ ra, bất động sản là ngành duy nhất có số doanh nghiệp thành lập mới đi lùi trong năm 2023. Bình quân mỗi tháng có khoảng 107 doanh nghiệp địa ốc phá sản.

Tình hình đăng ký doanh nghiệp bất động sản năm 2023 (Nguồn: VARS).

Hầu hết các doanh nghiệp đều phải đối mặt với một hoặc một số kịch bản như phá sản, tạm dừng hoạt động, sa thải nhân viên, thu hẹp quy mô, cắt giảm lương, tái cấu trúc…

Với các doanh nghiệp may mắn còn tồn tại trên thị trường, hầu hết đều xác định tinh thần hoặc là lỗ, hoặc là lợi nhuận có thể giảm tới 80 - 90% so với cùng kỳ các năm trước.

Lực lượng môi giới địa ốc cũng trong tình cảnh tương tự. Số lượng môi giới phải nghỉ việc hoặc làm song song nhiều việc cùng lúc để có thêm thu nhập ngày càng ra tăng.

Hết 6 tháng đầu năm 2023, có đến 30 - 40% môi giới phải nghỉ việc (cả chủ động và thụ động). Đến cuối năm, tình trạng này cơ bản đã ổn định hơn, song vẫn có tới 15 - 25% môi giới tiếp tục phải bỏ nghề.

Quý IV/2023 thị trường ghi nhận sự quay trở lại của một lượng doanh nghiệp và môi giới bất động sản. Tuy nhiên, con số này cũng chỉ bằng khoảng 10% so với số lượng môi giới đã rời thị trường trước đó.

Khoảng 80 - 85% môi giới bỏ nghề đều thuộc nhóm đối tượng mới hoặc tay ngang, chưa có nhiều tích lũy. Các môi giới lâu năm, đã có tích lũy tài chính trước đó đều xác định tinh thần gắn bó chờ thời lên, họ chấp nhận tìm thêm việc mới để chạy song song, chứ chắc chắn không bỏ nghề. 

Số lượng nhân viên của một số doanh nghiệp bất động sản niêm yết (Nguồn: VARS).

Chủ tịch VARS Nguyễn Văn Đính nhìn nhận: "Dù không muốn, song cũng phải thẳng thắn thừa nhận sức khỏe của thị trường suy giảm nghiêm trọng trong năm qua. Rất nhiều doanh nghiệp bất động sản lâm vào cảnh trì trệ, thậm chí đóng cửa, phá sản, ngừng hoạt động. Hàng ngàn môi giới phải bỏ nghề. Đến hiện tại, tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu được cải thiện hoàn toàn.

Sức khỏe nội tại của doanh nghiệp bất động sản chưa đủ mạnh, khả năng ứng biến với các tình huống thay đổi còn chưa cao. 2023 là một năm tương đối khắc nghiệt với nhân sự ngành địa ốc, song cũng là khoảng thời gian thanh lọc giúp thị trường loại bỏ các nhân tố chưa phù hợp". 

Cũng theo ông Đính, 2024 chưa thể là năm bùng nổ, thị trường bất động sản không những chưa thể hoàn toàn thoát ra khỏi các khó khăn mà thậm chí, còn phải đối mặt với những thách thức khó nhằn hơn so với năm 2023. 

Tại báo cáo triển vọng 2024 do Chứng khoán Vietcombank (VCBS) công bố, đơn vị này đưa ra dự báo thị trường sẽ chưa sôi động trở lại trong năm nay. Lý do là bởi cần chờ thêm những động lực về nguồn cung, giải quyết tình trạng lệch pha cung cầu và tiếp cận vốn cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, sự phân hóa mạnh mẽ sẽ bắt đầu thể hiện từ năm 2024 giữa các khu vực, phân khúc và doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn nghiêm trọng về thanh khoản có thể phải chấp nhận rời khỏi thị trường, hoặc chuyển nhượng dần danh mục dự án/ mảng kinh doanh để xử lý các nghĩa vụ nợ.

Các doanh nghiệp quy mô lớn có dự án bị tắc nghẽn về pháp lý, nguồn vốn vẫn tích cực được hỗ trợ để tránh rủi ro nợ xấu và tình trạng dự án treo nhiều năm. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp dự báo sẽ khó khôi phục vị thế và quy mô phát triển dự án như trước đó.

chọn
Lỗ lũy kế của Tập đoàn Đại Dương lên hơn 2.577 tỷ đồng, vẫn đang giải thể hai công ty BĐS
Công ty CP Tập đoàn Đại Dương (MCK: OGC) đã công bố BCTC hợp nhất quý I với kết quả kinh doanh tiếp tục không mấy khả quan.