Vượt rào khổ cực đi thi như Nguyễn Thị Thành, luật có nên nới lỏng?

Nhiều chuyên gia bày tỏ, đã đến lúc nên nới lỏng luật để người đẹp Việt có nhiều điều kiện mang hình ảnh đất nước con người Việt Nam quảng bá ra thế giới.
vuot rao kho cuc di thi nhu nguyen thi thanh luat co nen noi long

Hình ảnh của Nguyễn Thị Thành khi dự thi Miss Eco International 2017. Ảnh: TL.

Người đẹp lận đận vì nhan sắc

Trong lịch sử nhan sắc Việt, chưa bao giờ có người đẹp nào lại khiến báo chí tốn nhiều giấy mực như người đẹp Nguyễn Thị Thành. Cả 3 cuộc thi cô “dính dáng” đến là Hoa hậu Việt Nam 2016, Hoa khôi Du lịch Việt Nam 2017 và mới đây nhất là Hoa hậu Môi trường quốc tế 2017 (Miss Eco International 2017) đều có những lùm xùm kéo dài.

Nếu ở Hoa hậu Việt Nam 2016 cô bị BTC “tố” gian dối khi làm nguỵ tạo bằng chứng để “trong sạch hoá” việc làm răng; Hoa khôi Du lịch Việt Nam 2017 thì đăng quang Á khôi 1 chưa được một ngày đã bị tước vương miện và chưa kịp bước chân lên máy bay sang Ai Cập để tham gia Miss Eco International 2017 đã bị phản ánh vì thi chui và bị Cục Nghệ thuật biểu diễn triệu hồi để xử lý vi phạm.

Và dù mới đây Nguyễn Thị Thành vừa lọt vào top 10 thí sinh tài năng nhất của Miss Eco International 2017 nhưng “án” thi chui vẫn như một chiếc “vòng kim cô” treo lơ lửng trên đầu. Nếu về nước, người đẹp này chắc chắn phải đối mặt với hình thức xử lý nghiêm khắc từ Bộ VHTT&DL, Cục Nghệ thuật biểu diễn và Sở VH-TT TP.HCM.

Nhiều người gọi Nguyễn Thị Thành là người đẹp “gan lì” nhất Việt Nam khi tham dự cuộc thi ở nước ngoài sau khi vừa bị tước danh hiệu Á hậu… Tất nhiên, bên cạnh đó cũng có người cảm thông bởi khát khao chinh phục đấu trường nhan sắc của một cô gái trẻ không phải là tội lỗi.

vuot rao kho cuc di thi nhu nguyen thi thanh luat co nen noi long

Thực tế, Nguyễn Thị Thành từng tuyên bố: "Tôi là công dân Việt Nam nên sẽ tuân thủ mọi quy định của pháp luật Việt Nam"… nhưng sau lời tuyên bố chắc nịch ấy cô lại âm thầm chuẩn bị hành trang cho chuyến đi tới Ai Cập để dự thi Miss Eco International 2017 đã khiến nhiều người quay lưng lại với cô.

Nhiều người cho rằng, kể cả việc Nguyễn Thị Thành có đạt được ngôi vị cao nhất tại Miss Eco International 2017 thì cô cũng không phải là một người đẹp đáng được thừa nhận. Bởi nếu cô muốn trở thành một nhan sắc đại diện cho hàng triệu người thì trước hết cô phải là công dân thượng tôn pháp luật. Việc vượt rào để được có mặt tại cuộc thi này, bất chấp sự từ chối cấp phép từ nhà chức trách là việc không thể thông cảm cho Nguyễn Thị Thành.

Nên nới lỏng luật để không phí phạm nhan sắc?

Trong những năm gần đây, không năm nào ở Việt Nam không có những trường hợp vượt rào “thi chui”. Những cái tên như: Cao Thùy Linh, Kim Duyên, Huỳnh Thúy Anh, Diệu Linh, Tường Vy, Lâm Thùy Anh, Oanh Yến... vẫn còn được lưu trong hồ sơ xử phạt “thi chui” của Cục Nghệ thuật biểu diễn. Câu hỏi đặt ra là đến bao giờ, vấn nạn này mới chấm dứt? Và chấm dứt như thế nào để người đẹp Việt không bị phí phạm nhan sắc nhưng cũng không vi phạm pháp luật.

Theo quy định, chỉ 3 người đẹp đạt danh hiệu cao nhất tại các cuộc thi Hoa hậu, Hoa khôi, Người đẹp… mới được cấp phép dự thi các cuộc thi quốc tế. Và điều này từng khiến nhiều chuyên gia lên tiếng gọi đó là “vòng kim cô”.

vuot rao kho cuc di thi nhu nguyen thi thanh luat co nen noi long

Công văn hoả tốc của Cục Nghệ thuật biểu diễn đề nghị Sở VH-TT TP.HCM xử lý vụ Nguyễn Thị Thành thi chui Miss Eco International 2017. Ảnh: TL.

