Vĩnh Phúc dự chi 9.000 tỷ cho hạ tầng trong 2023, tập trung hoàn thiện các đường vành đai

Theo kế hoạch năm 2023, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ dành 8.983 tỷ đồng vốn đầu tư công cho đầu tư xây dựng các công trình, dự án, xây dựng hệ thống hạ tầng.

Một góc TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay. (Ảnh: Đảng Cộng sản).

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Vĩnh Phúc, ước tính hết năm nay, Vĩnh Phúc sẽ giải ngân được 9.950 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt xấp xỉ 95% kế hoạch địa phương giao và tăng 43% kế hoạch vốn Trung ương giao.

Đặc biệt, từ việc phân bổ nguồn vốn có trọng tâm, trọng điểm theo hướng ưu tiên các dự án có tính kết nối liên vùng, có tính động lực và sức lan tỏa rộng, các dự án văn hóa, xã hội phục vụ an sinh xã hội.

Trong năm, tỉnh có nhiều công trình, dự án lớn được khánh thành, đưa vào hoạt động như: Dự án nhà điều trị nội trú và nhà kỹ thuật nghiệp vụ, các công trình phụ trợ Bệnh viện đa khoa tỉnh; cầu Đầm Vạc, đường nối từ Hợp Châu - Đồng Tĩnh đến khu danh thắng Tây Thiên, đường vành đai 4, đoạn Yên Lạc – Bình Dương, Quảng trường văn hóa và Trung tâm văn hóa thể thao huyện Yên Lạc…

Tỉnh đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện hàng chục dự án lớn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

Theo kế hoạch, năm 2023, Vĩnh Phúc sẽ dành 8.983 tỷ đồng vốn đầu tư công cho đầu tư xây dựng các công trình, dự án, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương 345 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương 7.344 tỷ đồng.

Dự kiến nguồn vốn trên sẽ được ưu tiên cho các dự án xây dựng hạ tầng khung đô thị Vĩnh Phúc, nhất là các công trình trọng điểm về kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội, các dự án giao thông, từng bước hoàn thiện các tuyến vành đai 2, vành đai 3, vành đai 4 đô thị Vĩnh Phúc.

Cụ thể, đối với nguồn vốn Trung ương giao, Vĩnh Phúc sẽ dành khoảng 100 tỷ đồng xây dựng dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng thủ đô; dành trên 204 tỷ đồng cho các dự án chuyển tiếp, dự án mới. Với nguồn vốn ngân sách địa phương, tỉnh sẽ phân bổ 30% về cấp huyện, 30% cho các ngành, lĩnh vực. Đồng thời, bố trí vốn đối ứng các dự án sử dụng vốn vay ODA, các dự án trọng điểm, các dự án chuẩn bị đầu tư và các chương trình, nhiệm vụ theo nghị quyết của HĐND tỉnh.

Trong số 9 huyện, thành phố, Phúc Yên được phân bổ vốn đầu tư công nhiều nhất, với trên 205 tỷ đồng. Tiếp đến là TP Vĩnh Yên gần 174 tỷ đồng; huyện Tam Dương có vốn đầu tư công được phân bổ thấp nhất trong năm 2023, với 95 tỷ đồng.

Đối với các ngành, lĩnh vực, nguồn vốn được ưu tiên cho các chương trình, hoạt động, lĩnh vực  kinh tế với trên 174 tỷ đồng, lĩnh vực an ninh và trật tự xã hội trên 230 tỷ đồng.

UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các chủ đầu tư tập trung giải quyết các thủ tục phê duyệt dự án đầu tư mới, dự án quyết toán hoàn thành; đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư phục vụ các dự án; thường xuyên rà soát, cập nhật tiến độ thực hiện, đề xuất các khó khăn, vướng mắc, định kỳ báo cáo UBND tỉnh trước ngày 20 hằng tháng.

Cùng với đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, khắc phục tình trạng bố trí vốn phân tán, dàn trải, nâng cao hiệu quả đầu tư theo kế hoạch đầu tư công trung hạn.

chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.