Mỗi lần đi máy bay, hẳn bạn sẽ phải nhớ mã hiệu chuyến bay của mình rất kĩ, để kiểm tra thời gian cất cánh, cũng như nghe các thông báo liên quan. Vậy bạn có bao giờ thắc mắc chuyến bay của mình được “đặt tên” như thế nào không?
Tại Việt Nam, các chuyến bay do Vietnam Airlines khai thác thường có mã số bắt đầu bằng VN, còn Vietjet Air là VJ. Hai kí tự này được Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cấp cho các hãng hàng không. Tuy nhiên, các hãng cũng có thể sử dụng mã của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) với 3 kí tự.
Tất nhiên, mỗi hãng sẽ có 2 kí tự khác nhau. Giống như 2 hãng Việt Nam nói trên, nhiều hãng có tên viết tắt tương ứng với tên hãng hàng không như QF của Qantas Airways, VS của Virgin Atlantic hay AA của American Airlines.
Tuy nhiên, không phải hãng nào cũng có mã rút gọn đẹp. Hãng Southwest Airlines của Mỹ sử dụng tên viết tắt là WN, trong khi hãng Finnair của Phần Lan lại dùng tên viết tắt là AY.
Theo giải thích của news.com.au, nguyên nhân là mã SW đã được cấp cho hãng Air Namibia, vốn có tên South West Air Transport trước đây. Trong khi đó, Finnair từng có tên Aero O/Y nên chấp nhận sử dụng mã AY.
Sau 2 ký tự là các con số để phân biệt chuyến bay. Chúng ta có thể gặp các mã hiệu từ 1-4 chữ số, nhưng không bao giờ nhiều hơn. Quy định của cả IATA và ICAO đều giới hạn 4 chữ số trong kí hiệu chuyến bay.
Do đó, nhiều kí hiệu chuyến bay chỉ gồm 2 chữ số đôi khi được thêm 2 số 0 ở đầu. Chuyến bay từ London về Hà Nội có số hiệu chính xác là VN54, nhưng nếu tìm kiếm với từ khóa VN0054, các trang web chuyên theo dõi chuyến bay vẫn trả về kết quả chuyến bay này.
Ngoài ra, các con số còn có thể cho thấy khoảng cách, hướng bay của một chuyến bay. Theo Mental Floss, chuyến bay có số hiệu càng nhỏ thì càng là chuyến “cao cấp” của hãng. Chuyến bay có số hiệu chỉ 1 hoặc 2 chữ số thường là những chuyến bay dài, đắt tiền nhất.
Với hãng bay Qantas Airways của Australia, chuyến QF1 là chuyến bay “xịn” nhất, bay tới London.
“Các hãng thường để số thấp cho chuyến bay cao cấp, chặng dài. Nếu có chuyến bay mã hiệu 001 của một hãng, thì thường đó là những chuyến kiểu London - Sydney hoặc Paris – New York”, phi công Patrick Smith nói với news.com.au.
Ngoài ra, con số còn cho thấy hướng đi của máy bay.
Chuyến bay có số cuối là số chẵn thường bay về hướng Đông hoặc Bắc, và ngược lại số lẻ thường bay về hướng Tây hoặc Nam. Do đó bạn có thể thấy 2 chuyến bay đi và về ngược chiều nhau thường có mã số sát nhau. Ví dụ, chuyến bay Hà Nội – TP HCM có mã VN247, còn chuyến theo chiều ngược lại xuất phát cùng lúc có mã VN248.
Theo Mental Floss, chuyến bay có số hiệu gồm 4 chữ số, bắt đầu bằng số 3 trở lên thường là các chuyến bay liên danh, tức là do một hãng vận hành nhưng nhiều hãng cùng bán vé cho chuyến bay đó với các mã khác nhau.
Ví dụ, bạn có thể mua vé chuyến bay VN3506 của Vietnam Airlines từ Hà Nội đến Quảng Châu, nhưng chuyến bay này do hãng China Southern Airlines vận hành và có mã khác là CZ372.
Mã hiệu chuyến bay có thể kể được một câu chuyện thú vị. Hãng American Airlines có chuyến bay AA1776 từ Boston tới Philadelphia. Philadelphia cũng là nơi kí bản Tuyên ngôn của nước Mỹ vào năm 1776.
Nhiều con số rất hiếm khi được đưa vào mã hiệu, ví dụ như 13 hoặc 666 vì mê tín. Trong khi đó, những chuyến đi về Trung Quốc thường có số 8 trong mã hiệu vì người Trung Quốc coi đây là số đẹp. Chuyến bay của United Airlines từ San Francisco tới Bắc Kinh có mã là UA888.
Sau vụ tấn công 11/9, hãng United Airlines và American Airlines đã đổi mã hiệu của các chuyến bay bị khủng bố. Tuy nhiên, nhìn chung là số hiệu chuyến bay giữa hai địa điểm sẽ ít khi thay đổi, kể cả khi hãng hàng không không còn tồn tại.
“Đôi khi số hiệu chuyến bay còn tồn tại lâu hơn hãng hàng không. Ngày nay, một số chuyến của hãng Delta tới châu Âu vẫn sử dụng mã hiệu từ thời Pan Am, hãng hàng không đã bán cho Delta hơn 20 năm”, phi công Patrick Smith chia sẻ.