Cựu người mẫu Thuý Hằng cho rằng, phần lớn các cuộc thi sắc đẹp trên thế giới đều không thuộc quyền quản lý của các cơ quan nhà nước, họ được tự do tổ chức các cuộc thi quốc gia và tiếp tục thi các cuộc thi quốc tế. Ví dụ, cuộc thi Miss Universe thuộc Tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ (Miss Universe Organization) được tạo thành bởi sự cộng tác giữa NBC và Tỷ phú Donald Trump; cuộc thi Hoa hậu Thế giới thuộc Công ty TNHH Hoa hậu Thế giới là một công ty tư nhân do Ông Eric Morley sáng lập và hiện nay bà Julia Morley (vợ ông) làm chủ tịch cuộc thi. Vì thế, họ được phép gửi thư mời trực tiếp cho các người đẹp ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Sự phát triển này buộc nhiều quốc gia cũng phải điều chỉnh luật, tạo điều kiện cho các người đẹp có cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước và con người của quốc gia mình ra thế giới. Việt Nam cũng không nên tách mình ra khỏi xu hướng phát triển ấy.

“Cha đẻ” của Hoa hậu Việt Nam là nhà thơ, nhà báo Dương Kỳ Anh cũng cho rằng, Việt Nam cần nới lỏng luật để tạo điều kiện cho các người đẹp có cơ hội được tham gia các cuộc thi nhan sắc ở ngoài nước.

“Các bạn trẻ nhận thấy mình đẹp, có thể đáp ứng được các điều kiện của cuộc thi, có đủ điều kiện để ra nước ngoài… thì nên tạo điều kiện cho họ. Tuy nhiên, luật cũng nên quy định cụ thể rằng, các người đẹp đạt giải cao hoặc đã có danh hiệu tại các cuộc thi Hoa hậu, Hoa khôi, Người đẹp… trong nước thì mới được phép đại diện cho đất nước đi thi, còn những người không nằm trong đối tượng quy định đó nếu có nhu cầu chỉ được phép đi thi với tư cách cá nhân nếu không phải là đối tượng đang vi phạm pháp luật. Và khi đã đi thi như thế thì tuyệt đối không được lấy danh nghĩa của quốc gia và càng không được làm gì ảnh hưởng đến quốc gia, dân tộc. Nếu vi phạm lúc đó phạt thì mới hợp lý”, nhà báo Dương Kỳ Anh nói.

Thạc sĩ, Luật sư Tô Đình Huy - Trưởng văn phòng Luật sư Tô Đình Huy cho rằng, việc người đẹp đi ra nước ngoài tham gia các cuộc thi sắc đẹp vẫn cần có sự quản lý của Nhà nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập trong lĩnh vực văn hóa ngày càng sâu rộng như hiện nay, Việt Nam cần thể hiện và nâng cao hình ảnh con người, văn hóa, du lịch… thì cần có chính sách mang tính chất khuyến khích người đẹp ra nước ngoài thi sắc đẹp.

Theo ông Tô Đình Huy, quy định về điều kiện đối với các thí sinh được phép ra nước ngoài dự thi như hiện nay là hẹp và cứng nhắc, dẫn đến các trường hợp cố tính “xé rào” như thời gian qua.

vuot rao kho cuc di thi nhu nguyen thi thanh luat co nen noi long

Người mẫu Thuý Hằng cho rằng, nếu được, nên thành lập một hội đồng thẩm định các cuộc thi, họ sẽ có trách nhiệm khảo sát các cuộc thi trên thế giới với những tiêu chí cụ thể về lịch sử cuộc thi, ban tổ chức, đơn vị nắm giữ bản quyền cuộc thi và phân cấp các cuộc thi lớn – nhỏ. Sau đó, sẽ đưa ra quy định cụ thể cho các người đẹp tham dự cuộc thi. Chẳng hạn, Top 5 cuộc thi lớn và danh giá nhất thế giới (Miss World, Miss Universe, Miss Earth, Miss International, Miss Supranational) dành cho Top 3 các người đẹp đạt giải quốc gia.

Top 10 các cuộc thi tiếp theo dành cho các người đẹp đạt Top 10 hoặc giải phụ thuộc các cuộc thi quốc gia. Các cuộc thi nhỏ còn lại sẽ được xét theo các tiêu chí khác, phụ thuộc vào mục đích từng cuộc thi. Với các cuộc thi nhỏ, thí sinh đăng ký xin giấy phép sẽ phải có một bản giới thiệu về cuộc thi do ban tổ chức cuộc thi gửi (bao gồm cả lịch sử cuộc thi và hồ sơ năng lực cuộc thi), một bản giấy mời thí sinh; đồng thời thí sinh cũng phải chứng minh được năng lực tài chính để đảm bảo tham gia cuộc thi không gây ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia cũng như nộp một khoản lệ phí (như lệ phí visa) để xin cấp phép.

Theo các chuyên gia, có như thế, Việt Nam mới không bị phí phạm nhan sắc, phí phạm cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên đấu trường nhan sắc quốc tế và các cơ quan quản lý cũng không phải “đau đầu” khi xử lý các trường hợp “thi chui”.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.