Giảm sàn 11 phiên liên tiếp, vốn hóa mất hơn 4.000 tỉ đồng, Yeah1 chi mạnh tiền mua cổ phiếu, giải trình với Ủy ban Chứng khoán

Đóng cửa phiên giao dịch sáng 19/3, cổ phiếu YEG tiếp tục giảm 7.700 đồng, xuống mức 102.800 đồng/cổ phiếu, bất chấp thông tin HĐQT Yeah1 chi tiền mua hơn 3 triệu cổ phiếu.

Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1 đã công bố đăng kí mua lại 3,12 triệu cổ phiếu, tương đương gần 10% vốn cổ phần đã phát hành trên thị trường. Đồng thời, Yeah1 cũng giải trình với Ủy ban Chứng khoán nhà nước về việc giảm sàn 11 phiên liên tiếp.

Mua cổ phiếu quĩ tăng 5 lần so với trước đó

Tối 18/3, Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1 đã ban hành Nghị quyết HĐQT về việc mua lại cổ phiếu quĩ thay cho phương án cũ đã thông qua vào ngày 7/3 trước đó.

Cụ thể, HĐQT tập đoàn này đã thông qua việc thay đổi mục đích sử dụng vốn từ nguồn vốn phát hành riêng lẻ năm 2018, sử dụng một phần tiền thu được từ đợt phát hành cổ phiếu tăng vốn hoàn thành ngày 21/8/2018 để thực hiện mua lại cổ phiếu quĩ.

Giảm sàn 11 phiên liên tiếp, vốn hóa mất hơn 4.000 tỉ đồng, Yeah1 chi mạnh tiền mua cổ phiếu, giải trình với Ủy ban Chứng khoán - Ảnh 1.

HĐQT Yeah1 công bố đăng kí mua lại 3,12 triệu cổ phiếu, tương đương gần 10% vốn cổ phần đã phát hành.

Tổng số lượng tối đa cổ phiếu Yeah1 dự kiến đăng ký mua lại là 3,12 triệu cổ phiếu, tương đương gần 10% vốn cổ phần đã phát hành trên thị trường thông qua các giao dịch khớp lệnh và thỏa thuận. Hiện công ty này chưa sở hữu cổ phiếu quỹ nào.

Trước đó, ngày 7/3, Yeah1 cũng ban hành Nghị quyết HĐQT về việc mua lại cổ phiếu quĩ. Tổng số cổ phiếu dự kiến đăng kí mua là 600.000 cổ phiếu, tương đương gần 2% số lượng cổ phiếu đã phát hành của công ty.

Như vây, Nghị quyết mới đã được Yeah1 thay thế cho nghị quyết cũ, với tổng số lượng cổ phiếu dự kiến mua gấp hơn 5 lần so với trước đó. Động thái này được đưa ra khi cổ phiếu của Tập đoàn liên tục rớt giá 11 phiên liên tiếp kể từ khi sự cố liên quan YouTube xảy ra.

Yeah1 cho hay việc mua lại cổ phiếu quĩ nhằm giảm lượng cổ phiếu đang lưu hành, hỗ trợ giao dịch và đảm bảo lợi ích cổ đông.

Dự kiến, giao dịch sẽ được thực hiện trong vòng 30 ngày kể từ ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo nhận được đầy đủ tài liệu báo cáo mua lại cổ phiếu, và sau 7 ngày làm việc kể từ ngày Yeah1 công bố thông tin.

Cũng trong nghị quyết lần này, giá mua vào và khối lượng đặt mua hàng ngày được Yeah1 cho biết sẽ tuân theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về việc giao dịch cổ phiếu quĩ trên thị trường.

Yeah1 giải trình gì với Ủy ban Chứng khoán nhà nước?

Chốt phiên giao dịch hôm qua, ngày 18/3, cổ phiếu YEG của Yeah1 chỉ còn 110.500 đồng. Đây là phiên giảm sàn thứ 11 liên tiếp của Tập đoàn này, từ mức 245.000 đồng/cổ phiếu, đã rơi xuống mức 110.500 đồng. Cổ phiếu của Yeah1 đã mất gần 55% giá trị và vốn hóa công ty cũng bốc hơi hơn 4.000 tỉ đồng.

Giảm sàn 11 phiên liên tiếp, vốn hóa mất hơn 4.000 tỉ đồng, Yeah1 chi mạnh tiền mua cổ phiếu, giải trình với Ủy ban Chứng khoán - Ảnh 2.

Diễn biến giá cổ phiếu Yeah1 6 tháng qua.

