Vì sao địa ốc Alibaba 'sống lâu' và lộng hành?

Nhiều người cho rằng việc Công ty CP Địa ốc Alibaba "quậy tưng" mấy ngày qua là do sự lỏng lẻo trong quản lí, nhất là quản lí đất đai của chính quyền địa phương.

Diễn biến vụ nhân viên Công ty CP Địa ốc Alibaba (viết tắt Alibaba) chỉ đạo đập xe, đốt xe và xông vào dùng hung khí hủy hoại tài sản của lực lượng công vụ cho thấy những người này quá lộng hành, bất chấp những quy định của pháp luật. Bên cạnh việc tự ý làm đường, cơ sở hạ tầng trên đất nông nghiệp chưa được cấp phép, lãnh đạo địa ốc Alibaba lại livestream khủng bố những người thực thi nhiệm vụ.

Lòng tham làm mờ mắt

Có thể thấy bất động sản đã giúp nhiều người nhanh chóng trở thành đại gia, có những món lời béo bở từ việc mua bán đất nền. Đánh vào tâm lí muốn giàu nhanh, muốn hưởng được khoản chênh lệch lớn bằng việc "lướt sóng" đất nền, các đầu nậu đất đai đã không màng đến việc vi phạm pháp luật lập dự án "ma" để kinh doanh.

Vì sao địa ốc Alibaba sống lâu và lộng hành? - Ảnh 1.
Nhân viên Alibaba đập tài sản của lực lượng công vụ

Bằng việc quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội, dùng những "chim mồi" nhử người mua, nhiều doanh nghiệp đã thắng đậm khi thu tiền bằng hợp đồng góp vốn.

 Bằng chứng là, khi làm hợp đồng, đông đảo người dân chỉ biết tin vào lời hứa hẹn đầy mật ngọt của chủ đầu tư nhưng không kiểm tra tính pháp lí của dự án. Mua đất nền nhưng không kiểm tra lô đất mình mua, không cần biết chủ đầu tư có làm ăn phi pháp hay không. 

Đến khi bị lừa mất tiền, nhiều người lại đổ lỗi do hệ thống pháp luật không chặt mà không nhận ra chính lòng tham đã khiến họ bỏ qua sự cảnh giác, ngóng trông đồng tiền từ trên trời rơi xuống mà không thương xót tiền mô hôi xương máu do mình cực khổ làm ra.

Bạn đọc Hải Châu (đường Lý Chính Thắng, quận 3, TP HCM) chia sẻ: "Tôi có người bạn lúc nào cũng rủ tôi đi mua dự án của Alibaba nhưng tôi đã từ chối. Tôi hỏi bạn đã tìm hiểu kỹ về tính pháp lí, tiềm lực công ty, lịch sử doanh nghiệp hay chưa thì bạn tôi ậm ờ. Mặc dù vậy lúc nào Alibaba tổ chức sự kiện gì thông báo trên facebook, bạn tôi cũng kéo tôi vào coi. Chịu không thấu, tôi phải hủy kết bạn người này để tránh phiền phức. Tôi nghĩ đồng tiền mình làm ra phải trân quý, không có gì từ trên trời rơi xuống nếu không phải do mình lao động làm ra".

Chưa bàn về việc mua đất của Alibaba bị phiền như thế nào, bạn đọc Bình Hải (ngụ quận 2, TP HCM) nói: "Vừa qua xem clip thấy cô nhân viên của Alibaba lệnh cho nhân viên đập xe, đốt xe thấy hãi hùng quá. Chưa kể, một số người quá khích đã leo lên xe của lực lượng công vụ dùng đá hủy hoại tài sản. Qua báo tôi còn thấy người đứng đầu Alibaba lên mạng hù dọa lực lượng chức năng. Chỉ bấy nhiêu cũng thấy văn hóa công ty như thế nào, khiếp thật".

photo-2

Dự án của Alibaba.

Địa phương phải có trách nhiệm

Để xảy ra sự việc Alibaba xây dựng cơ sở hạ tầng, rao bán sau đó lực lượng chức năng Thị xã Phú Mỹ mới vào cuộc, dư luận đặt câu hỏi trách nhiệm của chính quyền địa phương ở đâu? Lực lượng quản lí đô thị, tài nguyên môi trường, thanh tra xây dựng có đầy đủ, không lẽ Alibaba xây dựng cơ sở hạ tầng ở địa phương mà cán bộ không biết?

Vì sao địa ốc Alibaba sống lâu và lộng hành? - Ảnh 3.

Nhân viên Alibaba ngăn cản lực lượng chức năng cưỡng chế tại khu đất ở xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ.

Bạn đọc Huệ Nguyên nói: "Cần xác định luôn cả trách nhiệm của cơ quan quản lí, một diện tích đất lớn bị san phẳng, trải nhựa nhưng không xử lí kịp thời để dẫn đến tình hình an ninh trật tự phức tạp. Nếu ngăn cản ngay từ đầu thì đâu có chuyện Alibaba huy độ một lực lượng lớn nhân viên chống đối, hủy hoại của công?".

Cùng quan điểm, bạn đọc Thảo Lê (quận Bình Tân) bức xúc: "Để xảy ra tình trạng này chứng tỏ việc quản lý của chính quyền địa phương có vấn đề. Bình thường chỉ cần đổ một xe vật liệu xây dựng sẽ có người hỏi thăm ngay, vậy mà ở đây họ xây dựng được cơ sở hạ tầng cho cả một khu vực rộng lớn như vậy, sao chính quyền không dẹp ngay từ đầu?".

Bạn đọc Robbin (Việt kiều Úc) bình luận: "Mấy năm nay báo chí thông tin Công ty Alibaba bán dự án ma nhưng không có cơ quan quản lí nào vào cuộc điều tra, để sự việc đi xa, để công ty làm càn, ngày càng nhiều người bị lừa... Các cơ quan chức năng liên quan phải nghiêm túc xem lại vai trò quản lí nhà nước của mình, nếu phát hiện cán bộ sai phạm thì kỉ luật ngay".

Coi thường pháp luật, phải trả giá

Dù không được cấp phép xây dựng, chưa được chuyển mục đích sử dụng đất nhưng Alibaba vẫn liều lĩnh xây dựng đường nội bộ để thông báo bán đất nền; bị cưỡng chế thì một số lãnh đạo, nhân viên của Alibaba hủy hoại tài sản, kéo đến trụ sở công an đòi thả người, lên mạng hù dọa, khủng bố lực lượng chức năng... Những hành vi này cho thấy Alibaba quá lộng hành, ngông cuồng, xem thường pháp luật.

"Thật là không có từ nào diễn tả, công ty gì ở đây, quá manh động, quá nguy hiểm cho xã hội. Thử hỏi nếu không phải là chính quyền mà là người dân thì có còn mạng sống với những người này không? Người đầu tư mà lỡ không may mua trúng dự án "lừa" này, đến công ty đòi hỏi quyền lợi không biết có còn mạng mà trở về nhà không nữa, thật là kinh hãi"- bạn đọc Quang Anh bức xúc.

Còn bạn đọc Hồ Tiến Vũ nói thẳng: "Coi thường pháp luật kiểu này thì cần sớm củng cố hồ sơ bắt truy tố ngay chủ đất và chủ doanh nghiệp Alibaba. Ngoài ra, các cơ quan thực thi công quyền cần phải sớm phải thanh tra toàn diện công ty này".


chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.