Liên quan việc tái khởi động nền kinh tế sau khi cơ bản kiểm soát được dịch bệnh Covid-19, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương vừa cho biết Bộ đang chủ trì xây dựng kịch bản phục hồi nền kinh tế, trong đó, có lộ trình mở cửa lại thị trường.
Chia sẻ sơ bộ về kịch bản phục hồi nền kinh tế, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, Bộ đã kiến nghị 3 bước đối với điều hành nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay.
Thứ nhất, khi Covid-19 đang diễn ra thì ưu tiên chống dịch là chủ yếu, việc phát triển kinh tế lúc này là cầm cự, và giảm thiểu tối đa các thiệt hại do dịch. Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng việc giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất sẽ tạo điều kiện cho phục hồi sau này nhanh và tốt hơn.
Bước thứ hai, khi nguy cơ và tác động của dịch giảm nhiều như hiện nay thì sẽ phục hồi dần dần.
Bộ đã báo cáo và tham mưu Chính phủ, sẽ mở lại dần các hoạt động kinh tế, trước tiên phục hồi thị trường trong nước trước.
Đối với thị trường nước ngoài, do dịch bệnh ở nhiều nước trên thế giới vẫn đang có nhiều diễn biến phức tạp, nền kinh tế vẫn chưa thể mở hoàn toàn mà phải kết hợp giữa phòng chống dịch với phát triển kinh tế.
"Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng trạng thái bình thường mới, có nghĩa là xây dựng các kịch bản, chính sách phát triển kinh tế trong bối cảnh Covid-19 vẫn còn tồn tại, đặc biệt xung quanh nước ta. Chính vì vậy mỗi chính sách đề ra cần phải kết hợp cả 2 mục tiêu là phòng chống dịch và phát triển kinh tế", Thứ trưởng nói.
Đơn cử, trong vận tải hàng không, nếu như có chuyến bay quốc tế đến Việt Nam thì đây là vấn đề kinh tế, nhưng hành khách trên chuyến bay khi đến Việt Nam phải thực hiện cách li cũng như kiểm soát dịch bệnh, đáp ứng mục tiêu phòng chống dịch bệnh.
Bước thứ ba, trạng thái tương lai trong kịch bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng là khi Covid-19 đã yên ổn trên thế giới.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng nền kinh tế nào kết thúc dịch sớm nhất sẽ thành công. Do vậy trong định hướng xây dựng kịch bản này, Bộ sẽ chú trọng nghiên cứu việc nắm bắt cơ hội để thúc đẩy kinh tế trong nước, đòi hỏi thay đổi nhiều vào cơ cấu của nền kinh tế nói chung cũng như định hướng và cơ cấu của từng doanh nghiệp, sản phẩm để đón nhận cơ hội này.
"Trong cơ hội này có sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư, đặc biệt các tập đoàn kinh tế lớn đang hết sức cân nhắc trong việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng, trong đó Đông Nam Á là một trong những địa bàn được tính đến đầu tiên và Việt Nam nằm trong số đó", ông Phương nói.
Liên quan việc phục hồi thị trường trong nước khi Việt Nam bước sang giai đoạn hai của việc tái khởi động nền kinh tế, tại cuộc họp thường kì Chính phủ vừa diễn ra hôm qua, 5/5, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đang dự thảo Nghị quyết về các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
Bộ trưởng cho biết dự thảo tập trung vào các nhóm vấn đề chính.
Thứ nhất, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch, ngoài các giải pháp về miễn, giảm, hoãn nộp, gia hạn tiền thuê đất, thuế, phí, lệ phí, giá… Chính phủ dự kiến giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc đối tượng hỗ trợ của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thứ hai, đề nghị giãn, hoãn thời gian nộp thuế, tập trung vào thuế xuất khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước đến hết tháng 12/2020.
Thứ ba, cho phép áp dụng thủ tục nhập cảnh đặc biệt cho các chuyên gia, nhà quản lí doanh nghiệp, lao động kĩ thuật là người nước ngoài làm việc trong các dự án đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, được nhập cảnh vào Việt Nam để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Về đầu tư công, tiếp tục rà soát các quy định về ngân sách, đầu tư, xây dựng, tháo gỡ kịp thời các rào cản khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công…
Về thu hút vốn đầu tư toàn xã hội, các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xem xét, giải quyết thủ tục đầu tư cho các dự án theo đề xuất của doanh nghiệp; không để chậm trễ, tồn đọng hồ sơ chưa giải quyết; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết đối với các vấn đề vượt thẩm quyền.
Đồng thời, hướng dẫn xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho từng loại hình sản xuất kinh doanh, đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch tốt vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn phù hợp với các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo giai đoạn.
Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thu hút nguồn lực đầu tư mới như quy hoạch; hạ tầng; công tác đào tạo nguồn nhân lực; đảm bảo về năng lượng; cải cách thủ tục hành chính. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư phù hợp ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Chủ động nghiên cứu và triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư khôi phục, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tiêu dùng 15:12 | 30/07/2020
Tiêu dùng 15:39 | 15/06/2020
Kinh doanh 15:25 | 15/06/2020
Kinh doanh 07:03 | 14/06/2020
Kinh doanh 08:10 | 13/06/2020
Kinh doanh 07:56 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:46 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:19 | 13/06/2020