Báo Nhật: Việt Nam dồn lực sản xuất máy thở, tham vọng trở thành trung tâm sản xuất của khu vực

Tờ Nikkei Asian Review của Nhật Bản nhận xét, việc Chính phủ huy động các doanh nghiệp sản xuất máy thở hoàn toàn phù hợp với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất của khu vực.

Chính phủ Việt Nam đã huy động các doanh nghiệp trong nước dồn lực sản xuất máy thở, trong một nỗ lực để chống lại làn sóng lây nhiễm Covid - 19 mới và các bệnh hô hấp truyền nhiễm khác.

Doanh nghiệp tiên phong là Vingroup, Tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam, đã chủ động tìm kiếm đối tác, xin giấy phép sở hữu trí tuệ và thực hiện nghiên cứu để sản xuất các thiết bị y tế.

Hôm thứ Ba, Vingroup cho biết họ đã chế tạo thành công các nguyên mẫu của hai loại máy thở. Đây là kết quả của sự hợp tác và đổi mới giữa Vingroup và Viện Công nghệ Massachusetts, cùng công ty Medtronic của Hoa Kỳ.

Báo Nhật: Dồn lực sản xuất máy thở, Việt Nam đang tham vọng trở thành trung tâm sản xuất của khu vực - Ảnh 1.

Máy thở là thiết bị quan trọng trong đại dịch Covid - 19. (Ảnh: AP).

Vingroup cho biết lô máy thở đầu tiên này đã sẵn sàng cho các thử nghiệm cuối cùng vào giữa tháng 5, và dự kiến có một mốc thời gian tương tự để có được giấy phép sản xuất hàng loạt. Nhà máy của Vingroup có thể sản xuất tới 55.000 chiếc máy thở mỗi tháng, và sẵn sàng hợp tác với các đối tác khác để cung ứng cho thị trường nước ngoài.

Vào ngày 22/4, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới dỡ bỏ các lệnh cách li trên cả nước. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam muốn đảm bảo rằng đất nước sẽ không bị thiếu thiết bị y tế, đặc biệt là máy thở, trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm Covid - 19 thứ hai đang tấn công nước láng giềng Singapore.

Động thái của chính quyền cũng liên quan đến việc nước này có chung đường biên giới dài 1.200 km với Trung Quốc, và thường xuyên chịu ảnh hưởng các bệnh truyền nhiễm từ đất nước tỉ dân. Chẳng hạn đại dịch SARS 2003.

"Việt Nam đang đối mặt những thách thức khi phải nhập khẩu máy thở", Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói. "Do nhu cầu đang vượt xa nguồn cung".

Bộ Y tế cũng đang hỗ trợ sản xuất các thiết bị như máy tiêm truyền, máy lọc máu, và những thiết bị khác, theo một tài liệu được công bố chính thức vào tháng 4/2020.

Bộ chưa cho biết sẽ cần bao nhiêu máy thở, nhưng theo một số ước tính, hiện Việt Nam đang có tổng cộng 4.000 máy thở, và tại Hà Nội - một trong những nơi tập trung đông các bệnh viện nhất cả nước, chỉ có 300 thiết bị.

Động thái của Chính phủ cũng phù hợp với tham vọng đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất của khu vực.

Việt Nam muốn các nhà sản xuất trong nước khai thác thị trường y tế và xuất khẩu sản phẩm. Trước đó, Việt Nam cũng đã phát triển thành công bộ dụng cụ xét nghiệm Covid - 19, hiện đã có mặt tại một số thị trường châu Âu như Anh, Phần Lan, Ba Lan và Ukraine.

Mới đây, ngày 15/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các cơ quan liên quan dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu thiết bị y tế, như khẩu trang y tế, và quần áo bảo hộ. sau khi đảm bảo được nguồn dự trữ trong nước.

Hãng sản xuất điện thoại thông minh Việt Nam, BKAV cũng cho biết đã tham gia vào thị trường sản xuất máy thở. Thông tin từ hãng nguyên mẫu đầu tiên sẽ sẵn sàng vào giữa tháng 5/2020. 

Metran, một công ty Nhật Bản có nhà máy ở Việt Nam, cũng nói rằng sẽ tăng sản lượng để sản xuất máy thở cung cấp cho thị trường.

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.