Cũng trong cuối ngày hôm qua, Yeah1 đã có giải trình gửi Ủy ban Chứng khoán nhà nước về biến động giá cổ phiếu sau 11 phiên giảm sàn liên tiếp.

Tập đoàn này dẫn lại những thông tin công bố trước đó về việc YouTube chấm dứt thỏa thuận lưu trữ nội dung và những động thái gần đây để "làm rõ thêm với Youtube về bản chất hoạt động, uy tín của tập đoàn cũng như từng đơn vị độc lập trực thuộc Yeah1".

Cụ thể, Yeah1 cho biết đã cân nhắc và quyết định bán lại 100% cổ phần tại Công ty ScaleLab cho các chủ sở hữu trước đây, với giá 12 triệu USD. Hợp đồng chuyển nhượng có giá trị ngày 11/3 nhằm đảm bảo lợi ích cho cổ đông và hệ sinh thái của YouTube.

Yeah1 cũng cho hay trong trường hợp xấu nhất, tức việc đàm phán với YouTube về thỏa thuận lưu trữ nội dung không như mong đợi, Yeah1 sẽ đẩy mạnh các mảng kinh doanh còn lại để đảm bảo mục tiêu phát triển và lợi ích cổ đông.

"Diễn biến giá cổ phiếu YEG tuân theo qui luật thị trường và nằm ngoài tầm kiểm soát của YEG", Yeah1 cho biết trong văn bản giải trình.

Đồng thời, tập đoàn cho hay sẽ có điều chỉnh kế hoạch kinh doanh theo kết quả đàm phán với YouTube và trình cổ đông tại ĐHĐCĐ năm 2019 vào thời gian tới.

Dù công bố mua hơn 3 triệu cổ phiếu quĩ và gửi giải trình đến Ủy ban Chứng khoán nhà nước vào tối qua nhưng hiện tình hình của Yeah1 cũng không khả quan hơn khi cổ phiếu YEG tiếp tục giảm 7.700 đồng khi đóng phiên sáng nay, xuống mức 102.800 đồng/cổ phiếu.

Sự cố của Yeah1 bắt đầu từ đâu?

Việc cổ phiếu YEG giảm sàn liên tục cho thấy Yeah1 đang bị ảnh hưởng nặng nề khi YouTube tuyên bố chấm dứt thỏa thuận lưu trữ nội dung từ ngày 31/3, đối với các công ty con hoặc công ty đầu tư tài chính có hoạt động kinh doanh liên quan mảng YouTube Adsense của Tập đoàn, gồm SpringMe Pte. Ltd., Yeah1 Network Pte Ltd và ScaleLab LLC.

Nguyên nhân do YouTube cho rằng SpringMe Pte. Ltd. (công ty có trụ sở tại Thái Lan, Yeah1 sở hữu gián tiếp 16,93%) đã có hoạt động quản lí tuyển chọn kênh chưa phù hợp với chính sách của YouTube. Điều này dẫn tới việc YouTube áp dụng chính sách tương tự với cả Yeah1.

Giảm sàn 11 phiên liên tiếp, vốn hóa mất hơn 4.000 tỉ đồng, Yeah1 chi mạnh tiền mua cổ phiếu, giải trình với Ủy ban Chứng khoán - Ảnh 3.

Cơ cấu doanh thu của Công ty CP Tập đoàn Yeah1 trong năm 2018. (Nguồn: Yeah1).

Tuy nhiên, Yeah1 nhiều lần lên tiếng khẳng định việc chấm dứt nội dung thỏa thuận với YouTube sẽ chỉ ảnh hưởng việc tuyển chọn và quản lí các kênh của đối tác. Hãng cho rằng mảng này chỉ đóng góp gần 13% lợi nhuận sau thuế theo báo cáo tài chính năm 2018. Trong khi đó, các mảng khác vẫn hoạt động bình thường.

Trong khi đó, Công ty chứng khoán TP HCM (HSC) đưa ra dự báo với kịch bản xấu nhất, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ Yeah1 sẽ bị điều chỉnh giảm 83,8%, xuống còn 26 tỉ đồng từ dự báo trước đây là 256,7 tỉ đồng.

Theo HSC, kịch bản xấu nhất sẽ xảy ra khi Yeah1 không đạt được một giải pháp nào với YouTube, thì Yeah1 Network, ScaleLab và SpringMe sẽ không còn là các nhà mạng MCN của YouTube và sẽ không được tiếp tục quản lí kênh của bên thứ ba.

Tag:
chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.