Xót xa bữa ăn toàn rau chấm muối trên hành trình tìm 'con chữ' của học sinh Tây Nguyên

Nói là bữa cơm nhưng thức ăn của các em học sinh nơi đây chỉ toàn cơm trắng với rau, có khi vài tháng mới được ăn thịt một lần... 
xot xa bua an toan rau cham muoi tren hanh trinh tim con chu cua hoc sinh tay nguyen
Các em học sinh ở trường Tiểu học La Văn Cầu đa phần là đầu trần, chân đất đến trường. Ảnh: Trang Anh

Vào một ngày giữa tháng 4, chúng tôi có dịp ghé thăm trường Tiểu học La Văn Cầu (xã Đắk R’Măng, huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông). Đi khoảng 10km trên con đường đất đỏ, bụi bay mù trời vòng quanh núi chúng tôi mới đến được nơi đây.

Theo thầy Hà Hữu Phong, Hiệu trưởng Trường Tiểu học La Văn Cầu, hiện tại trường có 673 học sinh thuộc 21 lớp. Trong đó có 98% các em học sinh là người đồng bào dân tộc Mông.

Do điều kiện kinh tế khó khăn, bố mẹ phải đi làm cả ngày nên từ sáng sớm gia đình đã chuẩn bị cơm nước trước cho các em. Chính vì không có ai ở nhà nên các em thường rủ nhau mang cơm đến trường từ rất sớm.

Sau khi kết thúc giờ học buổi sáng, mặt trời đã lên đến đỉnh, tiếng trống trường giục giã vang lên cũng là lúc các em học sinh ý ới gọi nhau mang cơm ra ăn cùng. Những nắm cơm được gói trong túi nilong, hay trong cặp lồng cũng đã nguội ngắt. Mở gói cơm ra, mặc dù thức ăn chỉ toàn là rau với rau nhưng các em vẫn tươi cười ăn uống ngon lành.

xot xa bua an toan rau cham muoi tren hanh trinh tim con chu cua hoc sinh tay nguyen
Em Bầu ngồi một mình trong lớp học "thưởng thức" bữa cơm trưa của mình. Ảnh: Trang Anh

Ngồi nép mình vào một góc trong lớp học để ăn cơm trưa, em Lý Thị Bầu (học sinh lớp 5A) cho biết, em là chị cả trong gia đình có 3 chị em. Hàng ngày cứ vào 6h sáng em lại mang cặp sách và cơm bố mẹ chuẩn bị sẵn để đến trường đi học.

Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên trong bữa cơm của gia đình em dường như không có thịt. Mỗi ngày đến trường hộp cơm của em chủ yếu là rau, hôm nào “giàu” hơn thì có thêm ít đậu khuôn “kho nát”.

xot xa bua an toan rau cham muoi tren hanh trinh tim con chu cua hoc sinh tay nguyen
Hôm nay, Bầu có bữa cơm "tươm tất" vì ngoài rau còn có "đậu kho nát". Ảnh: Trang Anh

“Ngày nào em đi học thì trước khi đi làm bố mẹ đều chuẩn bị sẵn cơm cho em mang theo. Đồ ăn đi cùng với cơm của em chủ yếu là muối mì tôm và rau, có hôm là đậu kho. Hôm nay, em ăn cơm với đậu, đây cũng là món ăn em thích nhất. Còn thịt, cá chắc thì chắc vài tháng gia đình em mới được ăn một lần”, em Bầu nói.

Không được bố mẹ chuẩn bị sẵn cơm như em Bầu, em Giàng Thị Ly (học sinh lớp 4C, thôn 5, xã Đắk R’Măng) cho biết, từ năm học lớp 2 em đã biết nấu cơm phụ giúp bố mẹ.

Theo đó, hàng ngày em phải dậy từ 4h sáng để chuẩn bị cơm cho cả nhà. Đến khoảng 6h, em lại ôm cặp sách và mang theo túi nilong đựng sẵn cơm đến trường.

