Việt Nam chưa tiếp nhận khách du lịch nước ngoài

Trong tình hình hiện nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Việt Nam chưa tiếp nhận du khách quốc tế nhằm đảm bảo tốt công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra trong hai ngày 20/4 và 22/4/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, nước ta đang bước vào giai đoạn mới phòng, chống dịch dài hơi hơn và căn cơ hơn. 

Cả nước cần tiếp tục thực hiện chủ trương: Ngăn chặn triệt để dịch từ bên ngoài, dập dịch từ bên trong. Tiếp tục thực hiện cách li tất cả những người nhập cảnh vào nước ta và người bị nhiễm bệnh, người có nguy cơ cao với hình thức cách li linh hoạt, nhưng phải đảm bảo nghiêm túc, chặt chẽ. 

Thường xuyên rà soát, kịp thời phát hiện ca bệnh để cách li hiệu quả. Ngoài ra, sử dụng công nghệ thông tin để nhanh chóng truy vết, khoanh vùng dập dịch, tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa, phát triển đời sản xuất kinh doanh, việc làm và đời sống người dân.

Đối với du lịch, Thủ tướng cũng chỉ đạo chưa tiếp nhận khách du lịch nước ngoài. Các địa phương quyết định việc mở cửa đón du khách trong nước với điều kiện bảo đảm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Việt Nam chưa tiếp nhận khách du lịch nước ngoài  - Ảnh 1.

(Ảnh tư liệu: Phương Linh)

Bên cạnh đó, cho phép các chuyến bay đơn lẻ đón công dân Việt Nam là học sinh dưới 18 tuổi, người đi chữa bệnh, du lịch, thăm thân, công tác hết hạn phải về nước, đảm bảo phù hợp diễn biến dịch bệnh trong nước và quốc tế, nhu cầu về nước của công dân Việt Nam, khả năng tổ chức tiếp nhận và cách li và tổ chức các chuyến bay.

Đồng thời, Thủ tướng cũng giao hãng hàng không quốc gia Việt Nam làm đầu mối tổ chức các chuyến bay đưa người Việt Nam về nước với cơ chế tự trang trải (bằng chế độ bán vé).

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã tác động trực tiếp tới hoạt động du lịch trong quí I/2020, khiến số lượng khách quốc tế đến Việt Nam sụt giảm mạnh trong tháng 3.

Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, số lượng khách quốc tế đến nước ta trong quí I/2020 giảm 18,1% so với cùng kì năm trước, trong đó giảm ở hầu hết các thị trường, mức giảm mạnh nhất tập trung ở các thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ. Riêng trong tháng 3, số lượng khách quốc tế giảm mạnh 63,8% so với tháng trước và giảm 68,1% so với cùng kì năm trước do ảnh hưởng của dịch. 

Theo Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, đến nay đã có 58 tỉnh, thành phố gửi báo cáo lượng khách quốc tế đang lưu trú tại các cơ sở lưu trú trên địa bàn.

Theo đó, hiện có 3.229 khách nước ngoài của 43 quốc gia, vùng lãnh thổ đang lưu trú tại 486 cơ sở lưu trú du lịch Việt Nam, trong đó có 364 khách nước ngoài mắc kẹt tại Việt Nam do ảnh hưởng của dịch Covid-19 có nhu cầu về nước.

Những số liệu này đã được Tổng cục Du lịch thông báo tới Vụ Vận tải – Bộ Giao thông vận tải để phối hợp với các cơ quan chức năng sắp xếp, bố trí các chuyến bay đưa khách nước ngoài về nước theo chỉ đạo của Thủ tướng tại Thông báo kết luận số 146/TB-VPCP ngày 7/4/2020 của Văn phòng Chính phủ.

Những du khách này không thể về nước vì các lí do khách quan như thực hiện cách li y tế, do các hãng hàng không dừng chuyến bay hoặc quốc gia đến/quá cảnh bị đóng cửa biên giới.

Tổng cục Du lịch cũng đã đề nghị các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch có khách nước ngoài bị mắc kẹt do dịch Covid-19 trên địa bàn tạo điều kiện hỗ trợ miễn/giảm tiền phòng nghỉ, tiền ăn đối với đối tượng khách nêu trên cho đến khi Bộ Giao thông vận tải thu xếp được chuyến bay đưa họ về nước.

Vào cuối tháng 3, Cục Quản lí xuất nhập cảnh (Bộ Công an) đã có công văn hướng dẫn việc tạo điều kiện về thủ tục cấp thị thực, gia hạn tạm trú cho công dân nước ngoài ở lại Việt Nam do ảnh hưởng của dịch Covid-19 chưa thể xuất cảnh về nước.

chọn
Lãnh đạo Fecon: Luật mới không ảnh hưởng đến mảng BĐS của công ty, cam kết trả cổ tức 2022 vào quý IV năm nay
Giai đoạn đến 2029, Fecon cho biết đang nghiên cứu phát triển và triển khai đầu tư khoảng 11 dự án bất động sản với tổng giá trị gần 2 tỷ USD. Với các luật mới vừa được thông qua, ban lãnh đạo đánh giá không ảnh hưởng quá nhiều đến Fecon, các dự án của doanh nghiệp hiện khá là thuận lợi so với sự thay đổi của các luật.