Tục 'cướp vợ' và nỗi đau từ những cuộc hôn nhân địa ngục |
Một trong những nỗi sợ hãi lớn nhất của các bậc cha mẹ ở Trung Quốc đang trở thành sự thật khi những người trẻ tại quốc gia này ngày càng quay lưng với hôn nhân. Theo số liệu thống kê năm 2015, sau một thập niên chứng kiến sự gia tăng tỷ lệ kết hôn trên toàn quốc, đây là năm thứ 2 liên tiếp ghi nhận sự sụt giảm về số lượng người đăng ký kết hôn ở quốc gia đông dân nhất thế giới với mức giảm lần lượt là 6,3% so với năm 2014 và 9,1% so với năm 2013. Bên cạnh đó là sự gia tăng tuổi kết hôn lên khoảng 1,5 năm trong 10 năm đầu của thế kỷ này.
Thực tế, tình trạng giới trẻ thờ ơ với hôn nhân ở Trung Quốc được coi là một phần của xu hướng toàn cầu. Một số nước lớn khác như Mỹ, Nhật Bản cũng đang trải qua tình trạng này. Tuy nhiên, đối với một nền văn hóa gia đình như Trung Quốc, các bậc cha mẹ luôn cảm thấy lo sợ khi con cái của họ sẽ không kết hôn và không có con. Họ sợ cấu trúc gia đình sẽ bị phá vỡ hoặc sẽ không có ai chăm sóc cho con của họ khi họ qua đời.
Vậy đâu là nguyên nhân khiến thanh niên Trung Quốc không mặn mà với chuyện kết hôn?
Áp lực từ gia đình và xã hội
Mặc dù, việc thực hiện hôn ước đã được quy định là bất hợp pháp ở Trung Quốc từ năm 1950. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn can thiệp sâu vào quyết định hôn nhân của con mình. Theo đó, nhiều ông bố bà mẹ ở Trung Quốc luôn gây áp lực kết hôn cho con khiến nhiều thanh niên đại lục cảm thấy sợ sệt mỗi khi nhắc đến hai từ "đám cưới". Thậm chí, nhiều phụ huynh còn cố gắng mai mối để tìm bạn đời cho con mà không cần biết con mình có thực sự muốn không.
Điều đáng chú ý là không chỉ ở trong phạm vi gia đình, xã hội cũng tạo áp lực lớn cho những người độc thân. Năm 2007, Bộ giáo dục Trung Quốc còn công khai chỉ trích những phụ nữ ngoài 27 tuổi chưa kết hôn là “hàng hiếm”, đồng thời kêu gọi họ hạ thấp các tiêu chuẩn “không tưởng” để nhanh chóng tìm một người đàn ông và lập gia đình.
Hiện chính phủ Trung Quốc đặc biệt lo ngại về việc tình trạng dư thừa đàn ông – những người sinh sau năm 1970 vốn là hậu quả là nạn phá thai chọn lọc giới tính – đang chật vật tìm kiếm cô dâu. Số lượng nam giới thuộc diện “ế” vợ này ước tính khoảng từ 24 đến 33 triệu người.
Đặc biệt, tại các vùng nông thôn nghèo khó ở Trung Quốc, những người đàn ông độc thân, không lấy nổi vợ được coi là mối đe dọa với sự ổn định của xã hội khi họ đang phải đối mặt với những áp lực nặng nề từ gia đình và xã hội. Tờ People's Daily mới đây đã nhấn mạnh nguy cơ tạo ra cuộc khủng hoảng từ nam giới “ế” vợ còn cấp bách hơn so với phự nữ “ế” chồng khi nhiều người dính líu đến các hoạt động phi pháp như cờ bạc, mại dâm và buôn bán người.
Áp lực công việc và lối sống hiện đại
Trái với mong muốn của các bậc cha mẹ - những người ở thế hệ trước, giới trẻ ngày nay lại có những suy nghĩ khác. Trong khi nhiều cặp đôi đang ngập trong hạnh phúc của tình yêu sẽ đồng ý độ tuổi phù hợp để làm đám cưới là từ 20 đến 30 thì thực tế hôn nhân không phải là điều pháp luật quy định bắt buộc phải thực thi. Đó là chưa kể cuộc sống hiện đại bận rộn khiến họ không còn thời gian và sức lực để vun đắp cho những mối quan hệ nam nữ.
Bên cạnh đó, không ít thanh niên Trung Quốc lại chọn lối sống khám phá và không quá quan trọng việc kết hôn hay có con hay không. Đặc biệt, xu hướng sống thử đang ngày càng phổ biến hơn ở quốc gia châu Á này. Việc ảnh hưởng bởi lối sống hiện đại cùng tư tưởng phóng khoáng hơn khiến cho vấn đề tình dục trước hôn nhân không còn là điều quá tồi tệ như trước kia.
Có lẽ, còn rất nhiều lý do khác khiến cho giới trẻ Trung Quốc chẳng mấy nhiệt tình với chuyện hôn nhân đại sự. Họ chỉ đơn thuần là muốn tận hưởng một cuộc sống độc lập, thoải mái tận hưởng và nỗ lực làm giàu. Từ đó, họ đã vô tình tạo nên một thế hệ độc thân mới ở Trung Quốc. Tất nhiên, sự tự do thái quá của giới trẻ đôi khi sẽ trở thành vấn đề đau đầu của các nhà chức trách.