Chiều 22/9, TAND Hà Nội dành thời gian để đại diện VKS cùng cấp đối đáp lại các ý kiến tranh luận của luật sư, người bảo vệ cho các đương sự và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong đại án Oceanbank.
"Chi lãi ngoài ở Oceanbank là tiền đề để tội phạm tham nhũng phát triển"
Mở đầu phần đối đáp, đại diện cơ quan giữ quyền công tố tại tòa nói các vấn đề luật sư nêu, các bị cáo bào chữa tại tòa có nhiều điểm trùng với nhau, nên VKS sẽ trình bày nội dung đối đáp theo từng nhóm tội để tránh trùng lặp.
Về tội cố ý làm trái, VKS cho rằng lời khai của bị cáo tại phiên tòa và luật sư có điểm chung là hành vi huy động vốn vượt quá quy định không gây hậu quả. Nhờ chi lãi ngoài nên Oceanbank mới huy động được tiền gửi, tránh đổ bể nên không coi đó là thiệt hại. Các bị cáo và luật sư cho rằng số tiền hơn 1.500 tỷ không phải thiệt hại mà cần phải hiểu là việc “mua đắt bán đắt, lấy thu bù chi”.
Dẫn lời khai các bị cáo tại cơ quan điều tra, trên nguyên tắc đánh giá chứng cứ, VKS thấy số tiền chi lãi ngoài 1.500 tỷ đồng là trái quy định, trái nguyên tắc kinh tế, không có chứng từ thanh toán, không có khả năng thu hồi.
Vị đại diện VKS nhận định hành vi chi lãi ngoài trái quy định của Oceanbank là “tiền đề tội phạm tham nhũng phát triển, gây thất thóat 1.500 tỷ đồng”. Hành vi này gây hậu quả nghiêm trọng, đánh mất niềm tin của người dân về hoạt động đúng đắn của cơ quan tổ chức, khi nguồn tiền huy động của khách hàng rơi vào tay một số người, góp phần đẩy nợ xấu của ngân hàng Oceanbank lên cao.
Điều này cũng dẫn đến việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải mua lại Oceanbank với giá 0 đồng vào tháng 5/2015, đồng thời gánh toàn bộ việc trả nợ cho nhà băng này với khách hàng.
Theo kết luận điều tra, trong giai đoạn 2010-2014, tổng số tiền Oceanbank chi lãi ngoài là hơn 1.500 tỷ đồng. Trong đó, 246 được chi cho Nguyễn Xuân Sơn theo yêu cầu của Sơn và bị Sơn chiếm đoạt.
Lý lẽ chứng minh Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt 49 tỷ đồng
Đối đáp về cáo buộc tham ô, chiếm đoạt tài sản 49 tỷ đồng của Nguyễn Xuân Sơn, vị đại diện VKS cho rằng số tiền 1.500 tỷ được lấy từ ngân hàng Oceanbank qua nhiều nguồn, trong đó có nguồn huy động tiền gửi của khách hàng. Theo quy định kế toán, số tiền này không cho phép hạch toán bừa, nhầm, sai, không đúng mục đích.
Bị cáo Xuân Sơn tại phiên xử chiều 22/9. Ảnh: Việt Hùng. |
Vị đại diện cơ quan giữ quyền công tố nói tiền của Oceanbank là tiền của các cổ đông góp vốn. Cổ đông cũng được xác lập các quyền, nghĩa vụ theo tỷ lệ vốn góp, trong đó PVN là cổ đông chiến lược. Ngoài là cổ đông góp 20% vốn tại Oceanbank, PVN còn được trực tiếp tham gia quản trị điều hành về hoạt động ngân hàng này...
Từ lý lẽ đó, vị đại diện VKS nêu quan điểm thiệt hại của Oceanbank cũng là thiệt hại của các cổ đông, trong đó có cổ động lớn như PVN. Trong số tiền thất thoát, VKS cho rằng có hành vi Oceanbank chi 246 tỷ đồng cho Sơn để chi lãi ngoài và bị Sơn lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt. Theo tỷ lệ góp vốn 20% thì trong 246 tỷ đồng bị Sơn chiếm đoạt có hơn 49 tỷ của PVN.
Theo VKS, khi chiếm đoạt số tiền này dù Nguyễn Xuân Sơn không còn là Tổng giám đốc Oceanbank, đã trở về PVN ngồi ghế phó tổng giám đốc nhưng chủ trương chi lãi ngoài có từ khi ông này về làm việc ở Oceanbank. Khi trở lại PVN công tác, ngoài cương vị phó tổng phụ trách tài chính, chủ tịch HĐTV, Sơn còn làm đại diện phần vốn góp PVN tại Oceanbank trong một thời gian.
