Không phải ai cũng phù hợp để trở thành một freelancer |
Freelancer – nghề không dành cho típ người thần kinh yếu
Làm việc tự do, môi trường làm việc thoải mái, linh động, chỉ làm việc trực tiếp với khách hàng, không mất thời gian đến công ty, không cần học cách ứng xử “đắc nhân tâm” với đồng nghiệp, làm theo từng công việc được giao phó và nhận lương... đó là những gì mà mọi người nhìn thấy ở một freelancer. Bên cạnh những ưu điểm “nhãn tiền”, freelance là một cách làm việc không dành cho típ người có thần kinh yếu.
Bạn thử tưởng tượng những deadline cần phải hoàn thành, công việc đòi hỏi sự ưng ý tuyệt đối từ phía khách hàng, những khó khăn, vướng mắc khách quan từ công việc mà không nhận được sự hỗ trợ từ cấp trên hoặc đồng nghiệp, kết quả là câu trả lời cuối cùng quyết định việc khách hàng có tiếp tục làm việc với bạn nữa hay không. Nếu bạn đáp ứng đủ các tiêu chí này thì hãy nên lựa chọn con đường trở thành một freelancer.
Thu nhập bấp bênh
Tùy từng công việc cụ thể bạn sẽ có mức thu nhập tương ứng. Công việc của một freelancer phụ thuộc và lượng công việc mà họ nhận, không có phụ cấp hoặc lương cứng. Thu nhập của một việc họ nhận có thể cao nhưng không đồng đều, chia bình quân hàng tháng thì cũng chỉ tương đương một nhân viên làm việc ở văn phòng.
Freelancer sẽ thiệt thòi hơn so với dân văn phòng trong những ngày lễ Tết, vì rất ít khách hàng có tư tưởng tặng quà hoặc thưởng cho freelancer vào những dịp này. Họ cũng không được doanh nghiệp hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội và hưởng các quyền lợi theo luật lao động. Tuy hầu hết freelancer tại Việt Nam không quan tâm đến những vấn đề này nhưng việc họ làm tự do là một yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập.
Hạn chế khả năng giao tiếp
Xu hướng làm việc độc lập khiến các freelancer bị hạn chế kĩ năng giao tiếp |
Do có xu hướng làm việc độc lập, tại nhà, đòi hỏi sự tập trung cao độ nên các freelancer thường ít khi rời khỏi bàn làm việc khi chưa xong deadline, điều này về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến lối sống của họ, trở thành một người khép mình, ít giao tiếp hoặc thậm chí không có nhu cầu giao tiếp với người khác.
Sinh hoạt vô kỉ luật
Không phải freelancer nào cũng rèn luyện được thói quen sinh hoạt lành mạnh, quy củ. Thường họ có xu hướng làm việc khi có cảm hứng hoặc “chạy” deadline. Thời gian còn lại họ có thể ăn chơi vô độ, không tập trung vào bất cứ việc gì và không tuân theo một múi giờ sinh hoạt nào cả.
Sinh hoạt vô kỉ luật dẫn đến tình trạng sức khỏe không ổn định, ảnh hưởng đến hiệu suất công việc là điều hiển nhiên.
Muôn vàn áp lực
Dealine luôn là nỗi ám ảnh của freelancer |
Ngoài những bất cập trong công việc, một freelancer luôn rơi vào trạng thái bị áp lực với nhiều nguyên nhân. Nếu freelancer đã lập gia đình thì gặp nhiều áp lực hơn freelancer độc thân bởi môi trường sống. Không gian, mối quan tâm, các đầu mối công việc, giao lưu với khách hàng, chấp nhận thất nghiệp khi không nhận được việc, giảm giá để cạnh tranh với các freelancer khác, tự nâng cấp kĩ năng chuyên môn của bản thân để đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
Tất cả những yếu tố trên khiến những người lựa chọn con đường làm việc tự do cảm thấy mệt mỏi và dễ bị mất phương hướng. Vì thế, nếu muốn trở thành một freelancer, bạn cần phải lường trước những khó khăn mà nghề này gặp phải để chủ động trong quyết định của mình.
Diệu Hoa