Vì sao hủy quyết định thu hồi 'đất vàng' số 8 - 12 Lê Duẩn ?

Liên quan đến việc hủy quyết định thu hồi khu 'đất vàng' diện tích hơn 4.896 m2 tại số 8 - 12 Lê Duẩn, P.Bến Nghé (Q.1), ngày 19/ 12, PV Thanh Niên phỏng vấn ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP HCM.

Ông Hoan nói: Qua thanh tra, Thanh tra Chính phủ (TTCP) xác định việc quản lý đối với khu đất số 8 - 12 Lê Duẩn có sai phạm và đề nghị thu hồi căn cứ theo luật Đất đai.

Thực hiện kết luận thanh tra, ngày 11/12, TP ban hành Quyết định số 5671 về việc thu hồi; nêu rõ lý do thu hồi theo quy định tại điểm c, khoản 1, điều 64, luật Đất đai, là đất được giao, cho thuê không đúng đối tượng theo Kết luận thanh tra số 645 ngày 4/5/2018 của TTCP, được Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình có ý kiến kết luận tại Thông báo số 249 ngày 18/7/2018 của Văn phòng Chính phủ.

vi sao huy quyet dinh thu hoi dat vang so 8 12 le duan

Ông Võ Văn Hoan. (Ảnh: Đình Phú).

Để thực hiện thủ tục thu hồi, Quyết định số 5671 của UBND TP đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện; đồng thời yêu cầu Công ty cổ phần đầu tư Lavenue có trách nhiệm bàn giao khu đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy tờ pháp lý khác có liên quan đến quyền sử dụng đất cho Trung tâm phát triển quỹ đất của TP quản lý theo quy định pháp luật. Về nguyên tắc, làm như vậy là có lý.

Vậy, vì sao ngày 18.12, UBND TP lại ban hành quyết định hủy Quyết định số 5671?

Trước đó, quyết định thu hồi là theo luật Đất đai do có vi phạm luật Đất đai. Tuy nhiên, vụ án liên quan đến khu đất số 8 - 12 Lê Duẩn đang tiếp tục được điều tra, Bộ Công an đang làm.

Theo quy định của bộ luật Tố tụng hình sự, tất cả các tài sản liên quan đến vụ án này đều phải bị phong tỏa, do vậy cần hủy quyết định hành chính về việc thu hồi tài sản để thực hiện biện pháp ngăn chặn, kê biên, phong tỏa.

Đó cũng là một cách thực hiện biện pháp quản lý, bởi tài sản đó không chạy đi đâu được hết.

Nếu thu hồi theo luật Đất đai cũng có thể không tránh được tình trạng gây áp lực cho cơ quan CSĐT.

Bởi lẽ khi TP thu hồi như vậy, nó giống như dân sự bình thường, rồi vụ việc có thể rơi vào tình thế vừa giải quyết vấn đề dân sự, vừa giải quyết vấn đề hình sự, mà rơi vào tình thế đó thì có thể gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết.

Việc hủy Quyết định số 5671 có uẩn khúc gì không?

Song song với việc hủy quyết định thu hồi, UBND TP đã có công văn khẩn chỉ đạo các sở ngành liên quan phối hợp Bộ Công an phong tỏa đối với khu đất số 8 - 12 Lê Duẩn để phục vụ công tác điều tra. Thực tế là như vậy nên không có uẩn khúc gì cả.

Vụ án khởi tố ngày 8/12, thì đến ngày 11/12 TP có quyết định thu hồi, nay UBND TP hủy quyết định thu hồi căn cứ theo đề nghị của Cơ quan CSĐT Bộ Công an. Cũng có ý kiến của anh em là nếu thu hồi theo luật Đất đai thì làm trước khi thi hành lệnh khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

Còn sau khi án đã thành rồi thì cần điều chỉnh phù hợp theo quy định của bộ luật Tố tụng hình sự. Như tôi đã nói, đây cũng chỉ là biện pháp kỹ thuật thôi, bởi bản thân tài sản đó giờ không ai đụng tới được.

Cho đến thời điểm này, chủ đầu tư có đặt vấn đề kiện tụng gì không?

Qua làm việc bước đầu, cho đến thời điểm này, TP không nhận thấy dấu hiệu của việc đó (chủ đầu tư kiện). Kết quả điều tra sẽ xác định thiệt hại của nhà nước bao nhiêu, tư nhân bao nhiêu...

Nếu nhà nước có thiệt hại thì có biện pháp bảo vệ. Còn tư nhân có thiệt hại phát sinh thì phải xem xét đến yếu tố anh vô ý hay cố ý; nếu vô ý trong sai phạm đó thì xem xét bồi thường và sẽ tính sau, còn cố ý thì có khi anh phải “nằm trong” (cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự - PV).

Giờ mới khởi tố cán bộ, công chức liên đới trách nhiệm quản lý do bị xác định có vi phạm trong quản lý đất đai, tài sản công.

