Ra mắt nền tảng họp trực tuyến đầu tiên của Việt Nam, có thể tổ chức phòng họp đến 100 người với thời gian liên tục 24 giờ

Đây là nền tảng hội nghị trực tuyến đầu tiên do chính đội ngũ kĩ sư Việt Nam phát triển và làm chủ công nghệ, đã sẵn sàng cung cấp rộng rãi các tổ chức, doanh nghiệp và người dân.

Ra mắt nền tảng hội nghị trực tuyến đầu tiên của Việt Nam

Chiều ngày 15/5, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức lễ khai trương nền tảng hội nghị trực tuyến Zavi "Make in Việt Nam". Đây là nền tảng hội họp trực tuyến đầu tiên do chính đội ngũ kĩ sư của Việt Nam phát triển và làm chủ.

Theo Bộ TT&TT, hiện tại Zavi đã có thể hỗ trợ cuộc họp lên đến 100 người trong thời gian liên tục 24 tiếng với thao tác đơn giản, dễ sử dụng với người Việt. Phiên bản gần nhất đã có các tính năng cơ bản của một hệ thống video conferencing, và vẫn đang liên tục được nâng cấp, hoàn thiện và phát triển.

Đặc biệt, nền tảng này dùng 100% băng thông trong nước.

'Kì lân' VNG trình làng nền tảng hội họp trực tuyến đầu tiên của riêng Việt Nam - Ảnh 1.

Zavi là nền tảng hội nghị trực tuyến đầu tiên của Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình).

Trong thời gian tới, Zavi sẽ tiếp tục được nâng cấp và hoàn thiện trên các hệ điều hành như Android, Mac OS và các trình duyệt. Ngoài ra, Zavi dự kiến sẽ cung cấp dịch vụ giải pháp hội nghị trực tuyến dùng riêng trên hạ tầng điện toán đám mây (cloud) cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu.

Zavi cũng đang được nghiên cứu phát triển để có thể sử dụng chuyên biệt cho các cơ quan nhà nước.

Nền tảng này được kì vọng sẽ giúp ích được nhiều người trong giai đoạn bình thường mới, khi giao tiếp xã hội hạn chế, hạn chế tập trung đông người sẽ được duy trì để phòng ngừa các đại dịch lớn của nhân loại.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng, nền tảng này đã ra đời và chỉ trong thời gian khoảng 20 ngày giãn cách xã hội, cho thấy trình độ, năng lực của các kĩ sư Việt Nam với khát vọng làm ra các sản phẩm tiếp cận quốc tế.

Zavi cạnh tranh trực tiếp với Facebook Mesenger room

Thứ trưởng cũng chia sẻ, cách đây vài tiếng đồng hồ, mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook vừa công bố ra mắt nền tảng video conference với tên gọi Facebook Mesenger room.

Ứng dụng này của Facebook cho phép người dùng  tạo nhóm phòng họp hơn 50 người, cung cấp các tính năng cho khối doanh nghiệp, tổ chức như chia sẻ màn hình, qua đó cạnh tranh trực tiếp với các giải pháp hội nghị trực tuyến đình đám khác trong thời gian vừa qua như zoom, webex, microsoft team...

"Chính vì vậy, việc ra mắt nền tảng hội nghị trực tuyến Zavi hôm nay đã chứng tỏ khả năng cạnh tranh của chúng ta với thế giới", Thứ trưởng khẳng định.

Thứ trưởng yêu cầu đội ngũ Zavi tích cực nâng cấp, hoàn thiện hệ thống của mình để có thể cung cấp cho thị trường một nền tảng video conferencing chất lượng, an toàn và góp phần thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số Việt Nam.

Hiện tại, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã chỉ đạo Cục Tin học hoá hướng dẫn về chức năng và yêu cầu tính năng kĩ thuật cho hệ thống hội trực tuyến, tổ chức đánh giá các giải pháp của doanh nghiệp, và công bố các giải pháp đáp ứng tiêu chuẩn để các  cơ quan, tổ chức có cơ sở lựa chọn.

Thứ trưởng hi vọng, trong thời gian tới sẽ có nhiều sản phẩm công nghệ "make in Vietnam" được trình làng, khẳng định tiềm lực của doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, góp phần thúc đẩy  tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

Hiện tại, nền tảng hội nghị trực tuyến Zavi đang được miễn phí, người dân, tổ chức, doanh nghiệp có thể vào đường link: https://Zavi.me để sử dụng.

VNG là công ty công nghệ Việt Nam, thành lập năm 2004 với 4 mảng sản phẩm chính: Trò chơi trực tuyến, Nền tảng kết nối, Thanh toán điện tử và Dịch vụ đám mây. Sau 15 năm hoạt động, VNG là doanh nghiệp startup kì lân (unicorn) duy nhất tại Việt Nam khi được định giá trên 1 tỉ USD (World Start-up Report).

chọn
5 điểm nổi bật trong quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030
Thừa Thiên Huế là một trong những tỉnh được quy hoạch lên thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025. Cùng điểm qua những điểm nổi bật về quy hoạch tỉnh này thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.