Trong báo cáo mới đây, ông Michael Kokalari, chuyên gia kinh tế trưởng của VinaCapital đề cập đến tầm quan trọng của 12 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025.
Chuyên gia nhắc lại trong quy mô gói 113.550 tỷ đồng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, dự kiến chi đến 103.164 tỷ đồng cho hạ tầng giao thông chiến lược, bao gồm đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, một số tuyến cao tốc, tuyến nối các cửa khẩu, quốc lộ.
"Gói 113.550 tỷ đồng dành đến 90% cho dự án giao thông và 70% trong số đó sẽ dành cho đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025", ông Michael Kokalari viết trong báo cáo và nhấn mạnh đây là dự án giao thông quan trọng nhất cả nước.
Nói về tác động trong ngắn hạn, ông cho rằng việc đẩy mạnh xây dựng sẽ thúc đẩy lợi nhuận (và giá cổ phiếu) của các công ty xây dựng cũng như các công ty cung cấp vật liệu xây dựng.
Trong trung và dài hạn, 12 dự án đường cao tốc này sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp FDI xây thêm các nhà máy ở ven đô TP HCM và ngoại thành Hà Nội, xa các trung tâm công nghiệp lâu đời. Đây là hai thành phố lớn có mức lương của người lao động tăng với tốc độ khoảng 7% hàng năm trong nhiều năm.
"Trong tương lai, các doanh nghiệp khối FDI sẽ có thể xây dựng các nhà máy mới ở cả vùng nông thôn, nơi phần lớn lao động vẫn đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp", chuyên gia nhận định.
Đại diện VinaCapital nhận định 12 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 rõ ràng cũng sẽ thúc đẩy giá bất động sản tại nhiều khu vực, thúc đẩy sự phát triển hơn nữa của các đô thị vệ tinh quanh TP HCM, Hà Nội, và thậm chí cả Đà Nẵng, và sẽ giúp giảm chi phí logistics ở Việt Nam.
Trước đó, ngày 11/1, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng.
Dự án dài 729 km được chia thành 12 dự án thành phần trên các đoạn Bãi Vọt (Hà Tĩnh) - Cam Lộ (Quảng Trị), Quảng Ngãi - Nha Trang và Cần Thơ - Cà Mau; tiến độ cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.