Kết thúc giờ học sáng, em Ly cùng các bạn ở lớp mang cơm ra ngồi ăn cùng nhau. Nhìn túi cơm với thức ăn chỉ toàn rau với rau khiến nhiều người không khỏi xót xa. Mặc dù thức ăn đạm bạc nhưng em vẫn ăn ngon lành như đang thưởng thức mâm cơm với “sơn hào hải vị”.

xot xa bua an toan rau cham muoi tren hanh trinh tim con chu cua hoc sinh tay nguyen
Em Ly với nắm cơm trên tay dù đã nguội lạnh, khô cứng nhưng vẫn ăn ngon lành. Ảnh: Trang Anh

Dưới cái nắng nóng của buổi trưa hè, chị Vàng Thị Chu (30 tuổi, thôn 6) với bộ quần áo truyền thống tất tả đến trường đón con.

Lau vội giọt mồ hôi trên trán, chị Chu cho hay, chị có 4 người con, trong đó có 3 người đang học tập tại trường. Những hôm các con đi học cả ngày chị đều phải chuẩn bị cơm cho con mang theo. Tuy nhiên, bữa cơm của các con đa phần là rau, lâu lâu gia đình mới có thể cho con ăn thịt.

“Nhà đông con, con lại còn nhỏ nên tôi phải ở nhà trông các cháu chỉ còn mình chồng là đi làm. Nhà cũng không có ruộng, rẫy nên việc cho các con có bữa cơm với thịt là rất khó, mặc dù gia đình rất mong con được ăn đầy đủ chất”, chị Chu nghẹn ngào nói.

xot xa bua an toan rau cham muoi tren hanh trinh tim con chu cua hoc sinh tay nguyen
Một em học sinh ngồi một mình ăn trưa dưới ghế đá trường. Ảnh: Trang Anh

Thầy Hà Hữu Phong, Hiệu trưởng Trường Tiểu học La Văn Cầu cho biết, do các em học sinh tại đây đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số nên việc truyền dạy kiến thức cho các em là rất khó khăn. Chính vì vậy, đối với các em học sinh lớp 1 ngay từ đầu năm nhà trường đã tổ chức mở lớp cho các em làm quen trước 2 tuần.

“Các em học sinh nơi đây đa phần phát âm không chuẩn nên đến khi viết cũng không chuẩn. Do đó, vào những buổi rảnh rỗi trong tuần các thầy cô thường xuyên bổ sung kiến thức để các em theo kịp với bạn bè”, thầy Phong cho biết.

Liên quan đến vấn đề này, ông Đoàn Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk R’Măng cho biết, các em học sinh học tại Trường Tiểu học La Văn Cầu đa phần là người đồng bào dân tộc thiểu số với nghề làm nông là chủ đạo.

Ông Hoàng còn cho hay, một số em có nhà cách trường từ 7-10km nên phải đi học từ 5-6h sáng. Những em học buổi chiều hoặc cả ngày thường mang theo cơm đến trường ăn.

Cũng theo ông Hoàng, đối với những em học sinh cấp bậc mẫu giáo và tiểu học có nhà cách trường hơn 4km, học sinh THCS có nhà cách trường trên 7km sẽ được nhận hỗ trợ 15kg gạo/tháng.

Theo vị Phó Chủ tịch, vừa qua xã cùng Ban Giám hiệu nhà trường đã làm việc với đoàn từ thiện để lên phương án xây dựng bếp ăn tình thương cho các em. Ý tưởng đề ra thì các em sẽ tự mang bát đũa đến trường, còn các thầy cô giáo trong trường sẽ thay phiên nhau nấu thức ăn cho các em.

xot xa bua an toan rau cham muoi tren hanh trinh tim con chu cua hoc sinh tay nguyen Sự thật cay đắng đằng sau việc 2 trẻ em dân tộc thiểu số bị đưa xuống Sài Gòn lao động

Sau khi được cơ quan chức năng đưa từ TP Hồ Chí Minh về với bố mẹ, 2 cháu nhỏ cho biết mình đã bị ...

xot xa bua an toan rau cham muoi tren hanh trinh tim con chu cua hoc sinh tay nguyen Học sinh lớp 8 thắt cổ tự tử sau khi bị công an xã bắt xe

Một em học sinh lớp 8 đã ra vườn nhà thắt cổ tự tử ngay sau khi bị công an xã tạm giữ xe máy.

chọn
Chung cư Hà Nội đã cắt sốt
Theo lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc, khi mọi người xếp hàng để mua BĐS thì có nghĩa thị trường đang FOMO. Dự báo 3-6 tháng tới, khi lãi suất điều chỉnh tăng để giải quyết vấn đề tỷ giá, nhu cầu mua trên thị trường sẽ giảm.