Cử tri phản ảnh việc nhiều dự án đường sắt trên cao đội vốn, chậm tiến độ. (Ảnh: Nam Định).
Theo thông tin chúng tôi nhận được, mới đây, Bộ GTVT đã có trả lời về một việc một số dự án, công trình trọng điểm chậm tiến độ của ngành.
Cụ thể, cử tri có nhiều ý kiến phản ánh về việc những năm qua có nhiều dự án, công trình trọng điểm được thực hiện không đúng kế hoạch đề ra, chậm tiến độ nhiều năm và đội vốn gấp từ 2 - 3 lần.
Đơn cử như Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội), Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 (TP HCM).
Ngoài ra, một số dự án đường bộ Bắc - Nam được nâng cấp, cải tạo mới nghiệm thu hoặc chưa nghiệm thu đã hư hỏng...
Cử tri cũng đề nghị Chính phủ tăng cường hoạt, động giám sát, kiểm tra, quản lý chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa đối với các dự án công trình trọng điểm từ khâu lập dự án, triển khai dự án, nghiệm thu và đưa vào hoạt động của dự án.
Đồng thời, sớm chỉ đạo các Bộ, Ngành, đơn vị tìm ra nguyên nhân và có giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém khi thực hiện các công trình, dự án, xử lý nghiêm những sai phạm của cả nhân, tổ chức, thông báo công khai kết quả giải quyết cho cử tri và nhân dân biết".
Liên quan đến vấn đề nêu trên, Bộ GTVT cho biết tại các luật, nghị định (Luật Xây dựng, Đấu thầu...) đã qui định cụ thể vai trò, trách nhiệm của từng chủ thể tham gia dự án; tham gia quản lí, giám sát, kiểm tra tiến độ, chất lượng thi công dự án.
Đồng thời trong quá trình thực hiện dự án đều phải có báo cáo giám sát đầu tư trong quá trình chuẩn bị đầu tư, thực hiện đàu tư hoặc điều chỉnh dự án.
"Mặt khác trong quá trình thực hiện dự án đều chịu sự thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chuyên ngành của các Bộ (Bộ Khoa học công nghệ; Bộ Tài Chính; Bộ Kế hoạch đầu tư; Bộ Xây dựng; Bộ Tài nguyên môi trường...), đồng thời còn phải chịu sự kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.
Ngoài ra, các dự án chịu sự kiểm tra của Hội đồng NTNN các công trình xây dựng (đối với các Công trình quan trọng quốc gia, công trình có qui mô lớn, kỹ thuật phức tạp theo danh mục do Thủ tướng Chính phủ quyết định hàng năm) và chịu sự kiểm tra của Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ GTVT.
Sau các đợt thanh tra, kiểm toán, ý kiến kết luận đều được các Chủ đầu tư, Ban Quản lí dự án và các cơ quan, đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện và có báo cáo kết quả thực hiện gửi về các cơ quan thanh tra, kiểm toán theo qui định". Bộ GTVT cho hay.
Bộ này cũng cho biết đã thường xuyên kiểm tra hiện trường, họp giao ban định kì, đột xuất để chỉ đạo quyết liệt, xử lý dứt điểm ngay những vấn đề có liên quan đến tiến độ và chất lượng, đặc biệt là các dự án các công trình trọng điểm của ngành.
Thông qua công tác kiểm tra, kiểm định đã phát hiện những sai phạm và có những biện pháp xử lý thích đáng, công khai trước dư luận.
"Từ năm 2015 đến nay đã kiểm điểm, phê bình 138 trường hợp do có vi phạm về tiến độ, chất lượng công trình giao thông (trong đó 64 trường hợp nhà thầu thi công; 25 trường hợp tư vấn thiết kế; 28 trường hợp tư vấn giám sát và 21 trường họp các Ban QLDA, Chủ đầu tư/Nhà đầu tư)", Bộ GTVT cho hay.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa rõ ngày khai thác thương mại. (Ảnh: Nam Định).
Liên quan đến vấn đề tiến độ, chất lượng công trình, theo tìm hiểu, từ năm 2015, Bộ GTVT hàng năm đã công bố bảng đánh giá và xếp hạng đối với các Chủ đầu tư, Ban QLDA căn cứ trên kết quả thực hiện năm trước đó.
Bộ này cho biết kết quả đánh giá xếp hạng đánh giá đúng thực trạng của đơn vị, được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng đã có tác động tích cực đến ý thức, trách nhiệm của các Chủ đầu tư, Ban QLDA, đặc biệt là người đứng đầu các đơn vị trong việc đảm bảo tiến độ, chất lượng các dự án.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng thừa nhận một số các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông vẫn còn tồn tại những hạn chế như tại dự án đường bộ nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 1 mới sửa chữa nâng cấp đã hỏng.
Với các dự án này, Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương khắc phục, đồng thời tìm ra các nguyên nhân để xem xét, kiểm điểm trách nhiệm các nhân, tập thể tham gia thực hiện dự án.
"Đối với các dự án đường sắt đô thị Hà Nội và TP HCM là công trình cấp đặc biệt, có tính chất đặc thù, kĩ thuật cao, công nghệ hoàn toàn mới lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam nên quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn trong việc kiểm soát kỹ thuật, công nghệ.
Nhiều hạng mục công trình không có trong qui trình, qui phạm của Việt Nam nên phải xin thỏa thuận của các Bộ, Ngành để sử dụng qui trình, công nghệ đường sắt đô thị của các nước tài trợ cho dự án.
Các qui định về hồ sơ thiết kế, dự toán, hồ sơ mời thầu mua sắm thiết bị giữa Việt Nam và các nước tài trợ cũng có nhiều khác biệt, nên Bộ GTVT phải rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và lấy ý kiến các Bộ, Ngành liên quan làm cơ sở để triển khai thực hiện", Bộ GTVT cho biết.
Cũng theo Bộ này, quá trình thực hiện dự án do nhiều yếu tố khách quan nên một số hạng mục công trình đã phải điều chỉnh lại thiết kế cho phù hợp với điều kiện thực tế.
Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng trong các đô thị lớn như Hà Nội và TP HCM rất phức tạp và thường kéo dài cũng làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện của dự án.
"Do các nguyên nhân nêu trên nên hầu hết các dự án đường sắt đô thị hiện nay đang thực hiện đều phải điều chỉnh lại dự án và điều chỉnh tổng mức đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội để xem xét, quyết định", Bộ GTVT cho biết.