Vừa mở cửa bước vào nhà kính trồng dâu tây của bà Võ Thị Hương (60 tuổi) ở thôn Bình Quý, thị trấn Phước Dân (Ninh Phước), chúng tôi đã ngửi thấy mùi thơm từ hàng ngàn chậu dâu tây đang đơm hoa, kết trái. Khác với Đà Lạt, bà Hương không trồng dâu tây trên luống mà trồng trong các chậu nhựa nhỏ xinh như cây cảnh.
Trong chậu, những cây dâu chỉ mới cao hơn 1 tấc nhưng cành lá sum xuê, xanh mướt, lủng lẳng những chùm dâu tây chín đỏ, căng mọng. Đưa chúng tôi tham quan khu nhà kính rộng 600 mét vuông, bà Hương cho biết 5.000 chậu dâu tây của bà đã thu hoạch được 2 đợt, đợt thứ 3 cũng đang kết trái. Hiện có khá đông khách đến tham quan và mua dâu nhưng số lượng không đủ bán.
Nói về cơ duyên đến với nghề trồng dâu, bà Hương tự nhận mình là người duy mĩ, yêu thích cái đẹp, mê trồng hoa trái, sau khi nhìn thấy nhà người quen ở Tây Ninh trồng dâu tây trong chậu để làm cảnh, bà cảm thấy rất thích. Từ đó bà ấp ủ dự định tự tay trồng một vườn dâu tây trên chính vùng đất quê mình.
Tháng 6/2019, bà lên Đà Lạt mua 200 cây dâu tây về trồng thử nghiệm trong vườn nhà. Sau một thời gian quan sát, bà Hương nhận thấy loại dâu này vẫn có thể trồng được ở Ninh Thuận, nhưng năng suất không cao và cho trái rất chua, do không phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng.
Vốn là người năng động, ham học hỏi, bà Hương bắt đầu dành thời gian nghiên cứu, mày mò tìm phương pháp “khắc chế” những khuyết điểm mà giống dâu mua về còn mắc phải. Cuối cùng, bà đã tìm được cho mình một phương pháp riêng, giúp dâu tây thích nghi và cho trái ngọt trên vùng đất Ninh Thuận.
Tính đến thời điểm này, bà Hương là người đầu tiên, và cũng là người duy nhất trồng được vườn dâu tây trên đất Ninh Thuận. Dù đã ở tuổi 60, hàng ngày bà Hương vẫn tất bật từ sáng đến tối với vườn dâu. Khi thì chăm sóc, tưới cây, hái quả, lúc thì ủ hạt, cấy mô.
Vừa tưới cây, bà Hương vừa cười nói: Thực ra trồng dâu chỉ cần kiên trì, chịu khó tìm hiểu kĩ đặc tính, môi trường sống của nó một chút thì rất dễ. Cây dâu ưa mát, nên hạt giống sau khi mua về tôi sẽ ủ trong khăn lạnh 1 tuần, sau đó gieo vào chậu thủy tinh với một lớp đất mỏng, chăm sóc khoảng 20 ngày hạt giống sẽ lên cây con.
Trước khi trồng thì lấy xơ dừa tạo độ ẩm, xốp cho đất, sau đó tăng cường phân chuồng, tuyệt đối không được dùng phân hóa học.
Điều khác lạ nhất ở vườn dâu này là cứ 3 ngày đến 1 tuần, tùy theo tình trạng phát triển của mỗi cây dâu, bà Hương sẽ tưới dâu bằng… sữa.
Bà Hương chia sẻ, đây cũng là một phát hiện tình cờ trong quá trình trồng dâu. “Có những cây dâu cằn cỗi đến mức mặc dù đã được tưới nước, bón phân kĩ càng nhưng vẫn khô queo, không phát triển nổi. Thấy những hộp sữa tươi cháu ngoại chưa kịp uống đã hết hạn, lên men, đổ đi thì tiếc, nên tôi thử tưới cho cây, không ngờ chỉ sau 3 ngày, cây dâu được tưới sữa bung lá, đặc biệt cho trái thơm và ngọt hơn những chậu dâu chỉ tưới bằng nước. Vậy là từ đó tôi mua sữa tươi về ủ, tưới cho cả vườn”, bà Hương thích thú khoe.
Sau nửa năm kiên trì trồng dâu với những phương pháp đặc biệt, hiện tại bà Hương đang sở hữu 5.000 chậu dâu.
Bà cho biết, sau khi cấy mô tầm 3 tháng, dâu tây sẽ đơm bông, kết trái liên tục trong suốt 3 năm. Trung bình 1 chậu dâu tây bà thu hoạch được 2kg mỗi đợt, với giá bán 300.000 đồng/kg, trong khi tiền đầu tư ban đầu cho mỗi chậu chỉ khoảng 150.000 đồng.
Một tháng gần đây, các bạn trẻ Ninh Thuận đến tham quan vườn dâu rất đông, một số trường học cũng đưa học sinh đến trải nghiệm.
Anh Phạm Thanh Tùng, du khách ở Tp. Phan Rang- Tháp Chàm, cho biết: Tôi rất tò mò khi biết ở tỉnh mình có một vườn dâu tây. Sau khi đưa vợ con đến tận nơi tham quan thì tôi cảm thấy rất thích thú, không ngờ vườn dâu không chỉ đẹp mà trái dâu còn rất thơm và ngọt. Chắc chắn đây sẽ là một địa điểm thu hút khách du lịch đến với Ninh Thuận, và sắp tới chắc là sẽ có rất nhiều bạn trẻ tìm đến vườn dâu để chụp ảnh.
Hiện tại, bà Hương đang xây dựng thêm nhà kính thứ 2 rộng hơn 1 sào để mở rộng vườn dâu. Bên cạnh đó, bà còn trồng hoa và xây dựng các tiểu cảnh đẹp để phục vụ khách du lịch đến tham quan trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.