Với việc Sơn là người đại diện góp vốn của PVN tại Oceanbank đã có đại diện tập đoàn này xác nhận tại phiên tòa. Như vậy, với cương vị người đứng dầu PVN, Sơn phải chịu trách nhiệm về nguồn tiền của tập đoàn trong hoạt động kinh doanh, trong đó có số tiền PVN đầu tư vào Oceanbannk.
VKS cho rằng, lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình tại PVN, Nguyễn Xuân Sơn đã chiếm đoạt hơn 49 tỷ đồng thuộc sở hữu nhà nước. "Số tiền này Sơn phải chịu trách nhiệm và đã phạm vào tội Tham ô tài sản. Đồng phạm giúp sức cho Nguyễn Xuân Sơn là Hà Văn Thắm", vị đại diện VKS đối đáp.
Vì sao Hà Văn Thắm, Hoàng Thị Hồng Tứ đồng phạm với Sơn?
Về tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, đại diện VKS tập trung làm rõ hành vi Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt số tiền 246 tỷ đồng do Oceanbank chuyển để chi lãi ngoài.
Tại tòa, bị cáo Sơn khai đưa hết 246 tỷ đồng này cho Ninh Văn Quỳnh (cựu Kế toán trưởng PVN). Tuy nhiên, theo VKS, Sơn không có tài liệu chứng minh ngoài lời khai trên.
Cũng tại tòa, Ninh Văn Quỳnh khai chỉ nhận 20 tỷ đồng của Sơn thông qua Nguyễn Xuân Thắng (em họ Sơn), nhưng với tư cách cá nhân. “Sơn chịu trách nhiệm toàn bộ số tiền 246 tỷ và về trách nhiệm bồi thường, song giảm đi 20 tỷ đã đưa cho Quỳnh", đại diện VKS nói.
Với hành vi lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt 69 tỷ đồng thông qua Công ty BSC (công ty con của Hà Văn Thắm), VKS nêu quan điểm công ty này đã ký hơn 800 hợp đồng khống để giúp Thắm chiếm đoạt để đưa cho Nguyễn Xuân Sơn, theo chỉ đạo của Sơn. VKS cho rằng Hà Văn Thắm đồng phạm giúp sức cho Nguyễn Xuân Sơn ở hành vi này.
Với Hoàng Thị Hồng Tứ (Chủ tịch HĐQT Công ty BSC), người đã ký 98 hợp đồng khống giúp Thắm và Sơn chiếm đoạt tiền, VKS cho rằng tại tòa dù bị cáo khai không biết mục đích sử dụng tiền thu phí vào việc gì, song VKS cho rằng với cương vị chủ tịch HĐQT, "bị cáo buộc phải biết việc ký các hợp đồng dịch vụ, buộc phải biết hành vi trái pháp luật và đã đồng phạm Thắm và Sơn để chiếm đoạt tài sản".
VKS cũng cho rằng bị cáo Phạm Hoàng Giang (Tổng giám đốc Công ty BSC) cũng ký hơn 700 hợp đồng khống trái pháp luật, tạo nguồn tiền giúp Thắm chi cho Sơn. Do đó, Giang giữ vai trò đồng phạm giúp sức với Thắm và Sơn.
Bị cáo Hà Văn Thắm đến tòa chiều 22/9. Ảnh: Việt Hùng. |
Trước đó, ngày 21/9, phiên xử chỉ diễn ra trong nửa ngày với phần bảo vệ quyền và lợi ích của các nguyên đơn dân sự và người có quyền nghĩa vụ liên quan đến vụ án.
Tham gia bảo vệ quyền và lợi ích cho nguyên đơn dân sự là Ngân hàng TNHH MTV Đại Dương (Ngân hàng Oceanbank mới), luật sư tập trung phân tích về chủ trương chi lãi ngoài tại Oceanbank khiến nhà băng này bị thất thoát hơn 1.500 tỷ đồng. Quan điểm của luật sư cho rằng các cựu lãnh đạo, giám đốc chi nhánh, phòng giao dịch của Oceanbank cũ có trách nhiệm bồi thường cho Oceanbank mới.
Ngoài yêu cầu các bị cáo khắc phục hậu quả, luật sư cũng đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ lượng hình cho họ vì làm việc trong thời điểm kinh tế gặp nhiều khó khăn, bản thân có thể lúng túng...
Trong phiên tòa ngày 21/9, HĐXX cũng dành thời gian để vợ bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (cựu Tổng giám đốc Oceanbank), người đại diện cho vợ bị cáo Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch HĐQT) và bị can Ninh Văn Quỳnh (cựu Phó tổng giám đốc Tập đoàn dấu khí Việt Nam - PVN) lên trình bày ý kiến.
Hành tung bí ẩn của các cựu cán bộ Oceanbank Hải Phòng biến mất cùng hơn 400 tỷ đồng Vụ việc vỡ lở khi mới đây 17 khách hàng gửi trên 400 tỷ đồng ở Oceanbank Hải Phòng đến ngân hàng tất toán thì ... |