Trong quá trình điều tra, biết đâu xác định được có sự tham gia của các doanh nghiệp, có khi còn mở rộng nữa, bởi chưa biết hết được ai đúng ai sai cụ thể ở mức độ nào cả.

Nếu như cố tình vì lợi ích nhóm, vì một ai đó, thì có khi doanh nghiệp cũng bị “nhảy vô” (bị truy cứu). Điều này hiện chưa thể loại trừ vì theo kết luận thanh tra là có dấu hiệu sai phạm rất rõ.

Tinh thần của UBND TP là thực hiện theo kết luận thanh tra, ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, là thu hồi, bán đấu giá nộp tiền vào ngân sách.

Tuy nhiên như đã đề cập, tài sản này liên quan đến án hình sự nên chờ có kết quả cuối cùng rõ ràng hơn nữa, rồi TP sẽ tiếp tục xử lý theo quy định pháp luật, thực hiện thu hồi, bán đấu giá.

Khu “đất vàng” số 8 - 12 Lê Duẩn đang được trao quyền sở hữu cho Công ty CP đầu tư Lavenue (gọi tắt là Lavenue) với các cổ đông, tỷ lệ sở hữu cổ phần thực tế đã góp: Công ty quản lý kinh doanh nhà TP HCM tỷ lệ 20% (tương đương 155 tỉ đồng vốn góp); Công ty TNHH đầu tư Kido tỷ lệ 50% (tương đương hơn 387 tỉ đồng); Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm tỷ lệ 30% (tương đương 232 tỉ đồng).

Lavenue ban đầu do Công ty quản lý kinh doanh nhà TP.HCM và 4 công ty thuộc Bộ Công thương sáng lập, nhưng qua các phi vụ chuyển nhượng trái quy định pháp luật, các cổ đông nhà nước này đã “chuyển” quyền chi phối, quyền đầu tư phát triển dự án vào tay các cổ đông tư nhân.

Qua các đợt thanh tra, Thanh tra TP HCM và TTCP đều có kiến nghị thu hồi, thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định (ước sẽ thu về ngân sách trên 2.000 tỉ đồng, chỉ tạm tính giá khoảng trên 400 triệu đồng/m2).

Liên quan trực tiếp đến sai phạm trong công tác quản lý đối với khu “đất vàng” số 8 - 12 Lê Duẩn, các ông Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó chủ tịch thường trực UBND TP HCM; Nguyễn Hoài Nam (53 tuổi, Bí thư Quận ủy Q.2, nguyên Trưởng phòng Quản lý sử dụng đất Sở TN-MT TP HCM), Đào Anh Kiệt (61 tuổi, nguyên Giám đốc Sở TN-MT TP HCM) và Trương Văn Út (48 tuổi, Phó trưởng phòng Quản lý đất Sở TN-MT TP HCM) bị khởi tố cùng về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Luật sư (LS) Nguyễn Thành Công, Giám đốc Công ty Đông Phương Luật, cho rằng UBND TP ra Quyết định số 5671 (về việc thu hồi) là không có gì sai quy định, căn cứ theo điểm c, khoản 1, điều 64, luật Đất đai.

Tuy nhiên, cũng liên quan đến khu “đất vàng” trên, Cơ quan CSĐT, Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố 4 bị can và đang mở rộng điều tra.

Vấn đề này, theo LS Công, khi đất nhà nước giao, cho thuê không đúng quy định, không đúng đối tượng, chủ dự án khi được giao, thuê đất nhưng không triển khai dự án theo đúng thời hạn, thì UBND TP ra quyết định thu hồi là hợp lý.

Theo LS Công, khu “đất vàng” số 8 - 12 Lê Duẩn không phải là "vật chứng vụ án", mà đây là "tài sản liên quan đến vụ án".

“Quá trình giao lô đất vàng có sai phạm, cơ quan CSĐT đã khởi tố vụ án, khởi tố các đối tượng liên quan để truy trách nhiệm cấp sai lô đất, UBND TP thu hồi dự án làm mất quyền của đơn vị đang quản lý dự án này, còn "đất vàng" thì vẫn còn nguyên đó, đợi khi vụ án kết thúc, các cơ quan chứng minh có sai phạm, có tội phạm tương ứng thì TP mới được thu hồi, đấu giá.

Giờ đang giai đoạn tố tụng, bắt buộc phải tuân thủ quy định của tố tụng hình sự”, LS Công nói và phân tích thêm, hiện CQĐT đang điều tra vụ án, đang chứng minh hành vi phạm tội, vì vậy các bị can bị bắt giữ hiện nay cũng chưa phải tội phạm, hành vi của họ chưa chắc là sai cho đến khi bản án có hiệu lực xác định đúng, sai. Lúc đó mới xử lý tài sản liên quan đến vụ án là khu "đất vàng" nói trên.

vi sao huy quyet dinh thu hoi dat vang so 8 12 le duan Dự án BT tại Hà Nội: Giá trị ảo, đổi đất thật

Đã phát hiện chênh lệch hàng ngàn tỉ đồng giữa giá trị thật và mức dự toán ban đầu của chủ đầu tư tại các ...

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.